Thông tin thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền tìm thấy ở bến đò Vân Đức, Gia Lâm, Hà Nội qua giám định ADN trùng với mẫu ADN của người thân lại một lần nữa gây rúng động dư luận.
Trong trường hợp kết quả xét nghiệm đúng 100%, vụ án Cát Tường sẽ được điều tra lại từ đầu. Việc giám định được nguyên nhân cái chết của chị Huyền sẽ là cơ sở để đảm bảo tính chính xác trong kết luận điều tra.
- Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra
Trước đó Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố với hai tội danh là: “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 - Bộ luật Hình sự; “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo quy định tại Điều 242, khoản 1 - Bộ luật Hình sự.
Tường không là chủ mưu?
Với hai tội danh trên, dư luận cho rằng là quá nhẹ đối với Tường. Tuy nhiên, điều băn khoăn hơn cả là Đào Quang Khánh, bảo vệ của thẩm mỹ viện Cát Tường trước đó từng được xác định là chủ mưu của vụ án và điều này đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận.
Trong bản cáo trạng có đề cập đến một tình tiết, đó là khi bác sĩ Tường chở xác nạn nhân đến cổng Bệnh viện Bưu điện cơ sở 1 (49 Trần Điền, Hoàng Mai, Hà Nội), một phần vì thấy quá đông người qua lại, một phần vì thấy xác chị Huyền đã bị cứng nên Tường không dám đưa xác vào trong bệnh viện. Trong lúc đang chần chừ, lưỡng lự thì chính bảo vệ Đào Quang Khánh đã nói với Tường rằng, không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà đem ném xuống sông.
Chính chi tiết gợi ý bác sĩ Tường không đem xác chị Huyền vào bệnh viện mà ném xuống sông đã khiến bảo vệ Đào Quang Khánh bị xác định là chủ mưu của vụ án.
Nói về kết luận trên của Cơ quan điều tra, luật sư Nguyễn Anh Thơm - người bảo vệ quyền lợi cho bị can Đào Quang Khánh cho biết: “Đối với bị can Đào Quang Khánh thì khung hình phạt cho cả 2 tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 điều 246 Bộ luật Hình sự (BLHS) và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 BLHS là 8 năm tù, nhưng do trong thời gian phạm tội, Khánh chưa đủ tuổi vị thành niên nên mức phạt mà Khánh phải chịu sẽ không quá 2/3 án phạt theo quy định, tức là không quá 6 năm tù giam”.
Đây chính là lí do khiến nhiều người nghi ngờ rằng, phải chăng Nguyễn Mạnh Tường đã có sự thống nhất với Đào Quang Khánh để Khánh gánh một phần trách nhiệm thay cho Tường vì Khánh chưa đến tuổi vị thành niên.
Trong khi đó, theo lời khai của một số ý tá tại thẩm mỹ Viện Cát Tường thì hành vi của Tường khi thấy chị Huyền nguy kịch rất thờ ơ, lạnh lùng.
Bệnh nhân sùi bọt mép, co giật, bác sĩ vẫn cố phẫu thuật
Theo lời khai của y tá Nguyễn Ngọc Thư thì khi phẫu thuật, lúc bơm được 1-2 ống bơm tiêm thì chị Huyền bắt đầu có biểu hiện co giật, nhưng bác sĩ vẫn tiếp tục hút được 5-6 ống bơm trên mỡ bụng thì dừng lại. Lúc này bác sĩ Tường dùng dao mổ rạch 2 vết nhỏ ở phía dưới 2 bên bầu ngực rồi bắt đầu bơm các ống bơm tiêm chứa dung dịch mỡ bụng vừa hút bơm vào ngực của chị Huyền, khâu 2 vết rạch ở bụng xong thì bác sĩ Tường, y tá Thư và Hoa bê bệnh nhân ra phòng hậu phẫu. Trong quá trình bơm mỡ vào ngực thì bệnh nhân vẫn co giật, sùi bọt mép, người cứng lại.
“Trong suốt quá tình phẫu thuật, chị Huyền luôn trong tình trạng co giật, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, phải thở ô xy. Thấy tình trạng như vây nên cứ khi nào chị Huyền co giật thì bác sĩ Tường lại bảo tiêm Diazepam (thuốc ngủ) và Dimedzon (thuốc chống nôn). Tổng cộng trong quá trình phẫu thuật bác sĩ Tường bảo Hoa tiêm 6 ống Diazepam và 2 ống Dimedzon” – y tá Nguyễn Ngọc Thư khai thêm.
Bác sĩ Tường bỏ mặc bệnh nhân đang nguy kịch?
Tại Bút lục 910 ngày 25/10/2013, khi được hỏi trong suốt quãng thời gian chị Huyền bị co giật đến khi chị Huyền tử vong, bác sĩ Tường có hành động, động thái gì không thì y tá Nguyễn Ngọc Thư khai: “Bác sĩ Tường không có hành động, động thái gì cả. Bác sĩ Tường bỏ mặc chị Huyền ở đó. Bác sĩ Tường bỏ đi đâu, làm gì tôi không rõ, chúng tôi gọi mãi bác sĩ mới về thẩm mỹ viện”.
