Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng làm một cán bộ công an hy sinh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố 6 bị can về tội Che giấu tội phạm.

6 bị can bị bắt về tội Che giấu tội phạm. Ảnh: CACC
Các bị can gồm: Nguyễn Thị Hoài Thương (20 tuổi, ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên - bạn gái đối tượng Bùi Đình Khánh).
Ngô Thị Thơ (51 tuổi, ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - mẹ đẻ đối tượng Hà Thương Hải).
Nguyễn Thị Hạnh (28 tuổi, ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - vợ đối tượng Hà Thương Hải).
Bùi Xuân Hiến (36 tuổi, ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - anh họ đối tượng Bùi Đình Khánh).
Lò Văn Minh (23 tuổi, ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh - em họ đối tượng Hà Thương Hải).
Triệu Thị Hiền (20 tuổi, ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên - bạn gái đối tượng Hà Thương Hải).
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi của đối tượng Bùi Đình Khánh và đồng phạm là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm nhiều khách thể (quan hệ xã hội) được pháp luật bảo vệ.
Hành vi thể hiện sự liều lĩnh, côn đồ, tội phạm hoạt động theo băng nhóm, có tổ chức, có tính chất côn đồ, coi thường pháp luật. Khi bị lực lượng chức năng truy bắt, các đối tượng chống trả quyết liệt nhằm tẩu thoát, hậu quả làm 1 chiến sĩ công an tử vong.
Hành vi này của đối tượng Bùi Đình Khánh bị cả xã hội lên án, đồng thời cho thấy cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy của các lực lượng chức năng hết sức cam go, khốc liệt. Các chiến sĩ công an phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức để loại bỏ "cái chết trắng" ra khỏi đời sống xã hội.
Liên quan đến vụ án này, lực lượng chức năng khởi tố thêm 6 đối tượng về hành vi Che giấu tội phạm theo quy định tại điều 289 BLHS. Chứng tỏ hành vi, tính chất đặc biệt nguy hiểm của nhóm đối tượng.
Theo đó, hành vi che giấu tội phạm được hiểu là việc một người, dù không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết có tội phạm xảy ra, đã cố tình che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật hoặc thực hiện những hành vi khác nhằm cản trở cơ quan chức năng phát hiện, điều tra và xử lý vụ việc.
Che giấu tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi nó cản trở hoặc gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và người phạm tội và ở một chừng mực nhất định nó còn khuyến khích người phạm tội thực hiện tội phạm.
Thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường các chuẩn mực của xã hội, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm của người có hành vi che giấu tội phạm.
Trường hợp bị khởi tố về tội danh này, 6 đối tượng này có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù theo quy định tại khoản 2 điều 389 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.