Ngày 6/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, đã khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, ra quyết định tạm giữ hình sự Trần Duy Quang (21 tuổi, quê Thanh Hóa).
Cơ quan công an xác định, hồi 16h00 ngày 4/3, tại khu vực đường kè hồ Tây, phường Nhật Tân, xuất phát từ việc anh L.X.T, điều khiển xe ô tô taxi va chạm với xe máy do Quang điều khiển, chở theo bạn gái.
Sau đó, giữa anh L.X.T và Quang xảy ra tranh cãi. Anh L.X.T mở cốp xe lấy ra một vật tày (dài khoảng 40cm), đuổi đánh Quang. Quang giơ tay lên đỡ và đấm thẳng vào mặt rồi cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu anh L.X.T.
Sau khi về nhà, anh L.X.T có biểu hiện yếu đi và được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Chiều 5/3, nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não.
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, trong vụ việc này, bản thân anh L.X.T được xác định có một phần lỗi đối với Trần Duy Quang, có lỗi một phần trong việc xảy ra xô xát dẫn đến cái chết đối với chính anh L.X.T.
Đối với Quang, tấn công anh L.X.T trong trạng thái bị anh L.X.T đánh trước, hành vi này có thể được coi là phòng vệ chính đáng. Nhưng việc Quang tấn công anh L.X.T dẫn đến tử vong có thể được coi là vượt quá phòng vệ chính đáng.
Căn cứ tại điều 22 Bộ luật hình sự quy định về phòng vệ chính đáng: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, theo quy định trên, để được coi là phòng vệ chính đáng phải đáp ứng các điều kiện: Người khác có hành vi đe dọa hoặc có hành vi gây thiệt hại cho một chủ thể;
Chủ thể nhìn thấy hành vi đe dọa có hành vi chống trả ở mức phù hợp, cần thiết với hành vi đe dọa, gây thiệt hại;
Hành vi xâm phạm là cơ sở của quyền phòng vệ chính đáng khi còn đang xảy ra hoặc đe dọa sẽ xảy ra ngay tức khắc.
Cũng theo luật sư Nam, căn cứ vào diễn biến, hành vi phạm tội cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ có thể khởi tố Quang về tội danh cố ý gây thương tích với dấu hiệu định khung là gây hậu quả chết người, có thể đối diện với mức phạt tù cao nhất tới 14 năm tù (quy định tại điểm a khoản 4 điều 134 Bộ luật hình sự).
Ngoài ra, có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội có tính chất côn đồ (quy định tại điểm d khoản 1 điều 52 Bộ luật hình sự) hoặc khởi tố Quang về tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (quy định tại điều 136 Bộ luật hình sự) với mức hình phạt cao nhất 3 năm tù.
Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh Cố ý gây thương tích dẫn đến cái chết cho anh LX.T, về trách nhiệm dân sự căn cứ theo tỷ lệ lỗi của mình, đối tượng Quang phải có trách nhiệm bồi thường cho thân nhân, gia đình anh L.X.T tổn thất về tính mạng (quy định tại điều 591 Bộ luật dân sự 2015).
"Xuất phát từ việc xảy ra vi phạm giao thông rất nhỏ có thể bỏ qua cho nhau, nhưng từ sự thiếu kiềm chế hành vi, ứng xử thiếu văn hóa mà cả 2 người để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, 1 người bỏ mạng và 1 người đối diện với hình phạt tù tội và phần đời còn lại bị day dứt về hành vi của mình", luật sư Nam nói.