Hà Nội

Vụ công an dùng nhục hình: Kháng nghị hủy án, điều tra lại

30-04-2014 14:30 | Thời sự
google news

VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng trong quá trình xét hỏi nghi can Ngô Thanh Kiều, các bị cáo không có mặt cùng lúc nhưng biết bị cáo khác dùng nhục hình và đã tiếp nhận ý chí của nhau nên phải chịu chung hậu quả

VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng trong quá trình xét hỏi nghi can Ngô Thanh Kiều, các bị cáo không có mặt cùng lúc nhưng biết bị cáo khác dùng nhục hình và đã tiếp nhận ý chí của nhau nên phải chịu chung hậu quả.

Ngày 29-4, VKSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm vụ 5 sĩ quan công an dùng nhục hình dẫn đến chết người, xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa.

Án sơ thẩm không đúng pháp luật

Kháng nghị cho rằng bản án sơ thẩm đã áp dụng điều 298 Bộ Luật Hình sự để xét xử các bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy (nguyên sĩ quan Công an TP Tuy Hòa và Công an tỉnh Phú Yên) là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Song, việc áp dụng khoản 1, điều 298 để xử phạt 4 bị cáo Quyền, Mẫn, Quang, Huy là không đúng quy định của pháp luật, không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra.

Chị Trần Thị Tâm, vợ bị hại Ngô Thanh Kiều, cùng các con cho biết quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc
Chị Trần Thị Tâm, vợ bị hại Ngô Thanh Kiều, cùng các con cho biết quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc

Giải thích về điều này, VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng quá trình xét hỏi nghi can Ngô Thanh Kiều tại Công an TP Tuy Hòa, các bị cáo không có mặt cùng lúc nhưng biết bị cáo khác đánh Kiều mà không có ý kiến gì. Như vậy, các bị cáo biết việc dùng nhục hình và tiếp nhận ý chí của nhau nên phải chịu chung hậu quả gây đa chấn thương phần mềm dẫn đến cái chết của Kiều. Hành vi này của 5 bị cáo đã phạm tội dùng nhục hình thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, điều 298 Bộ Luật Hình sự.

Về nội dung kháng nghị, bà Ngô Thị Tuyết, chị của Kiều, cho rằng vẫn chưa thỏa đáng. “Tội dùng nhục hình chỉ có thể áp dụng với những người đánh vào phần mềm trên thân thể Kiều. Còn kẻ đánh bầm dập lục phủ ngũ tạng em tôi thì phải xử tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Riêng ai đó biết dùng dùi cui đánh vào đầu sẽ chết mà vẫn đánh Kiều thì phải chịu tội giết người” - bà Tuyết giải bày.

Ông Lê Đức Hoàn có dấu hiệu phạm tội

Kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Yên còn cho rằng ông Lê Đức Hoàn - Trưởng Ban Chuyên án, Phó Công an TP Tuy Hòa - đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là có dấu hiệu phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 285 Bộ Luật Hình sự nhưng chưa được điều tra, xử lý. VKSND đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Luật sư Võ An Đôn, Đoàn Luật sư Phú Yên, cho rằng nội dung kháng nghị này vẫn chưa thể hiện hết mức độ vi phạm vì ông Hoàn rõ ràng còn có hành vi bắt giữ người trái pháp luật và dùng nhục hình. Chính ông Hoàn chỉ đạo cho cán bộ của mình còng tay, bắt Kiều trong đêm tối khi không có lệnh bắt. Khi Kiều bị đưa đến Công an TP Tuy Hòa, ông Hoàn thấy nghi can bị còng tay, thấy dùi cui để trên bàn nhưng không có ý kiến gì là đồng lõa với hành vi dùng nhục hình.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng - Đoàn Luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Thành - cũng cho rằng nên khởi tố ông Hoàn và một số người khác về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Theo luật sư này, không phải tự nhiên mà Kiều nhảy vào Công an TP Tuy Hòa để bị đánh chết. Vụ việc xuất phát từ việc bắt giữ người trái pháp luật trước rồi mới dẫn đến những hành vi phạm tội khác.

Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm cũng như trong kháng cáo, luật sư Đôn đề nghị khởi tố ông Hoàn về 3 tội: “Dùng nhục hình”, “Bắt người trái pháp luật” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi Chủ tịch nước yêu cầu VKSND Tối cao và TAND Tối cao chỉ đạo xét xử vụ án đúng pháp luật, VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Phú Yên xem xét lại toàn bộ vụ án, trong đó xem xét có bỏ lọt tội phạm là ông Hoàn hay không. Hiện ông Hoàn chỉ bị kỷ luật cảnh cáo và vẫn đang giữ chức vụ Phó Công an TP Tuy Hòa.

Kháng nghị hủy án “không phù hợp”

Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng với cả 2 nội dung kháng nghị là chuyển từ khoản 1 lên khoản 3 điều 298 Bộ Luật Hình sự đối với 4 bị cáo Quyền, Mẫn, Huy, Quang cũng như dấu hiệu phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của ông Hoàn thì không cần phải hủy án.

“Khi xét xử phúc thẩm, chỉ cần đề nghị chuyển khung hình phạt đối với 4 bị cáo này và HĐXX khởi tố ông Hoàn là được. Điều quan trọng là dấu hiệu bỏ lọt tội danh “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” hoặc “Giết người” thì kháng nghị không đề cập. Cho nên, nếu kháng nghị hủy án sơ thẩm để thay đổi tội danh thì mới đúng” - luật sư Hà nhận định.

 


Ý kiến của bạn