Vụ cưỡng hôn trong thang máy bị phạt 200.000 đồng: Đừng để thành tiền lệ bất an!

22-03-2019 07:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Có thể nói, vụ cưỡng hôn trong thang máy bị phạt 200.000 đồng vừa qua được dư luận xã hội quan tâm và không đồng tình với mức xử phạt này.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng luật hiện hành đang có khoảng trống trong xử lý hành vi quấy rối tình dục. Nhiều ý kiến đề xuất cần sửa luật để tăng án phạt đối với hành vi này, nếu không sẽ có nhiều vụ tương tự như vậy có thể xảy ra?

Phạt 200.000 đồng cũng như không

Nhiều chuyên gia pháp lý đồng quan điểm cho rằng chế tài xử lý quá nhẹ. Cần nâng mức xử phạt hành chính hành vi quấy rối tình dục thông qua việc sửa Nghị định hoặc nghiên cứu, xem xét dâm ô người lớn cũng là một loại tội phạm.

Việc Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) phạt 200.000 đồng đối với ông Đỗ Mạnh H. (37 tuổi) do ép cô gái 20 tuổi để ôm hôn, sàm sỡ trong thang máy, cơ quan công an xử phạt đã căn cứ Nghị định 167/2013/NĐ- CP, trong đó mức kịch khung cho hành vi này là 300.000 đồng. Có thể do anh ta có “tình tiết giảm nhẹ” như vi phạm lần đầu, nhân thân chưa từng bị xử lý, phạt thế cũng như không nhưng có thể coi đó là một tiền sự - luật sư Lê Văn Thiệp nhận định.

Luật sư Thiệp cho rằng, cơ quan chức năng cần nâng mức xử phạt hành chính hành vi quấy rối tình dục thông qua việc sửa Nghị định nhằm đủ sức răn đe hoặc nghiên cứu, xem xét dâm ô người lớn (từ đủ 16 tuổi) cũng là một loại tội phạm. Ở Việt Nam, Nghị định 167/2013/NĐ - CP hiện quy định mức xử phạt hành chính quá nhẹ, từ 100.000 - 300.000 đồng. Người có hành vi quấy rối tình dục cũng không bị coi là tội phạm. Từ vụ việc này kiến nghị, cần nghiên cứu chế tài xử lý hành vi quấy rối tình dục ở mức cao hơn mức hiện hành, như một số quốc gia đã áp dụng. Bên cạnh đó, nếu hành vi quấy rối xâm hại trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của bị hại mà bị phạt hành chính thì cần tăng mức tiền phạt.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Phạm Huy Tuyến (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, trường hợp công an xác minh được hành vi ôm hôn, sàm sỡ cô gái bị phát tán rộng rãi khiến nạn nhân sang chấn tâm lý, cảm thấy nhục nhã và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tâm lý thì có thể xử lý Đỗ Mạnh H. về tội Làm nhục người khác, quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. Bởi quấy rối tình dục có tính chất nguy hiểm cao hơn rất nhiều so với việc dùng lời nói trêu đùa, chọc ghẹo người khác. Quấy rối tình dục có thể hiểu là những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác nhằm thỏa mãn tính dục. Sàm sỡ các bộ phận nhạy cảm của đối phương có thể làm tiền đề dẫn đến những hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, cố ý gây thương tích hay cướp tài sản. Như vậy là đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

Cần thay đổi chế tài xử phạt tránh những vụ tương tự có thể xảy ra.

Cần thay đổi chế tài xử phạt tránh những vụ tương tự có thể xảy ra.

Dễ tạo thành tiền lệ xấu

Thực tế, trong những ngày qua, với việc nhà chức trách phạt 200.000 đồng đối với hành vi trên, mức xử phạt như vậy không tránh khỏi sự bức xúc trong dư luận và ấm ức đối với người bị hại. Hành vi này phải xử lý ở chế tài cao hơn, xử phạt hành chính như vậy là không đủ sức răn đe, dễ tạo tiền lệ xấu.

Trước đó, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng đánh giá việc này “như trò hề”, thể hiện sự bất lực của pháp luật cũng như sự bất lực của những người thực thi pháp luật. Bi hài khi nó xảy ra vào thời điểm chúng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết xã hội trong Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động, trong bối cảnh chúng ta đang rất nỗ lực đưa ra nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tôi cho rằng, cần xem xét các yếu tố, tìm hiểu kỹ càng thấu đáo tính chất các vụ việc xảy ra vừa qua để có sự lên tiếng và đấu tranh một cách phù hợp nhất.

Cũng theo TS. Hồng, dù hành vi đó được áp dụng phạt theo Nghị định nhưng không phù hợp với thực tế, bởi “những vụ việc quấy rối tình dục, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em thì càng ngày càng nhiều khiến xã hội càng ngày càng bức xúc mà vẫn sử dụng một nghị định không cập nhật thì rất phản tác dụng”, bà Hồng chia sẻ.

Dư luận cho rằng, trong trường hợp này, dựa trên bối cảnh, không gian, cần xem xét tính chất nghiêm trọng của hành vi để áp dụng quy định pháp luật nhằm đảm bảo cho có lý, có tình. Còn áp dụng quy định xử phạt mà để người dân coi pháp luật như một thứ trò đùa thì không nên, thậm chí nhiều người sẵn sàng bỏ ra 200.000 đồng chấp nhận bị phạt để sàm sỡ, cưỡng bức bất kỳ một người phữ nào đó trong một thang máy.

Bên cạnh đó, hành vi quấy rối tình dục thường gây ra những hậu quả sang chấn tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực lâu dài cho nạn nhân nên pháp luật cần có những quy định chế tài riêng, nghiêm khắc hơn. Thậm chí có thể xử lý hình sự, không thể xử lý trong một chế tài đối với các hành vi như dùng lời nói trêu ghẹo phải trêu đùa như hiện nay được, sẽ tạo thành một tiền lệ bất an trong xã hội.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn