Trước mặt tôi là 5 tập Giai phẩm với lời bình của tác giả, nhà thơ Vũ Bình Lục cảm nhận về những áng thơ hay của các nhà thơ Việt xưa và nay (có một phần nhỏ giới thiệu về những nhà thơ nước ngoài ). Trung bình mỗi cuốn có độ dày từ 350 - 400 trang khổ lớn 14,5 x 20,5cm. Tập 1 xuất bản năm 2010, tập 2 - năm 2011, còn 3 tập sau đều vào năm 2012. Tác giả còn cho biết đã hoàn thiện tập 6, chuyên đề thơ văn Lý - Trần và có thể kịp ra mắt vào cuối năm 2012. Ðáng nói, cuốn nào cũng được in trên giấy tốt, bìa cứng. Chưa nói nội dung mà chỉ riêng hình thức bộ sách thôi cũng đã thấy rõ người làm công việc này đã rất ý thức, kĩ càng và nghiêm túc. Nhưng đáng nể là sức đọc, sức viết của anh.
Theo tác giả Vũ Bình Lục, đây chỉ là những tập đầu trong bộ sách nghiên cứu, giới thiệu thơ ca của nhiều tác giả mà anh sẽ còn tiếp tục lần lượt và cho ra mắt bạn đọc vào những năm tiếp theo. Dù vậy nhưng qua 5 tập đầu cũng phần nào giúp người đọc có một cái nhìn chung về nền thơ nước Việt. Cơ cấu mỗi tập thường bao gồm 2 phần, thơ hiện đại và thơ ca cổ, trung, cận đại, tùy theo mỗi tập và cũng tùy theo những “giai phẩm” tình cờ mà anh bắt gặp, anh ví “như một giai nhân nào đó, ngẫu hứng, tương ngộ”.
Ở tập 1, Vũ Bình Lục ưu tiên cho việc giới thiệu những giai phẩm dân gian của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và một số nhỏ thi phẩm nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Tập 2 và 3 giới thiệu khoảng 50 bài thơ của các tác giả đương đại Việt Nam như Trần Đăng Khoa, Bằng Việt, Vân Long, Tạ Vũ, Trần Mạnh Hảo, Bùi Giáng, Thâm Tâm, Trần Lê Văn, Đỗ Chu, Trương Nam Hương, Vũ Từ Trang, Anh Vũ… cùng hơn 60 bài thơ của các tác giả trung đại đến đầu thế kỉ XX ở nước ta như Thiền sư Pháp Thuận, Trần Minh Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung, Vũ Tông Phan, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương... Riêng tập 4 và 5, tác giả lại tập trung chọn lọc những thi phẩm tiêu biểu của hai nhà thơ tài danh là Cao Bá Quát (tập 4) và Nguyễn Trãi (tập 5). Những thi phẩm này được Vũ Bình Lục đăng nguyên văn chữ Hán, rồi có phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ giúp người đọc tiện lợi khi tra cứu, tìm hiểu.
Với những nhà thơ đương đại, Vũ Bình Lục chủ trương tìm đến những bài thơ hay mà anh gọi là những giai phẩm (tất nhiên theo cảm nhận của người chọn) chứ hoàn toàn không câu nệ vào tên tuổi, chức vị của họ. Việc lựa chọn, bình giải thơ dựa vào giá trị bài thơ được người biên soạn trân trọng và yêu quí.
Còn với Nguyễn Trãi và Cao Bá Quát, Vũ Bình Lục đã dành những lời hay, ý đẹp nhất để nói về thơ ca của những tài danh hiếm có này. Về Cao Bá Quát, Vũ Bình Lục viết: “Thơ Cao Bá Quát để lại trong lòng người đọc đương thời và cả hậu thế niềm ngưỡng mộ sâu sắc, trước hết bởi đó là những cảm xúc chân thành, nồng hậu của ông…Tâm hồn Cao kì vĩ mà gần gũi, ở trên cả kĩ xảo tinh diệu của nghệ thuật thơ ca. Chu thần họ Cao xứng đáng đứng vào hàng những nhà thơ vĩ đại của dân tộc và nhân loại”. Còn với Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới thì nhà thơ, nhà nghiên cứu họ Vũ cho rằng đó là một thiên tài nhiều mặt, nghìn năm mới có một người.
Vũ Bình Lục không chỉ có những nhận xét, đánh giá qua những lời đẹp đẽ kính trọng về những bậc tiền nhân mà anh còn dành những lời lẽ đằm thắm, tinh tế với những nhà thơ đương đại, dù hơn tuổi, ngang tuổi, thậm chí dưới tuổi anh qua những bài thơ hay nơi họ. Nghĩ về thơ Vũ Từ Trang, bạn thơ cùng trang lứa, anh viết: “
Thơ Vũ Từ Trang nhìn chung bình dị mà đằm thắm, chân thành như một cô gái quê hiền lành, chân chất nhưng lại là một sự hiền lành ẩn chứa chiều sâu văn hóa, thầm kín, duyên dáng của vùng quê Kinh Bắc”. Nhận xét về Trần Mạnh Hảo thật khó nhưng Vũ Bình Lục cũng đầy sắc sảo, thông minh và công bằng khi viết: “
Trần Mạnh Hảo là thi sĩ có tài. Anh cũng là người tâm huyết với lịch sử, tâm huyết với đời, tâm huyết với văn chương. Hơn thế, anh còn là một nhà thơ can đảm, có cá tính rất đáng nể trọng. Thơ Trần Mạnh Hảo đúng là thơ thể hiện đậm nét cái chí của anh, cái phong cốt của anh cho dù đôi khi anh quá hào phóng, phung phí ngôn từ tự phô ra cái gót chân A Sin chết người của mình. Nhưng tấm lòng anh chân thật. Đó là cái chỗ để anh tự hào, để người đọc cảm thông, thể tất và chia sẻ”.
Vũ Bình Lục cũng không hoàn toàn chỉ khen mà đôi khi như có cả sự mong muốn, tiếc nuối mặc dù lời lẽ rất nhẹ nhàng như khi cảm nghĩ về những bài thơ của Bằng Việt sau này: “Kể từ khi “Ném câu thơ vào gió”, thơ Bằng Việt dần khang khác, nhiều va đập thế thời và nổi chìm triết lí, tinh hơn về chữ và nghĩa. Điều ấy chả biết có đồng nghĩa với sự vơi đi cái trong trẻo hồn thơ đắm đuối thuở nào?”.
Đến với hàng trăm bài thơ, hàng trăm phong cách, bút pháp, tài năng khác nhau, từ những người đã thành danh đến những người mà tên tuổi còn rất lạ lẫm với công chúng, nhưng Vũ Bình Lục đều nâng niu, trân trọng tìm đọc và lẩy ra được những cái hay, cái riêng của mỗi bài thơ, mỗi nhà thơ. Cái cốt yếu ở tác giả là tấm lòng và thái độ nghiêm túc của một nhà thơ, một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học khi tìm đọc và cũng rất nghiêm túc khi giới thiệu những bài thơ hay để mọi người cùng thưởng thức.
Nguyễn Huy