Vụ bé trai ở Hóc Môn chi chít vết thương: Xem xét cho nạn nhân tách khỏi cha mẹ

15-04-2023 11:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Liên quan vụ việc cháu bé 2 tuổi tại Hóc Môn nghi bị cha mẹ “dạy dỗ” thương tích đầy mình, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã kết nối với chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho cháu bé.


Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 10h25 ngày 12/4, bé H.K được người thân đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn với nhiều vết thương nằm rải rác vùng đầu, mặt và nhiều nơi trên cơ thể. Phần da ở vùng bụng, ngực và mông có những vết bỏng rộp. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị chấn thương đầu mặt, gãy xương cánh tay phải, bỏng mức độ 1-2 (khoảng 6%). Bé trai được sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc 12h15 cùng ngày để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Ngay trong sáng cùng ngày, cơ quan chức năng đã có mặt tại khu trọ để lấy lời khai những người liên quan. Qua điều tra, bước đầu, người mẹ đã khai có đánh con mình, test nhanh ma túy cha mẹ bé đều âm tính.

Vụ bé trai Hóc Môn chi chít vết thương: Xem xét cho nạn nhân tách khỏi cha mẹ  - Ảnh 1.

Bé K. được phát hiện với nhiều vết thương trên người.

Theo thông tin từ báo điện tử Dân trí, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng Phòng bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sau khi nắm được thông tin, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo tổng đài 111 khẩn trương kết nối với cơ quan chức năng của địa phương, đặc biệt lãnh đạo huyện Hóc Môn, để nắm bắt diễn biến vụ việc bé trai nghi bị cha mẹ dạy dỗ tới chấn thương nặng.

Bà Hoa cho biết: "Chúng tôi đã đề nghị địa phương tiếp tục tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn cho cháu bé. Hướng dẫn cán bộ cấp xã khi xảy ra những vụ việc như vậy phải nhanh chóng kết nối với các bên liên quan, từ công an đến y tế, để bảo đảm an toàn cho trẻ, trong trường hợp cần thiết có thể tách trẻ ra khỏi gia đình".

Chia sẻ về vụ việc, đại diện Cục Trẻ em cho hay, rất nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến trẻ em trong gia đình, đặc biệt là các gia đình bố mẹ ly hôn, ly thân, đi làm ăn xa. Cơ quan bảo vệ trẻ em cho rằng mỗi gia đình cần tăng cường nhận thức về vai trò nuôi dưỡng trẻ em. Chính quyền địa phương phải thường xuyên bám sát, quan tâm hơn tới những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nêu trên để có những biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ trẻ bị xâm hại cũng như những vụ việc có tính chất nghiêm trọng tương tự.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết thêm: “Việc chăm lo, lên tiếng bảo vệ trẻ em không phải trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của mỗi người dân trong xã hội khi nhìn thấy những vụ việc xâm hại, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em. Qua tổng đài trẻ em 111, mọi người phải chủ động lên tiếng để phản ánh sự việc đến các cơ quan chức năng, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc xảy ra".

Vụ bé trai Hóc Môn chi chít vết thương: Xem xét cho nạn nhân tách khỏi cha mẹ  - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng có mặt tại khu trọ nơi cha mẹ bé K. thuê ở để ghi nhận vụ việc bé trai nghi bị bạo hành. Ảnh: Thanh Niên

Liên quan đến vụ việc này, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng đã có công văn gửi Công an huyện Hóc Môn về việc phối hợp xác minh và có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp nhằm bảo vệ bé trai 2 tuổi nghi bị bạo hành. Đồng thời, Hội cũng đề nghị Công an Huyện Hóc Môn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn, Ủy ban nhân dân xã Thới Tam Thôn, tiếp tục quan tâm chỉ đạo nhằm sớm xác định rõ nguyên nhân, có hay không hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em. Nhanh chóng có các biện pháp can thiệp và trợ giúp trẻ em một cách kịp thời trong thời gian sớm nhất.

