Hà Nội

Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Kỳ 1- Luật sư bào chữa phản bác bản luận tội của Viện kiểm sát

24-05-2018 06:25 | Pháp luật
google news

SKĐS - Trong ngày xét xử 23/5, đại diện cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù treo tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Trần Văn Sơn 4-5 năm tù. Riêng bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị mức án 5-6 năm tù tội “Vô ý làm chết người”.

Buổi chiều, HĐXX cho các Luật sư bào chữa nói quan điểm của mình, Luật sư Phạm Quang Hòa, Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn đã không đồng tình với bản luận tội và mức án quy kết cho Trần Văn Sơn. Luật sư Hòa đã phản bác đưa ra những luận điểm bào chữa và chỉ ra những suy đoán kết tội không hợp lý của Viện Kiểm sát đối với Trần Văn Sơn.

Luật sư Phạm Quang Hòa cho rằng: “Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, với tư cách là Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Trần Văn Sơn tôi thấy rằng trong vụ án này, việc quy kết cho Trần Văn Sơn phạm tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như Bản cáo trạng số 05/CT-VKS-P2 ngày 22/2/2018 của VKSND tỉnh Hòa Bình là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý. Do đó, trên tinh thần cải cách tư pháp, chúng tôi đề nghị và mong muốn HĐXX sẽ lưu tâm xem xét cho Trần Văn Sơn, căn cứ các quy định cụ thể được nêu tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng Hình sự (LTTHS) 2015 quy định về tranh tụng trong xét xử, đó là: Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và đặc biệt là kết quả tranh tụng tại phiên tòa".

Luật sư Phạm Quang Hòa cho rằng: “Điều rất đặc biệt của vụ án này là trong quá trình tiến hành tố tụng đã không có bất kỳ một người nào tham gia tố tụng với tư cách “người làm chứng”. Trong khi đó, luật sư chúng tôi cho rằng: “Đa số những người đang được coi là “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án” đã được các cơ quan tiến hành tố tụng TP Hòa Bình xác định hoàn toàn không phù hợp với quy định của Pháp luật.

Luật sư Phạm Quang Hòa và Luật sư Trần Hồng Phúc tại tòa

Quy định về Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án được quy định rất cụ thể tại Điều 65-Bộ LTTHS 2015 đó là: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”.

Theo Luật sư Hòa, đối chiếu với quy định của pháp luật như trên, chúng tôi nhận thấy rằng hoàn toàn không có căn cứ để thỏa mãn đối với những người đang được coi là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” tham gia tố tụng trong vụ án này. Chúng tôi thấy rằng trong danh sách những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà Tòa án xác định khi họ tham gia tố tụng tại phiên tòa này thì chúng tôi chưa thấy được quyền lợi của họ liên quan chỗ nào? Liên quan ở đâu?

Chúng tôi thấy rằng những con người này hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu và đủ căn cứ để xác định họ với tư cách “Người làm chứng” được quy định tại Điều 66 – Bộ LTTHS 2015, cụ thể: “Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng”. Và họ hoàn toàn có thể tham gia tố tụng với cả 2 vai trò trong vụ án này.

Và như vậy, theo LS Hòa  trong vụ án này các cơ quan tiến hành tố tụng sơ thẩm đã có sự vi phạm tố tụng khi xác định sai tư cách tham gia tố tụng của những người tham gia tố tụng, LS Hòa nói.

Luật sư Hòa cho biết thêm:  “nếu là nhân chứng thì nghĩa vụ của họ sẽ nhiều hơn, trách nhiệm rộng hơn. Và việc họ vắng mặt tại phiên tòa, thì còn nhiều biện pháp để xử lý, ví dụ như triệu tập bắt buộc, hoặc áp dụng biện pháp dẫn giải khi cần thiết. Và như vậy việc họ có mặt tại phiên tòa, khai báo trực tiếp sẽ không những giúp cho luật sư có cơ hội làm rõ những uẩn khúc của vụ việc mà theo chúng tôi là quá trình điều tra đã không làm rõ. Hơn thế nữa, giúp cho HĐXX có nhiều điều kiện hơn để đánh giá sự việc được khách quan hơn, toàn diện hơn”.

"Nhưng rất tiếc là xuất phát từ việc sai lầm trong việc xác định tư cách của người tham gia tố tụng đã dẫn đến một tình trạng đó là những “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án” (mà đáng ra họ phải là người làm chứng) đã dựa vào cái lợi thế của họ theo quy định của điều luật đó là không có triệu tập bắt buộc, không có dẫn giải để họ cố tình trốn tránh nghĩa vụ khai báo trực tiếp tại tòa.Việc làm đó của họ đã gây không ít khó khăn cho luật sư chúng tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo và thực hiện việc bảo vệ sự thật khách quan của vụ án", Luật sư Hòa nói.

Báo sức khỏe&Đời sống tiếp tục cập nhật


Trần Lâm
Ý kiến của bạn