Theo đó, Luật sư Phạm Quang Hòa, Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn đã không đồng tình với bản luận tội và mức án quy kết cho Trần Văn Sơn đã phản bác đưa ra những luận điểm bào chữa cho Trần Văn Sơn.
Vi phạm về tố tụng
Liên quan đến việc luận tội tại phiên tòa, ngoài những căn cứ quy buộc cho Trần Văn Sơn đã được nêu trong cáo trạng, vị đại diện VKS đã nêu thêm một căn cứ buộc tội mới tại phiên tòa đó là : Căn cứ vào Quy trình kỹ thuật xử lý nước trong điều trị lọc máu ban hành ngày 24/3/2010 của Bệnh viện đã khoa tỉnh Hòa Bình. Trong đó có quy định về chất lượng nước dùng trong xử lý nước, thời gian thực hiện, nguyên tắc bảo đảm… Vì đại diện VKS xác định rằng Trần Văn Sơn là cán bộ của Bệnh viện nên buộc phải biết và thực hiện theo quy định này.
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Quang Hòa cho rằng: Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về Luận tội của Kiểm sát viên có nêu rõ: “Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa…”. Đánh giá lại toàn bộ diễn biến trong phiên tòa này, tài liệu là QUY TRÌNH KỸ THUẬT XỬ LÝ NƯỚC TRONG ĐIỀU TRỊ LỌC MÁU chưa được bất kỳ ai đưa ra để hỏi đối với bị cáo Trần Văn Sơn và các người liên quan. Như vậy tài liệu này nếu có thì cũng là tài liệu chưa được kiểm tra công khai tại phiên tòa. Vậy mà Kiểm sát viên đã dùng tài liệu này để làm căn cứ buộc tội đối với Trần Văn Sơn là vi phạm tố tụng, mà cụ thể là Điều 321 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như tôi đã viện dẫn ở trên, Luật sư hòa cho biết.
Vi phạm quy định về Đối chất
Theo quy định tại Điều 189 BLTTHS 2015 về đối chất thì: “1. Trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất".
Trong quá trình điều tra, Trần Văn Sơn từ đầu tới cuối đều khẳng định rằng : Nhiệm vụ của mình được phân công là quản lý về việc mục đích sử dụng trang thiết bị. Còn liên quan đến sửa chữa, bảo dưỡng thì Sơn có trách nhiệm làm các thủ tục để tiến hành sửa chữa. Trong quá trình điều tra Trần Văn Sơn luôn nhấn mạnh rằng mình không có trách nhiệm giám sát việc sửa chữa.
Tuy nhiên trong quá trình điều tra, ông Trần Văn Thắng là Trưởng phòng Vật tư - TTBYT lại khai rằng: Quá trình sửa chữa thì Phòng vật tư có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện hợp đồng của đơn vị sửa chữa và ông Thắng đã giao cho Trần Văn Sơn phụ trách việc đó từ năm 2013 đến nay (Biên bản ghi lời khai ngày 21/6/2017 – BL 2864). Ông Thắng còn khai: Thực hiện việc quản lý theo dõi, giám sát, nghiệm thu kỹ thuật trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO của bệnh viện được tôi giao cho anh Trần Văn Sơn (Biên bản ghi lời khai ngày 29/6/2017 – BL 1150).
Đại diện Viện kiểm sát đọc bản luận tôi 3 bị cáo ngày 23/5
Như vậy, ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu, đã phát sinh sự mâu thuẫn nghiêm trọng giữa lời khai của Trần Văn Sơn và Trần Văn Thắng.
Căn cứ theo quy định của Điều 189 nêu trên thì trong trường hợp này, Cơ quan điều tra bắt buộc phải cho tiến hành đối chất. Tuy nhiên, không những không cho Sơn được đối chất, mà Cơ quan điều tra đã chấp nhận ngay lời khai của ông Thắng và dùng nó làm căn cứ cáo buộc cho Trần Văn Sơn. Và cái căn cứ này, cũng chính là 1 trong 3 căn cứ cáo buộc Sơn phạm tội được thể hiện trong nội dung bản cáo trạng của VKS nhân dân TP. Hòa Bình.
Như vậy, việc Cơ quan điều tra đã không cho thực hiện việc đối chất trong vụ án này đã thể hiện rõ rằng trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và đây chính là VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG THỦ TỤC TỐ TỤNG.