Hiện ngọn nguồn sự việc dẫn tới những vết thương trên cơ thể bé H.K vẫn đang được Công an huyện Hóc Môn tích cực điều tra làm rõ. Mặc dù vẫn còn nhiều nghi vấn nhưng bất cứ ai theo dõi vụ việc cũng có thể nhận thấy, không ai có thể khiến một đứa bé mới tập đi, biết nói bị tổn thương nếu như cha mẹ dốc lòng bảo vệ con. Trong khi cháu K. đang ở với chính cha mẹ mình, ở nơi được gọi là gia đình. Lẽ ra nơi đó phải khiến chúng ta cảm thấy an toàn hơn bất cứ đâu nhưng với hoàn cảnh của K, thật chua xót khi cơ quan chức năng đang tìm mọi cách để tách K. khỏi cha mẹ. 

Người thân của bé trai: Biết bé bị đánh từ lâu, chỉ chờ cơ hội để cứu cháu

Cháu H.K sinh sống cùng cha mẹ tại một căn nhà trọ trên đường Thới Tam Thôn 16, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Trong ấn tượng của những người sống xung quanh khu trọ, bố mẹ của bé K. sống khép mình, không giao tiếp nhiều với hàng xóm, láng giềng. Bé K. cũng rất ít khi được cho ra ngoài mà chỉ quanh quẩn trong phòng trọ. 

Cô ruột chờ cơ hội để cứu cháu

Cũng theo nội dung đăng tải trên báo điện tử Dân trí, chị P.T.N.Hiền (35 tuổi, quê Bến Tre) cho biết, chị vẫn còn bàng hoàng khi nhìn thấy các vết thương chi chít trên người cháu trai, nghi do bị cha mẹ của bé gây ra. Chị Hiền là cô ruột của K. và cũng là người đầu tiên phát hiện sự việc.

Theo chị Hiền, mẹ của K. tên là L. (khoảng 20 tuổi), còn người cha tên là C. (khoảng 21 tuổi). Sáng 12/4, mẹ của bé nói chị đến phòng trọ trên đường Thới Tam Thôn 16 để kiểm tra tình trạng bỏng của cháu K.. Lúc đầu, chị tưởng mẹ của bé nói đùa nhưng sau đó người này yêu cầu chị đến gấp. Đến nơi, chị Hiền hoảng hốt khi thấy bé K. bị bỏng khắp người nên gặng hỏi. Lúc này, mẹ của bé nói do cháu bất cẩn trong lúc uống sữa và bị đổ lên người.

Chị Hiền nhớ lại: “Tôi nhìn xung quanh thì không thấy bình sữa nào hết. Tôi không biết cháu có bị tạt nước sôi không nữa”. Sau đó, chị cùng người dân trình báo công an và đưa K. vào bệnh viện cấp cứu. Chị H. cũng cho biết, cách đó khoảng 3 tuần, chị có đến phòng trọ và thấy cháu K. bị “dạy dỗ” theo cách tiêu cực nên khuyên cha mẹ của cháu dừng lại. Có lần, chị H. còn nhìn thấy người cha dùng vật cứng “dạy dỗ” cháu.  

Chị buồn bã kể lại: “Tôi nói cha mẹ của K. đừng làm như vậy nữa nhưng họ vẫn đánh cháu. Tôi buồn quá nên không đến phòng trọ thăm. Do bị cha mẹ của bé hăm dọa nên tôi cũng lo sợ, không dám trình báo công an”. Hiện tại, mẹ của chị H. đang túc trực tại Bệnh viện Nhi đồng 2 để chăm sóc cho cháu K..

Theo chị Hiền, vì K. sinh ra có đôi mắt một mí không giống cha nên C. nghi ngờ không phải con mình. Sau đó, hai vợ chồng C. đưa bé K. vào trại trẻ mồ côi. Đối với đứa con thứ hai (6 tháng tuổi), vợ chồng C. lại rất cưng chiều. Khi nghe trại trẻ mồ côi và các nhà hảo tâm hỗ trợ bé K. 70 triệu đồng, vợ chồng C. đón bé về nhà nuôi hơn một tháng qua. Suốt thời gian này, vợ chồng C. gần như không đi làm, chỉ đóng cửa ở trong phòng.

Thật khó lý giải tại sao chỉ vì một chút nghi hoặc về ngoại hình của bé K mà những người sinh ra bé lại sẵn sàng đưa con mình vào trại trẻ mồ côi như vậy. Rồi đến khi bé được các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, cặp vợ chồng này lại tỏ ra hoan hỉ đón con về nuôi như chưa hề có chuyện gì xảy ra....