Còn y tá Bùi Thị Hoa khai: “Sau khi cùng bác sĩ Tường đưa chị Huyền ra phòng hậu phẫu để nghỉ, lúc đó chị Huyền vẫn đang lên cơn co giật. Anh Tường bảo y tá Thư theo dõi còn tôi và Vân vào phòng phẫu thuật thu dọn đồ đạc, còn bác sĩ Tường đi ra ngoài trung tâm phẫu thuật ngay sau đó”.
Khi Tường đang đi lễ chùa Quán Sứ thì nhận được điện thoại của nhân viên thông báo tình trạng chị Huyền đang nguy cấp vì có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được.
Trong trường hợp này, bắt buộc Tường phải chỉ đạo cho nhân viên đưa chị Huyền đến cơ sở gần nhất để cấp cứu, nhưng trên thực tế, Tường đã không làm những điều đó mà bắt nhân viên “đợi anh về xử lý”.
Trong các lời khai của PGĐ thẩm mỹ viên Cát Tường tên Mai, chị cũng đã nhiều lần gọi điện thông báo tình hình và hỏi ý kiến về việc đưa chị Huyền đi cấp cứu, nhưng Tường một mực nói “anh đang về, chờ anh về xử lý”.
Như vậy, về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, bác sĩ Tường buộc phải dừng ca phẫu thuật để kiểm tra nguyên nhân và xử lý các biến chứng giúp nhận nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này, nhưng thay vì làm việc đó, Tường lại cố tình thực hiện các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ trên thân thể chị Huyền bằng cách rút ngắn thời gian phẫu thuật từ khoảng 4 tiếng xuống còn khoảng 2 tiếng, liên tục tiêm thuốc Diazepam (thuốc ngủ) và Dimedzon (thuốc chống nôn) mỗi khi chị Huyền lên cơn co giật, cho người giữ đầu, giữ tay chân, đặt gạc vào miệng chị Huyền để nhằm mục đích tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật.
Điều này cho thấy Tường là một kẻ rất lạnh lùng, dã man, thờ ơ với mạng sống của người bệnh.
Trong trại giam, Tường đã từng bất ngờ vì chưa tìm thấy xác chị Huyền (?)
Vào ngày 24/3/2014, trước ngày đưa Tường ra xét xử vài hôm, trên một tờ báo lớn của Việt Nam có đăng một bài mà ẩn ý trong đó được nghi là để đỡ tội cho Tường. Nội dung bài báo hầu hết là lời của vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho Tường, kể lại diễn biến sau 3 lần gặp Tường trong trại giam.
Đầu tiên bài báo nêu rằng, ông Tường rất bất ngờ và không thể lí giải nổi vì sao đến nay vẫn chưa tìm thấy xác chị Huyền. Trong khi đó thì mới đây, thi thể được tìm thấy ở bến Vân Đức không có đầu, đã mất hai bàn chân, bàn tay, hai bên đùi có hai mảng bê tông bám vào, một số vị trí khác trên cơ thể cũng có dấu vết bê tông.
Hiện công an đang xác minh điều này nhưng với chi tiết đó, việc chị Huyền bị đổ bê tông trước khi ném xuống sông để xác không thể nổi lên được nghi vấn nhiều.
Ngoài ra, bài báo còn dẫn lời vị luật sư bào chữa cho Tường nói rằng, sau khi gây tội, bác sỹ Tường đã phải chịu ám ảnh nặng nề. Ông ta không thể tìm được giấc ngủ ngon, tinh thần bất ổn, sắc mặt xanh xao.
Cũng theo nội dung bài báo, trong trại tạm giam, vì là bác sỹ nên ông ta được mọi người tôn trọng. Và khi mọi người trong buồng giam hoặc cán bộ cần, với kiến thức vốn có của một bác sỹ, ông ta luôn sẵn lòng giúp đỡ.
“Giải thích cho hành động của mình, bác sỹ Tường trình bày với luật sư bào chữa: Sau khi nạn nhân tử vong, ông ta lên tầng 3 thắp hương rồi ngồi lặng lẽ một mình ở trên đó” - bài báo viết.
Bài báo còn nhấn mạnh, hiện gia đình bác sỹ Tường đã khắc phục một phần hậu quả gây ra cho gia đình nạn nhân.
Và cũng trong bài viết, Nguyễn Mạnh Tường vẫn được gọi với cái tên nghe rất dễ chịu là Bác sỹ Tường.
Sau ngày Tường bị bắt, dư luận bàn tán rằng Tường có họ hàng làm chức rất lớn ở Trung ương. Người này đã đứng sau lo lót cho Tường để đỡ tội. Đây có lẽ chỉ là những tin đồn thất thiệt bởi do chưa tìm được thi thể chị Huyền nên cơ quan tố tụng cũng khó khăn trong việc luận tội.
Qua việc tìm thấy thi thể chị Huyền mới đây, chắc chắn rằng Nguyễn Mạnh Tường sẽ phải nhận hình phạt thích đáng, phù hợp với hành vi dã man của mình.
Theo Giaoduc.net