Liên quan đến vụ bạo lực trong học sinh Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA), Bộ GDĐT vừa có văn bản đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Thông tin xử lý vụ việc gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 31/5/2022.
Chia sẻ trên báo chí, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, khi xảy ra bất cứ sự cố gì, phụ huynh nên tìm hiểu rõ và bình tĩnh lắng nghe. Ngay sau khi sự việc xảy ra, phụ huynh không nên gặp gỡ phụ huynh của bạn đã bắt nạt con mình vì chắc chắn mỗi bên sẽ có những lý lẽ riêng, chính vì vậy việc nhờ nhà trường cũng như cơ quan công an can thiệp là hợp lý nhất.
Phụ huynh cần theo sát các dấu hiệu để phát hiện mọi chuyện kịp thời vì khi bị bắt nạt, trẻ thường không tự nói chuyện với bố mẹ. Hãy làm bạn với con để lắng nghe tâm tư của con, sau đó trấn an tâm lý và hỏi xem con muốn xử lý tình huống đó như thế nào.
Bố mẹ cần khuyến khích, chỉ cho con thấy điểm mạnh của bản thân để con quên đi chuyện bị bắt nạt. Ngoài ra, bố mẹ đừng dành quá nhiều thời gian nói về việc bị bắt nạt.
Trong trường hợp con có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, bố mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ để được hỗ trợ tâm lý tốt nhất.
Trường hợp cuối cùng, nếu con vẫn tiếp tục bị bắt nạt tại trường thì bố mẹ nên chuyển trường cho con. Đây không phải là cách hay nhưng sẽ giúp trẻ thoải mái hơn và không còn suy nghĩ tiêu cực.
Tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện
Bạo lực học đường luôn là vấn đề gây nhức nhối với xã hội bởi nó liên quan trực tiếp đến giới trẻ. Các vụ bạo lực học đường xảy ra không chỉ học sinh đánh nhau mà cả nhóm đánh một học sinh, thậm chí là phụ huynh đánh học sinh ngay trong trường học. Vấn nạn này để lại những hậu quả đau lòng về mặt tâm lý xã hội và gây ảnh hưởng nặng nề với cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Theo PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh - Trung tâm Nhi, BV TW Huế: Việc phòng chống bạo lực học đường phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng đặc biệt là gia đình và nhà trường.
PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh khuyến cáo các bậc phụ huynh cần dành thời gian chia sẻ, quan tâm hơn tới các vấn đề xung quanh chuyện trường lớp của trẻ. Việc cung cấp các kĩ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề nguy cơ trong trường học.
Về phía nhà trường, PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh cho rằng, nhà trường cần tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện giúp các em học sinh được học tập và phát triển lành mạnh. Các thầy cô giáo phải chú ý để không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu tâm lý ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa.