“Vụ án Huỳnh Văn Nén oan sai nghiêm trọng hơn vụ án Nguyễn Thanh Chấn, không chỉ có ông Nén bị oan, mà chín người khác trong đại gia đình vợ ông ta cũng bị kết tội oan, bị cáo Nguyễn Thị Nhung, chị ruột vợ ông ấy đã chết khi chưa được minh oan” - LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa nói.
Ngày 17/5/1998, ông Huỳnh Văn Nén bị bắt tạm giam vì bị nghi là thủ phạm giết bà Lê Thị Bông ở thôn 2 (xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận), đêm 23/4/1998. Trong tù, ông Nén nhận tội giết bà Bông, rồi khai đã cùng gia đình vợ giết bà Dương Thị Mỹ ở cùng thôn, đêm 18/5/1993. Từ lời khai này, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ bà Mỹ bị giết, khởi tố 9 người trong đại gia đình vợ ông Nén. Vụ án đó đã đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam với tên gọi “Vụ án vườn điều”.
Có thể nói, các thành viên Hội đồng xét xử đã có bản án bỏ túi, bất kể cáo trạng mới cũ, bất kể Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, không được sử dụng lời khai của bị cáo làm chứng cứ duy nhất buộc tội. Tôi thấy một số cán bộ các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã làm việc rất cẩu thả, coi thường số phận những công dân.
LS Trần Vũ Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội
Ngày 31/8/2000, xét xử sơ thẩm vụ án bà Bông, TAND tỉnh Bình Thuận nhận định bị cáo Huỳnh Văn Nén đã có công khai báo "Vụ án vườn điều", nên tuyên phạt ông Nén mức án tù chung thân về tội giết người, không kết án tử hình. Lúc đó, LS Nguyễn Hồng Hà nhận bào chữa cho các bị cáo trong “Vụ án vườn điều”.
Từ năm 2000 đã có cảnh báo oan sai
Ngày 20/10/2000, LS Nguyễn Hồng Hà gửi đơn tới các cơ quan pháp luật Trung ương và tỉnh Bình Thuận, nêu việc anh Nguyễn Phúc Thành tố cáo Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt giết bà Bông, ngày 29/9/2000 UBND xã Tân Minh có báo cáo về tố cáo của Nguyễn Phúc Thành. LS Nguyễn Hồng Hà đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án vụ bà Bông, để hủy án điều tra lại từ đầu.
Đề nghị đó không được chấp thuận. Đêm 24/2/2001, bị cáo Nguyễn Thị Nhung, chị ruột vợ ông Nén bị chết do bệnh nặng. Ngày 7/3/2001, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm “Vụ án vườn điều", tuyên án phạt tù giam từ 2 năm đến 10 năm về tội “giết người” đối với 5 bị cáo, trong đó ông Nén bị phạt 6 năm tù. Tháng 12/2005, các bị cáo trong “Vụ án vườn điều” đã được đình chỉ điều tra, trả tự do, các cơ quan pháp luật phải xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho họ, trừ ông Nén.
LS Nguyễn Hồng Hà cho rằng, vụ án Nguyễn Thanh Chấn được giải quyết theo thủ tục tái thẩm vì có tình tiết mới, có thủ phạm nhận tội. Còn vụ án Huỳnh Văn Nén giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vì tình tiết kêu oan không mới, đã có từ năm 2000, nhưng có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.
Theo LS Nguyễn Hồng Hà, bản án sơ thẩm vụ Huỳnh Văn Nén đã có hiệu lực từ cách nay 14 năm, nếu xác định có oan sai cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người gây oan sai về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được, vì đã hết thời hiệu. Để xử lý người gây oan sai nếu có, phải xem xét dấu hiệu tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, hoặc tội ra bản án trái pháp luật.
“Tòa xét xử và ra bản án theo cáo trạng không có trong hồ sơ vụ án, đương nhiên phải hủy bản án để xét xử lại” - LS Nguyễn Hồng Hà khẳng định. Ông Hà cũng cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của cấp phúc thẩm. Ngày 23/10/2000, ông Nén làm đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 12/12/2000, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM có quyết định số 3084/HSPT, không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của ông Nén. Nếu cấp phúc thẩm nghiên cứu kỹ hồ sơ sẽ thấy có vi phạm về tố tụng, mặt khác khi đó đã có nhiều kênh thông tin về tình tiết mới trong vụ án. Khi đó, cấp phúc thẩm làm hết trách nhiệm thì phải kiến nghị giám đốc thẩm, chứ không bác đơn kháng cáo của ông Nén.
Theo quy định, văn bản kháng nghị được gửi cho phạm nhân ở nơi phạm nhân thụ án. Văn phòng VKSND Tối cao gửi bản kháng nghị số 30/QĐ-VKSTC-V3 tới nhà bà Huỳnh Kim Ngân ở thị trấn Tân Minh là gửi cho cụ Huỳnh Văn Truyện, vì trong các đơn kêu oan cho con trai Huỳnh Văn Nén, cụ Truyện ghi cụ ở địa chỉ đó. Tôi cho rằng, việc gửi văn bản kháng nghị cho cụ Truyện là việc làm nhân văn, bảo đảm quyền lợi của người đi kêu oan.
LS Nguyễn Hồng Hà