Hà Nội

Vụ bé gái 8 tuổi bị người tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong: Người cha liệu có vô can?

29-12-2021 09:01 | Pháp luật
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia pháp lý, ngoài xử lý nghiêm minh hành vi của đối tượng trực tiếp bạo hành bé gái 8 tuổi, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ hành vi, vai trò, trách nhiệm của người cha trong vụ án này.

Xót thương hoàn cảnh cháu bé

Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) đã bắt tạm giam đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội "Hành hạ người khác". Trang được xác định là đối tượng đã hành hạ cháu bé N.T.V.A. (8 tuổi, phường 22, quận Bình Thạnh) khiến nạn nhân tử vong.

Theo xác minh, tháng 8/2020, ông T (bố cháu A) ly hôn và được tòa giao nuôi cháu A. Sau khi ông T ly hôn, Trang dọn về chung sống với bố con cháu A.

Từ tháng 9/2021, do dịch bệnh tại TP HCM diễn biến phức tạp nên cháu A học online, Trang được ông T giao nhiệm vụ kèm cháu học. Trong quá trình kèm cháu A học, Trang khai nhận có nhiều lần đánh bé. Trang lên mạng đặt mua một chiếc roi mây để tiện "dạy" cháu A. Quá trình đánh cháu A, roi mây bị gãy nên Trang dùng một thanh gỗ khác để tiếp tục hành hạ cháu.

Khoảng 15 giờ 30 ngày 22/12, Trang kèm cháu A học và dùng cây gỗ đánh đánh cháu nhiều lần trong khoảng 30 phút. Kết quả pháp y xác định cháu bị phù phổi cấp và trên người có nhiều vết bầm.

Hành vi độc ác của Trang khiến dư luận bức xúc, lên án. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu chỉ khởi tố Trang về tội "Hành hạ người khác" là chưa đủ răn đe.

 - Ảnh 1.

Đối tượng Trang tại cơ quan công an (ảnh TL)

Theo TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này bé gái mới chỉ 08 tuổi, là người chưa thành niên và là trẻ em nên được pháp luật quy định rất cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ, những người thân thích, gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều sẽ phải chịu chế tài của pháp luật, bất kỳ người xâm phạm đó là ai.

Tội "Hành hạ người khác" được quy định tại Điều 140 (BLHS 2015) chỉ áp dụng đối với hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây thiệt mạng cho nạn nhân. Điều luật quy định: "Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".

Tội danh nào mới chính xác?

Cũng theo TS.LS Cường, trường hợp đối xử tàn ác là hành vi đánh đập dẫn đến thương tích hoặc khiến nạn nhân thiệt mạng thì sẽ xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người". Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của người đã đánh đập cháu bé, làm rõ hung khí mà đối tượng sử dụng để đánh đập nạn nhân và diễn biến của từng lần đánh đập để xác định hành vi có thể đến mức làm nạn nhân tử vong hay không, nhận thức của người đánh trẻ em như thế nào để xác định yếu tố lỗi đối với hành vi vi phạm pháp luật này.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi có thể dẫn đến chết người, người đánh trẻ em nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo Điều 123 (BLHS 2015). Tình tiết được áp dụng để định khung hình phạt là phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ nên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Còn trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng không sử dụng không khí nguy hiểm, hành vi đánh đập không vào những vùng hiểm yếu. Đối tượng không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến việc nạn nhân tử vong, mục đích chỉ là gây thương tích cho nạn nhân, việc nạn nhân tử vong là ngoài ý chí chủ quan của đối tượng gây án thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố về tội "Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người" theo Điều 134 (BLHS 2015).

 - Ảnh 2.

Theo TS.LS Đặng Văn Cường, mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em đều phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì người phụ nữ này không phải là mẹ kế của cháu bé mà chỉ là bạn gái của bố cháu nên không có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hành vi gây ra rất nhiều tổn thương cơ thể cho nạn nhân dẫn đến việc nạn nhân tử vong thì sẽ không xử lý về các tội "Hành hạ người khác" hoặc "Hành hạ con" theo quy định của pháp luật mà sẽ xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người" mới chính xác.

Việc xử lý về tội danh nào thì cơ quan điều tra cần phải thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, nhận thức, ý thức của người thực hiện hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra từ những hành vi nào. Cơ quan chức năng phải làm rõ trong những vết thương trên cơ thể nạn nhân thì vết thương nào dẫn đến việc nạn nhân tử vong, ai là người gây ra vết thương đó. Đối tượng gây ra vết thương đã sử dụng hung khí gì, hành vi gây ra thương tích diễn biến thế nào và thái độ, nhận thức của người gây ra thương tích ra sao làm căn cứ định tội danh.

"Ngoài xử lý nghiêm minh hành vi của đối tượng trực tiếp bạo hành bé gái 8 tuổi, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ hành vi, vai trò, trách nhiệm của người cha trong vụ án này. Trong trường hợp người cha có biết về hành vi đánh đập con nhưng không can ngăn mà lại còn giúp sức, xúi giục thì người cha này cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với người đã đánh đập cháu bé.

Vụ việc cũng là bài học cho những bậc làm cha, làm mẹ khi thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm giáo dục, bảo vệ con cái. Trong đó, người gây ra thương tích, tước đoạt tính mạng của cháu bé cần phải bị nghiêm trị bằng chế tài của pháp luật", TS.LS Cường phân tích.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn tự lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm Covid-19 tại nhà


Nguyễn Hằng
Ý kiến của bạn