Vụ Công ty Smartland gửi công văn có nội dung “đe dọa truy sát cả gia đình lãnh đạo, nhân viên kênh VTV9”: Cần điều tra làm rõ và xử lý nghiêm

21-08-2018 09:32 | Pháp luật
google news

SKĐS - Những ngày qua, dư luận vẫn đang hết sức bất bình trước thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Dự án bất động sản Smartland (gọi tắt là Công ty Smartland) gửi công văn có nội dung đe dọa truy sát cả gia đình lãnh đạo, nhân viên kênh VTV9.

Trong diễn biến mới nhất, người tố cáo Công ty Smartland (xuất hiện trong phóng sự của VTV9) vừa bị một số đối tượng hành hung, hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra xác minh, làm rõ.

Người tố cáo bị nhóm người lạ hành hung

Thông tin từ Công an huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cho biết, đơn vị đã nhận được trình báo của anh Nguyễn Phú Q. (xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) về việc bị một nhóm người lạ mặt đi ôtô mang biển kiểm soát TP. HCM hành hung vào chiều 16/8. Căn cứ vào trình báo của anh Q. và biển số xe của nhóm người lạ mà anh Q. cung cấp, Công an huyện Thoại Sơn đã xác định được chủ sở hữu chiếc xe ôtô này là một doanh nghiệp ở TP. HCM.

Công văn của Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị làm rõ vụ việc.

Công văn của Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị làm rõ vụ việc.

Thiếu tướng Bùi Bé Tư - Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, Công an tỉnh đã có chỉ đạo Công an huyện Thoại Sơn tập trung điều tra làm rõ sự việc anh Q. bị nhóm người lạ hành hung theo hai hướng, đòi nợ thuê hay là nạn nhân của vụ anh cung cấp thông tin cho VTV9 trong phóng sự điều tra. Khi có kết quả điều tra, nếu có dấu hiệu tội phạm thì sẽ củng cố hồ sơ khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.

Trước đó, vào lúc 14h ngày 16/8, khi anh Q. đang làm việc tại nhà thì một người phụ nữ dùng số điện thoại 016649373... gọi vào máy anh kêu giao 10 bình nước lọc ở lộ tẻ ông Cường (trên địa bàn xã Vĩnh Chánh). Khi đến nơi, người phụ nữ này tiếp tục hướng dẫn anh đến chỗ vắng và bất ngờ 5 người đi trên chiếc ôtô 7 chỗ mang biển kiểm soát 51 -... lao đến tấn công anh. Lúc này, vợ anh Q. (đi giao nước cùng) kêu cứu và được người dân kịp thời can ngăn, đưa anh Q. đến bệnh viện. Còn nhóm người lạ đã nhanh chân lên ôtô chạy khỏi hiện trường.

Đáng chú ý, anh Q. là người đã xuất hiện trong phóng sự điều tra “Đa cấp bất động sản quốc tế lãi khủng - người tham gia mất trắng” của VTV9. Sau khi phóng sự này được phát, ngày 15/8, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. HCM nhận được công văn của Công ty Smartland do chủ tịch HĐQT Vũ Đức Tĩnh ký về việc yêu cầu gỡ phóng sự, đính chính thông tin và đe dọa truy sát cả gia đình Giám đốc VTV9; truy sát cán bộ - nhân viên có liên quan đến phóng sự vì cho rằng phóng sự đưa tin sai sự thật.

Xử lý hình sự được không?

Liên quan đến việc Chủ tịch HĐQT Công ty Smartland gửi văn bản có đoạn nội dung đe dọa tới Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM có vi phạm pháp luật không, nếu có thì xử lý sao. Đã có hai luồng quan điểm được các chuyên gia pháp lý đưa ra.

Công văn VTV9 gửi Công an TP. Hồ Chí Minh.

Công văn VTV9 gửi Công an TP. Hồ Chí Minh.

Theo luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi của Chủ tịch HĐQT Công ty Smartland và những người liên quan (nếu có) thiếu tính chuyên nghiệp, không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của chính công ty mà những người liên quan còn có thể sẽ gặp không ít rắc rối pháp luật. Cụ thể, hành vi này vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí 2016 (đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên...). Người có hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 133 BLHS 2015 về tội đe dọa giết người bởi việc đe dọa nhằm mục đích làm cho nhà báo, phóng viên lo sợ, tin rằng tính mạng của mình và gia đình có thể sẽ bị xâm phạm, phải thực hiện theo yêu cầu của người đe dọa như dừng thông tin, gỡ phóng sự...

Đồng tình, luật sư Châu Huy Quang (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Tội đe dọa giết người được hiểu là hành vi của một người bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn làm cho người khác lo sợ rằng mình sẽ bị giết. Việc đe dọa có thể chỉ nhằm khống chế tinh thần, ý chí của người bị đe dọa (không vì mục đích tước đoạt tính mạng của họ). Tức hậu quả cao nhất của hành vi đe dọa giết người là gây sự sợ hãi, lo lắng cho người bị đe dọa chứ không xảy ra hệ quả giết người trên thực tế. Người bị đe dọa có thể sợ bản thân mình hoặc thân nhân của mình bị sát hại và họ có căn cứ để tin rằng hành vi đe dọa của người phạm tội có thể được thực hiện.

Trong khi đó, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng chỉ với đoạn văn bản có nội dung trên thì bước đầu rất khó xử lý hình sự những người liên quan. Bởi lẽ Chủ tịch HĐQT Công ty Smartland không viết với ý định thể hiện ý chí của bản thân mình mà chỉ dự đoán phản ứng có thể xảy ra từ cổ đông, cá nhân, tổ chức hợp tác. Chủ tịch Công ty Smartland cũng lại không phải là người đại diện cho ý chí của cổ đông, cá nhân, tổ chức hợp tác khác trong việc gửi thông điệp đến giám đốc, cán bộ, nhân viên VTV9 với nội dung “có thể sẽ bị truy sát” như trong văn bản. Do đó, cơ quan chức năng cần triệu tập những người liên quan để làm rõ sự thật của việc soạn thảo, ban hành văn bản này, sau đó mới có hướng xử lý chính xác được.

Cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt hành chính những người liên quan theo Điểm a, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 159/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản). Theo đó, người có hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, PV nhưng chưa đến mức xử lý hình sự về tội đe đọa giết người thì bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.

Trung tâm THVN tại TP. HCM đã gửi văn bản đến Bộ Công an, Công an TP. HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương (Cơ quan Thường trực phía Nam)... đề nghị chỉ đạo làm rõ và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo Công ty Smartland.

Hội Nhà báo Việt Nam đã đề nghị Thường trực Thành ủy; Thường trực UBND và Công an TP. HCM khẩn trương chỉ đạo, nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh, bảo đảm an toàn cho các nhà báo thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, sau khi có kết quả thông báo bằng văn bản cho Hội Nhà báo Việt Nam được biết.


T.Quang - Ngọc Đỗ
Ý kiến của bạn