Vụ án nhận hối lộ tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia: Hơn 43 tỷ đồng tiền phi pháp bị phát hiện

30-03-2025 13:23 | Pháp luật
google news

SKĐS - Do chưa hiểu rõ quy định pháp luật về cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP), người dân thường tìm đến dịch vụ trung gian để được hỗ trợ, từ đó tạo cơ hội cho hành vi đưa và nhận hối lộ diễn ra.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Trung tâm Lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia, Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm, Văn phòng công chứng Lại Khánh và một số tỉnh, thành phố khác.

Theo đó, Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp, có nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và cấp phiếu LLTP theo thẩm quyền. Thông thường, cá nhân, tổ chức muốn xin cấp phiếu LLTP phải nộp hồ sơ theo quy định, gồm: Tờ khai yêu cầu cấp phiếu LLTP; Bản sao CMND/CCCD hoặc hộ chiếu.

Hồ sơ này có thể nộp trực tiếp tại Trung tâm, gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến. Sau khi tiếp nhận, Trung tâm phối hợp với Bộ Công an để xác minh thông tin trước khi cấp phiếu với mức lệ phí là 200.000 đồng/lần/người.

Kết luận điều tra nêu, lợi dụng nhu cầu xin cấp phiếu LLTP tăng cao từ năm 2019, nguyên Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cùng đồng phạm đã cấu kết để nhận hối lộ. Những người có nhu cầu được cấp phiếu "nhanh" đã thông qua Phạm Quang Hậu (cộng tác viên Công ty Luật Vicco, từng là lái xe riêng của Hùng), Lương Nhân Hòa (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm) và Nguyễn Định Cảnh (nguyên Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trung tâm) để nộp hồ sơ.

Vụ án nhận hối lộ tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia: Hơn 43 tỷ đồng tiền phi pháp bị phát hiện- Ảnh 1.

Bị can Lương Nhân Hoà (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ CA)

Để hợp thức hóa quy trình, nhóm này yêu cầu người nộp hồ sơ không điền thông tin về nơi thường trú, tạm trú và quá trình cư trú trên tờ khai. Thay vì dùng CMND/CCCD (có thông tin địa chỉ), họ hướng dẫn sử dụng hộ chiếu để tránh bị phát hiện sai phạm.

Hùng nghiêm cấm nhân viên Trung tâm trực tiếp làm dịch vụ, nhưng lại để Hậu làm trung gian nhận hồ sơ. Hậu sau đó bàn bạc với Hòa và Cảnh để thống nhất số tiền hối lộ phải đưa cho Hùng. Người cần cấp phiếu LLTP sẽ gửi thông tin cá nhân qua Zalo, Viber, Telegram, Messenger, bao gồm: Ảnh CMND/CCCD/hộ chiếu; Thông tin nhân thân (bố, mẹ, vợ/chồng) và tờ khai cấp phiếu LLTP (theo mẫu) nhưng không ghi nơi cư trú.

Hậu trực tiếp thu hồ sơ và tự thỏa thuận mức giá với người có nhu cầu. Trong đó Hậu phải đưa cho Hùng 700.000 đồng/1 phiếu. Người xin cấp phiếu LLTP phải trả trung bình 2 triệu đồng/1 phiếu. Sau khi trừ chi phí hối lộ, các đối tượng trung gian hưởng lợi từ 50.000 - 300.000 đồng/phiếu. Hàng tuần, vào chiều thứ Sáu, Hậu sẽ đưa tiền cho Hùng qua chuyển khoản hoặc trực tiếp tại phòng làm việc.

Kết quả điều tra đến nay, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an có đủ căn cứ xác định: Từ tháng 1/2019 đến tháng 7/2023, Hùng được sự giúp sức của Hậu, Hòa và Cảnh đã nhiều lần nhận tiền hối lộ của 14 bị can và một số cá nhân, doanh nghiệp khác, với tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng để cấp hơn 55 nghìn phiếu LLTP trái quy định pháp luật. Trong đó, Hậu trực tiếp giúp sức cho Hùng nhận hơn 32 tỷ đồng; Hậu cùng Hoà giúp sức Hùng nhận hơn 8 tỷ đồng và Hậu cùng Cảnh giúp sức cho Hùng nhận hơn 3,5 tỷ đồng.

Cựu Giám đốc Sở ở An Giang xin đính chính nhận 17 lần hối lộ chứ không phải 20 lầnCựu Giám đốc Sở ở An Giang xin đính chính nhận 17 lần hối lộ chứ không phải 20 lần

SKĐS - Bị cáo Nguyễn Việt Trí, cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang xin HĐXX được đính chính vì có sự nhầm lẫn trong số lần nhận tiền hối lộ. Theo đó ông chỉ nhận hối lộ từ Lê Quang Bình 17 lần với hơn 3 tỉ đồng chứ không phải nhận 20 lần.


T.Sơn
Ý kiến của bạn