Lời kể của hàng xóm

Cùng ngày 12/4, ông Lo (70 tuổi) - người quản lý của dãy nhà trọ trên đường Thới Tam Thôn 16 vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhận tin đứa trẻ ông vừa hỏi han đã nằm trong phòng cấp cứu. Sáng hôm đó, ông trực tiếp đi ghi số điện ở các phòng trọ. Đến căn phòng số 3, trong lúc cửa hé thì ông vô tình phát hiện đứa trẻ có nhiều vết thương bỏng trên người. 

Ông Lo kể lại: “Tôi đập cửa, hỏi han thì mẹ bé đứng chắn trước cửa và nói là đổ nước sôi ra thau vô tình gây bỏng. Sau đó tôi có khuyên là nên đưa con đi bệnh viện sớm, mẹ bé chỉ dạ dạ".

Ông Lo cho biết, vợ chồng C. chuyển đến dãy nhà trọ hơn nửa năm. Căn phòng số 3 luôn đóng kín cửa, ít khi giao tiếp với xung quanh. Thậm chí nhiều lúc ông gặng hỏi nhưng cả hai vợ chồng chưa bao giờ tiết lộ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, một người hàng xóm khác cũng chia sẻ, mặc dù đứa trẻ được cho là bị gây thương tích nặng nề, thế nhưng ông chưa bao giờ nghe thấy tiếng khóc, la hét.

Vụ bé trai Hóc Môn chi chít vết thương: Xem xét cho nạn nhân tách khỏi cha mẹ  - Ảnh 3.

Phòng trọ nơi K. sống cùng cha mẹ. Ảnh: Tiền Phong.

Chị Bích Trâm (chủ tiệm tạp hóa) cho hay, trước khi bị bắt, L. - mẹ cháu K. còn đến mượn tiền chị. Chị tưởng người mẹ này lo lắng khi con vô tình bị nước sôi văng trúng, nhưng không ngờ L. lại cùng chồng đánh con đến nông nỗi ấy. Theo chị Trâm, bé K. kể từ ngày được đón về phòng trọ, chị chưa từng thấy L. cho ra ngoài. Vào thời điểm phát hiện sự việc, chị Trâm nghe kể phải cho bé K. uống đến hộp sữa thứ 3 thì bé mới tỉnh dậy.

Với những vết thương nặng như vậy trên thân thể, một người trưởng thành còn đau đớn không thể chịu được, huống gì một đứa bé mới đang tập đi, biết nói. Thậm chí bé K. còn không được chăm sóc tử tế mà bị thương tổn ngày này qua ngày khác. Hàng xóm cũng nói rằng không nghe tiếng bé K. khóc lóc, la hét, vậy, H.K đã trải qua những đau đớn đó như thế nào?

Theo các chuyên gia tâm lý học, đối với sự an toàn của con cái, cha mẹ ruột là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Nếu họ không cho phép, không ai có thể động được đến đứa trẻ. Dù họ có chịu bản án nào, của pháp luật hay lương tâm cũng không thể bù đắp được những đau đớn về thể xác, lẫn tinh thần mà đứa trẻ phải chịu đựng. 

Thực tế cho thấy, đã có quá nhiều vụ cha mẹ “dạy dỗ” con cái đến thương tật, thậm chí có trường hợp dẫn tới tử vong. Điển hình nhất là vụ án bé V.A bị dì ghẻ và cha ruột trút giận gây rúng động dư luận thời gian qua. Là cha ruột nhưng Nguyễn Kim Trung Thái lại dửng dưng nhìn người tình trút giận lên con gái, thậm chí còn vào hùa không ít lần. Đặt hai vụ việc cạnh nhau ta mới thấy, bé H.K được giải cứu kịp thời dường như là một phép màu. Những vết thương trên cơ thể bé sẽ cần rất nhiều thời gian để lành lại, nhưng tổn thương trong tâm hồn sẽ đeo bám bé K. trong bao lâu đây? Tất cả những tin tức mới nhất của vụ việc sẽ được chúng tôi liên tục cập nhật.


PV (tổng hợp)
Ý kiến của bạn