SKĐS - Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 16 năm 2014, tại nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động với công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, trong khi các ngành, địa phương đang rầm rộ ra quân tuyên truyền cho Tuần lễ thì song song với đó, hàng loạt các vụ cháy xảy ra gần đây cho thấy, ý thức về công tác phòng chống cháy nổ tại không ít nơi vẫn còn bỏ ngỏ.
Cháy chợ phố Hiến, Hưng Yên
Đêm 19, rạng sáng 20/3, ngọn lửa bao trùm chợ Phố Hiến (Hưng Yên), hàng trăm ki-ốt cùng hàng hóa ở 2 tầng chợ đã bị thiêu rụi. Phải mất hơn 5 tiếng, lực lượng cứu hỏa mới khống chế được, tuy nhiên, ngọn lửa vẫn cháy âm ỉ, khói đen tiếp tục bốc ra từ tầng hai kèm theo mùi khét lẹt. Các ki-ốt bị lửa thiêu rụi kéo theo hàng trăm tiểu thương và gia đình trắng tay sau một đêm “thăm viếng” của bà hỏa. Trước đó, vào 7 giờ sáng ngày 19/3, một đám cháy lớn đã bất ngờ bùng phát tại Nhà máy ván gỗ MDF- VRG Quảng Trị. Mặc dù vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng cũng đã làm tê liệt hoạt động của nhà máy này. Hàng loạt các vụ cháy khác như vụ cháy Công ty TNHH Khải Nguyên chuyên sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu ván ghép, mộc gia dụng tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) vào lúc 5h30 ngày 17/3 hay vụ cháy lớn vào lúc 17 giờ ngày 15/3 xảy ra tại Công ty TNHH Te An Việt Nam (nằm trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyên sản xuất mũ bảo hiểm... đã khiến thiệt hại hàng tỷ đồng.
Theo thống kê, trong năm 2013, có nhiều vụ tai nạn cháy nổ, tai nạn lao động làm hàng trăm người chết, gây thiệt hại lớn về con người, số vụ tai nạn trên theo thống kê thì đã giảm, thế nhưng số người chết và bị thương lại tăng lên, điều này không những làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp theo của các doanh nghiệp mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều gia đình. Có nhiều vụ nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động và xã hội, điển hình là vụ nổ kho pháo hoa của Nhà máy Z121 tại tỉnh Phú Thọ vào tháng 10 năm ngoái làm 26 người tử vong, 98 người khác bị thương. Chỉ tính riêng năm 2013, chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương trong cả nước là 72 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản hơn 6 tỷ đồng. Con số này nếu không có giải pháp kiềm chế thì sẽ gia tăng trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay.
Cháy, nổ lớn, tài sản hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng bị thiêu rụi, nghiêm trọng hơn nữa là tính mạng của con người. Thế nhưng, từ trước tới nay, xã hội vẫn nghĩ phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Trên thực tế, sau mỗi vụ cháy, nổ cho thấy trách nhiệm phòng chống cháy nổ không phải của riêng ai, mà là của toàn xã hội.
Chính vì thế, cùng với các hoạt động của các ban ngành, địa phương, đơn vị trong cả nước thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chú trọng hơn nữa việc huấn luyện các kỹ năng, hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động; lồng ghép các chương trình an toàn, vệ sinh lao động với các chương trình phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc phòng ngừa, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại cơ sở sản xuất nơi làm việc thì mỗi doanh nghiệp, người lao động cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc thực thi pháp luật, các quy trình, biện pháp làm việc an toàn để phòng tránh nguy cơ, rủi ro thường hay xảy ra như cháy, nổ, tai nạn trong sản xuất, kinh doanh... Bên cạnh đó, để Tuần lễ Quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 16 năm 2014 có ý nghĩa và hiệu quả cũng cần phải xuất phát từ ý thức, nâng cao kỹ năng về phòng cháy chữa cháy từ mỗi cá nhân thì chắc chắn sẽ hạn chế các vụ cháy, nổ.
Mạnh Trung