Tuy nhiên, theo chuyên gia y khoa trong lĩnh vực tâm thần học, biểu hiện của nghi phạm không phải là căn bệnh này, mà có thể là “loạn thần sau sinh”.
Đau lòng mẹ trẻ sát hại con thơ
Sáng 12-6, dư luận trong nước xôn xao trước vụ án thương tâm, khi bé trai mới 33 ngày tuổi ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị phát hiện đã tử vong trong chậu nước tắm của nhà. Trên thềm nhà còn có dòng chữ nguệch ngoạc “Tao giết cháu mày L…” (L… là tên ông nội bé trai).
Vụ việc lập tức được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội bắt tay vào điều tra quyết liệt để làm sáng tỏ. Kết quả ban đầu khá bất ngờ, khi nghi phạm gây ra cái chết đau lòng lại chính là mẹ bé.
Nghi phạm Phan Thị Trinh đang bị xác định nhầm bệnh lý?
Theo nhận định ban đầu, nghi phạm Phan Thị Trinh mắc chứng bệnh “trầm cảm sau sinh” nên đã có hành động vô nhân tính như vậy.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo ANTĐ, Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Điều trị Stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) cho rằng, xét trên các chứng cứ và lời khai đã được công bố, thì rất khó để kết luận nghi phạm Trinh bị trầm cảm.
Thay vào đó, theo TS. Tâm, người mẹ này có thể bị mắc chứng “loạn thần sau sinh”. Sở dĩ phải nói rõ bệnh lý mắc phải vì điều này sẽ giúp xác định các yếu tố liên quan, cũng như cảnh báo cho các trường hợp khác để có phương pháp điều trị tích cực và phù hợp ngay từ đầu.
Phân biệt “trầm cảm” với “loạn thần" sau sinh
TS. BS Dương Minh Tâm phân tích, dựa vào những thông tin từ CQĐT cung cấp cho báo chí về trường hợp của nghi phạm Phan Thị Trinh, các biểu hiện của người mẹ này không giống với biểu hiện bệnh lý của chứng trầm cảm sau sinh.
Cụ thể, người mắc chứng trầm cảm thể hiện rõ nhất qua các yếu tố: Tâm trạng buồn chán; Cảm giác mệt mỏi chán chường; Không thiết làm gì, không thích hoạt động...
Những yếu tố trên là do tự cá nhân người bệnh cảm nhận, làm họ luôn thấy khó chịu, vì những “cảm giác” tức ngực, đau ngực, khó thở, run chân tay… xuất hiện. Từ đây, người mắc trầm cảm sau sinh sẽ dẫn tới phản xạ sợ những điều rất bình thường, như sợ tiếng động, sợ đông người, sợ ồn ào, sợ ánh sáng mạnh…
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của người mắc chứng bệnh này là tư duy trí tuệ của họ vẫn tỉnh táo, nhận thức được mọi việc quanh mình.
Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) cho rằng nghi phạm Trinh không phải mắc chứng trầm cảm sau sinh
TS. Tâm nhấn mạnh, chính sự mâu thuẫn giữa “tư duy được” với hành vi “chán nản, không thiết làm gì” khiến người mắc trầm cảm “nghĩ được nhưng không làm được”. Từ đây, nếu không được phát hiện kịp thời, người bệnh sẽ ngày càng bị tăng nặng tình trạng bệnh, vì họ luôn suy nghĩ tìm cách thoát ra khỏi sự trì trệ của bản thân, song không thoát được.
Cũng từ đó, người mắc trầm cảm sẽ có suy nghĩ chán sống, và dẫn tới ý định tự sát.
“Họ đấu tranh giữa cái sống và cái chết rất căng thẳng, suy nghĩ rất nhiều về hậu quả khi chết đi. Tới thời điểm họ không thể vượt qua được những ý nghĩ tiêu cực thì họ sẽ tự sát. Cũng chính vì khoảng thời gian đấu tranh tinh thần này kéo dài, và có tư duy rõ ràng, nên người mắc trầm cảm thường nghiên cứu kỹ các phương án tự sát, và tự sát thành công mà không ai ngăn cản được”, TS. Tâm cho hay.
Một điểm đặc biệt nữa của người mắc trầm cảm khi quyết định tự sát là họ có thể sát hại người thân trước (đặc biệt là người thân phụ thuộc chặt chẽ vào họ), rồi mới tự tử, để họ không phải lo lắng cho người thân của mình. Do vậy, các vụ mẹ sát hại con rồi tự tử trước đây có yếu tố trầm cảm rõ rệt, và có trường hợp người mẹ tự tử mà không chết là do người khác phát hiện và cứu sống kịp thời.
“Với những đặc điểm đó của chứng trầm cảm thì có thể thấy nghi phạm Phan Thị Trinh không mắc phải bệnh này”, TS. Tâm nêu quan điểm.
Thay vào đó, vị chuyên gia y khoa về tâm thần học này cho rằng có thể nghi phạm Trinh bị “loạn thần sau sinh”.
“Loạn thần sau sinh dễ phát hiện, dễ nhận biết hơn trầm cảm, vì các biểu hiện khá rõ ràng. Loạn thần sau sinh có nhiều loại như hưng cảm sau sinh, loạn thần cấp… Chứng bệnh này biểu hiện ở sự rối loạn tư duy và rối loạn tri giác. Trong đó, rối loạn tư duy khiến họ bị hoang tưởng, như luôn cảm giác có ai theo dõi và hãm hại mình… Còn rối loạn tri giác khiến họ ‘không bình thường’ khi nghe, ngửi, ăn, ngủ…”, TS. Tâm chia sẻ.
Vị chuyên gia của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho rằng, người mắc loạn thần sau sinh sẽ có biểu hiện tư duy không rõ ràng, không sâu sắc và chặt chẽ như người mắc trầm cảm, nên người xung quanh có thể phát hiện dễ dàng hơn.
Và cũng từ chứng loạn thần này mà một người mẹ có thể sinh ra hành động mất kiểm soát, “như có ai nhập vào” và sát hại con đẻ của mình.
Tuy nhiên, TS. Tâm cũng không loại trừ khả năng mâu thuẫn gia đình dẫn tới sự nông nổi, bộc phát và “trả thù cho bõ tức” của nghi phạm, chứ không phải vấn đề thần kinh là nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng.
Báo ANTĐ sẽ tiếp tục có một bài viết khác chi tiết hơn về các chứng bệnh tâm thần sau sinh để mọi người biết và có cách xử trí phù hợp với những người không may mắc bệnh.