Hà Nội

Vụ cháy nhà máy Rạng đông: Ai cần phải đi xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân?

30-08-2019 15:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều 30/8, BV Bạch Mai đã tổ chức thông tin báo chí cảnh báo triệu chứng nhiễm độc thủy ngân, sau khi có nhiều người đến bệnh viện xét nghiệm do lo sợ nhiễm độc thủy ngân sau đám cháy tại Công ty bóng đèn, phích nước Rạng đông tối 28/8 vừa qua.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, sau vụ cháy đêm 28/8 xảy ra tại Công ty bóng đèn, phích nước Rạng đông hiện đã có 10 phóng viên tác nghiệp tại đám cháy và 2 người dân sinh sống trong khu vực gần đám cháy đến Trung tâm Chống độc để xét nghiệm xem có nhiễm độc thủy ngân hay không.

Đa số bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu… tuy nhiên qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ cho biết bệnh nhân vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu gì đặc biệt.

Các bác sĩ đang tích cực tiến hành xét nghiệm máu, dự kiến kết quả sẽ có trong đêm nay.

Đây là xét nghiệm khó, mất thời gian để có thể xác định chính xác. Đến thời điểm này, đám cháy không có người tử vong, sức khỏe các bệnh nhân đến khám vẫn ổn định, cho nên cần chờ kết quả mới có thông tin đánh giá tiếp - BS. Nguyên nói.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên trả lời báo chí.

Nguy cơ nhiễm độc cao nhất khi đang xảy ra đám cháy

Theo BS. Nguyên, nguy cơ ngộ độc lớn nhất là khi đang xảy ra đám cháy với nhiệt độ nóng cao (trong đó phải kể đến đối tượng là lính cứu hóa, người tham gia chữa cháy...), nếu hít phải khói có chất độc hại dễ gây kích ứng đường hô hấp, khí CO gây ngộ độc; hơi nóng cũng nguy hiểm gây bỏng hô hấp. Thời gian tiếp xúc càng lâu thì khả năng ngộ độc càng cao.

Một số yếu tố khác như chiều gió, hướng gió, nếu đứng xuôi chiều gió mà hít phải khí từ đám cháy thì nguy cơ gây độc lớn hơn. Bên cạnh đó là vấn đề tuổi tác, trẻ em hoặc những người hoạt động mạnh hít phải khí nhiều hơn cũng dễ ngộ độc hơn...

Tuy nhiên hiện nay, các thông tin về ngộ độc thủy ngân sau đám cháy hiện mới chỉ là suy luận đánh giá chứ chưa có thông tin chính thức từ các đơn vị chuyên môn. Để khẳng định chính xác, cần phải có kiểm tra, đo lường về môi trường, chất lượng không khí, nguồn nước…

Chính vì vậy, theo chuyên gia chống độc, những người có nguy cơ cao như đã nói ở trên hoặc những người có biểu hiện bất thường như đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, tức ngực, nôn mửa, choáng váng, tê chân tay... thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Đối với những người ở xa khu vực đám cháy, không tiếp xúc gần với hiện trường vụ cháy thì không nhất thiết phải đổ xô đến bệnh viện xét nghiệm gây quá tải, tốn kém chi phí không cần thiết.

Lực lượng cứu hỏa, người dân tham gia chữa cháy có nguy cơ nhiễm độc cao hơn so với người khác.

Cần thải độc tại cơ sở y tế

Cũng theo BS. Nguyên, trong môi trường cháy không phải chỉ ngộ độc thủy ngân mà còn có các khí độc khác có thể gây ngộ độc với triệu chứng tương tự nhau nên người dân cần bình tĩnh. Bởi lẽ, ngộ độc thủy ngân phải tính đến rất nhiều các yếu tố như: nồng độ, thời gian tiếp xúc, môi trường khép kíp hay không khép kín hay thậm chí là chiều gió…

Các biểu hiện ngộ độc thủy ngân tức thời có triệu chứng như sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.

Hiện nay, với ngộ độc thủy ngân không có cách nào có thể làm thải độc tự nhiên, thải độc tại nhà. Khi phát hiện người nghi nhiễm độc thủy ngân việc đầu tiên cần làm là phải nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi môi trường khí độc. Sau đó tiến hành rửa da, mắt bằng nước sạch tại chỗ - có thể dùng nước lọc, nước máy… Rồi đưa nạn nhân tới cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám, điều trị thải độc tại cơ sở y tế (chủ yếu bằng thuốc giải độc). Càng điều trị sớm thì càng tránh được biến chứng đáng tiếc cho sức khỏe.

Vỡ nhiệt kế, phải làm sao?

Cũng theo BS. Nguyên, mối nguy hại nhiễm độc thủy ngân tại nhà dễ gặp nhất đó là thủy ngân trong nhiệt kế, vỡ ra rồi gây độc. Song, nguy cơ này cũng không cao, kể cả việc người nuốt nhầm phải thủy nhân trong nhiệt kế, trừ trường hợp mắc bệnh về tiêu hóa hoặc nuốt quá nhiều.

Tuy nhiên, nếu thủy ngân trong nhiệt kế bị vỡ, chảy ra ngoài, người dân tuyệt đối không được dùng máy hút. Bởi quá trình hút sẽ làm nóng, bốc hơi, dễ hít phải gây ngộ độc. Chúng ta có thể loại bỏ thủy ngân bằng cách gạt, quét, gói kín mang đi xử lý...” - BS. Nguyên khuyến cáo.

Dương Hải
Ý kiến của bạn