Những hình ảnh từ clip cho thấy, nhóm nữ sinh này đã lột quần áo của em học sinh kia, sau đó liên tiếp đấm đá vào mặt, đầu và người em học sinh. Hiện, nhà trường đã tạm đình chỉ học tập đối với 5 nữ sinh đánh bạn. Hiệu trưởng nhà trường cùng cô giáo chủ nhiệm cũng bị đình chỉ nhiệm vụ. Sự việc cũng đã được báo cáo lên công an huyện Ân Thi để tiếp tục điều tra, làm rõ. Về phần em học sinh bị 5 bạn bạo hành sau sự việc đã phải nhập viện điều trị.
Hậu quả nặng nề của tình trạng bạo hành học đường
Trả lời phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, Thạc sĩ Thực hành Tâm lý học Phát triển trẻ em và Thanh thiếu niên Phạm Lê Hoàng Minh cho rằng, học sinh bị bạo hành cơ thể không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm, danh dự, những hình ảnh phát tán trên mạng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến học sinh này nhiều năm về sau.
Thạc sĩ Thực hành Tâm lý học Phát triển trẻ em và Thanh thiếu niên Phạm Lê Hoàng Minh
Theo Ths Minh, trước hết những người có trách nhiệm cần phải có biện pháp ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra. Cần tìm hiểu nguyên nhân của sự việc sau đó mới xử lý can thiệp. Trong mỗi vụ bạo hành, nhiều người nghĩ, nạn nhân là đối tượng cần được can thiệp, hỗ trợ sức khỏe tinh thần.
“Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý học theo tôi cả nạn nhân và những em học sinh bạo hành bạn kia đều cần phải được hỗ trợ, can thiệp tâm lý. Bởi vì đây là các bạn học sinh ở tuổi vị thành niên, có nhiều khúc mắc, hay có những hành vi mang tính chất bùng nổ và không kiểm soát được hành vi của mình. Các em học sinh thường hành động trước khi suy nghĩ, điều này thuộc về đặc điểm tâm lý lứa tuổi.”, Ths Minh nói.
Hậu quả để lại cho những học sinh từng bị cô lập, bạo hành, xâm hại tại trường học là sau này, bạn học sinh đó có thể mất tự tin, gặp rắc rối trong việc kết nối, xây dựng các mối quan hệ an toàn với người khác.
Một trong những vấn đề khiến dư luận dậy sóng trong vụ bạo hành ở Hưng Yên là em học sinh đã bị bạo hành nhiều lần tại lớp học, dưới sự chứng kiến của các bạn học sinh. Khi được thông báo, giáo viên chủ nhiệm đã yêu cầu học sinh không được nói cho bất cứ ai, và xóa clip.
Trường THCS Phù Ủng, nơi xảy ra vụ 5 học sinh lớp 9 đánh hội đồng 1 bạn cùng lớp
Ths Minh cho rằng, bản thân cô giáo bối rối trong việc xử lý tình huống. Việc ngăn chặn phát tán hình ảnh ra ngoài là cách cô làm để bảo vệ hình ảnh cho học sinh. “Sự việc diễn ra trong lớp học, trong khoảng thời gian học sinh ở trường học, nên phải nói đến trách nhiệm của người giáo viên và người quản lý ở trường học. Nguyên nhân nào khiến các em có hành động bạo lực với bạn như vậy và tại sao những người xung quanh chỉ chứng kiến mà không có hành động gì… là những câu hỏi cần tìm lời giải đáp”, nhà tâm lý học này nói.
Can thiệp kịp thời phòng bạo lực học đường
Theo Ths Minh, trong trường hợp trên nếu có sự tham gia của cán bộ tâm lý học đường sẽ kịp thời can thiệp, không để những sự việc đáng tiếc xảy ra. Ở đây , cần nhấn mạnh đến vai trò của công tác chăm sóc tâm lý học đường.
Với trường hợp cụ thể ở trên, chuyên gia tâm lý cho rằng, không nên ép buộc bạn bị bạo hành quay lại lớp học, cần tìm hiểu nguyện vọng của em học sinh là gì, nếu cần thiết cho em học sinh nghỉ học một thời gian để bình ổn cảm xúc hơn là ép học sinh đi học để theo kịp chương trình, điều này sẽ gây ra những rắc rối khác mà chúng ta không lường trước được.
Ths tâm lý Hoàng Minh cho biết thêm, tại Trung tâm tư vấn tâm lý mà anh quản lý, có khoảng 15-20% trường hợp tìm đến tư vấn tâm lý do bị bạo hành, cô lập nơi trường học. Ths Minh nói: “Có những bạn học sinh tôi tư vấn từ năm cấp 2, nhưng đến năm cấp 3 đã tiến triển thành tâm bệnh”.
Dự án Một giờ lắng nghe của PsyHub (Nhóm thực hành tham vấn tâm lý) mà Ths Minh sáng lập, là một chương trình hỗ trợ tâm lý miễn phí cho trẻ vị thành niên và người trẻ. Đến với anh có những bạn bị bạo hành, cô lập, cách ly ở trong lớp học… Đó thường là những bạn có những điểm khác biệt ở trong lớp. Những bạn này thường không có ai chơi, không có người chia sẻ, tương tác, thường bị bạn bè quy kết là “chảnh, kiêu, lập dị hoặc cố tỏ ra như vậy” …. Trước một “người đặc biệt” như vậy, các bạn xung quanh hay có tâm lý, vì bạn học sinh đó “khác người” nên có quyền đối xử khác, hoặc do bạn đó “khinh” mình nên có quyền đối xử như vậy… . Nếu giáo viên sát sao, biết được những thông tin như vậy và có biện pháp can thiệp kịp thời, mang tính dự phòng thì những sự việc bạo hành, bắt nạt như vừa qua sẽ không xảy ra.