Cần làm rõ yếu tố tâm lý của nữ sinh và những tác động khách quan
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), kết luận giám định pháp y là chứng cứ rất quan trọng để xác định nguyên nhân chết của đứa trẻ, xác định trách nhiệm pháp lý và hướng xử lý vụ việc tiếp theo. Nếu kết luận giám định pháp y xác định đứa trẻ chết do chấn thương sọ não thì chứng tỏ đứa trẻ bị vứt xuống sân khi đang còn sống. Với tình tiết này thì người mẹ trẻ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 - BLHS 2015 hoặc tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định tại Điều 124 - BLHS 2015.
Với tội Giết người thì mức phạt cao nhất có thể lên tới tù chung thân hoặc tử hình. Còn với tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ thì hình phạt cao nhất chỉ là 3 năm tù. Căn cứ để lựa chọn tội danh nào khi áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào trạng thái tâm lý, mức độ tự do ý chí và động cơ mục đích của người mẹ đã xâm hại đến tính mạng của con mình.
Người phụ nữ sát hại con mình chỉ có thể áp dụng Điều 124 - BLHS 2015 về tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ thể hiện ở hành vi là người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi thì sẽ bị xử phạt tù từ 6 tháng cho đến 3 năm.
Cơ quan công an điều tra, làm rõ vụ việc.
Trong vụ án này, tình tiết thứ nhất là ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu thì không thể áp dụng được bởi cô gái này là một sinh viên năm thứ tư trường đại học và đang sinh sống tại Hà Nội nên khó có thể bị tác động bởi tư tưởng lạc hậu. Còn tình tiết thứ hai có thể xem xét ở đây là cô gái này có rơi vào hoàn cảnh khách quan đặc biệt hay không? Làm rõ vấn đề này sẽ quyết định đến việc có áp dụng Điều 124 - BLHS 2015 để xử lý về tội Vứt bỏ con mới đẻ đối với cô gái này hay không.
Luật sư Cường cho biết thêm, hiện nay chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn thế nào là hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Tuy nhiên, theo cách hiểu của những người nghiên cứu pháp luật thì tinh thần của điều luật này là hướng tới những yếu tố đặc biệt tác động, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người mẹ mới sinh con, khiến người mẹ này không tự chủ, tự do được về mặt ý chí trong những tình huống thông thường dẫn đến hành động dại dột là giết hoặc vứt bỏ đứa con của mình.
Trong vụ án này, CQĐT sẽ làm rõ yếu tố tâm lý và những tác động của hoàn cảnh khách quan có tất yếu dẫn đến việc cô gái này phải lựa chọn một hành vi vi phạm pháp luật là vứt bỏ đứa con của mình hay không. Nếu có những tình tiết, chứng cứ rõ ràng để chứng minh rằng cô gái này đang rơi vào hoàn cảnh khách quan đặc biệt khiến bản thân không thể tỉnh táo, minh mẫn hoặc không thể tự do ý chí thì mới có thể kết luận là cô gái này phạm tội Giết con mới đẻ. Còn nếu kết luận của cơ quan điều tra thể hiện cô gái này vứt bỏ đứa con của mình bởi suy nghĩ nông nổi của bản thân, ích kỷ,... thì cô gái này sẽ bị xử lý về tội Giết người chứ không phải là tội Giết con mới đẻ. Trong trường hợp ban đầu khởi tố về tội Giết con mới đẻ nhưng trong quá trình điều tra cho thấy hành vi có dấu hiệu của tội Giết người thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể thay đổi tội danh để xét xử về tội Giết người.
Phải xử lý thật nghiêm minh
Theo Trung tá, PGS.TS. Nguyễn Minh Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, khi nghe về vụ việc này, bản thân tôi thực sự cảm thấy đau xót. Gần đây, xuất hiện một số vụ việc phụ nữ sau khi sinh con thì bỏ rơi con hoặc ném con của mình, dẫn đến những cái chết rất thương tâm. Tôi cho rằng đây là những hành vi rất độc ác, đòi hỏi phải có sự vào cuộc điều tra, tìm hiểu rõ nguyên nhân và phải được xử lý. Bên cạnh đó, xã hội cần phải lên án, phản đối với những hành vi này. Việc ném con của sản phụ này là vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý một cách nghiêm minh. Đó sẽ là hình thức răn đe đối với những công dân khác, bởi họ phải sống có trách nhiệm đối với người khác, đặc biệt trong đó có cả những đứa con của mình.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hiển, trong cuộc sống có những mâu thuẫn trong vợ chồng, trong gia đình, trong chuyện tình cảm... từ đó dẫn đến những vụ việc đau lòng mà người mẹ đã không sáng suốt, chọn một giải pháp hoàn toàn đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức, đi ngược với thuần phong mỹ tục, làm trái pháp luật, đó là tìm đến cái chết, thậm chí trả thù chồng, gia đình chồng... bằng việc giết đứa con của mình, hoặc có thể tìm đến những biện pháp bức tử, buộc những người con đó phải tìm đến cái chết. Cách giải quyết mâu thuẫn, áp lực bản thân như vậy là hoàn toàn sai lầm, đi ngược với chuẩn mực đạo đức và cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Nguyên nhân của những vụ việc tương tự như thế này là do sự quẫn bách, không tìm ra được lối thoát cho riêng mình, nhất là đối với giới trẻ, nhận thức còn hạn chế và không có sự kèm cặp, giáo dục từ phía gia đình. Do vậy, họ chỉ biết nhằm đến đứa con của mình để giải thoát cho mình, dẫn đến những hành vi nguy hiểm, mất nhân tính.