Hà Nội

Vụ án Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH cho bà con dân tộc Ơ Đu tại Nghệ An: Không bao che, không bỏ lọt tội phạm

14-01-2021 10:35 | Xã hội
google news

SKĐS - Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu trên địa bàn huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (Đề án) được kỳ vọng xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của người Ơ Đu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án đã bộc lộ nhiều bất cập, sai phạm. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 4 bị can.

Bò ở “biệt thự”, người ở “lều”

Đề án phát triển KTXH dân tộc Ơ Đu, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025 được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu phát triển bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 90% và 10% ngân sách địa phương. Đề án thực hiện giai đoạn 1 (từ năm 2016-2020) với kinh phí 61,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2  (từ năm 2021-2025), kinh phí thực hiện 58,4 tỷ đồng. Đề án được giao cho Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện tại 2 bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương.

Chuồng bò được xây dựng cho người Ơ Đu ở xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An lên đến hàng trăm triệu đồng/chuồng.

Chuồng bò được xây dựng cho người Ơ Đu ở xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An lên đến hàng trăm triệu đồng/chuồng.

Được biết, trong các hạng mục hỗ trợ của Đề án trên có phần hỗ trợ xây dựng 67 chuồng trại gia súc (chuồng bò) với số tiền lên đến 12,6 tỷ đồng tại bản Văng Môn, bình quân 188 triệu đồng/chuồng. Chuồng bò được xây dựng với các mức giá khác nhau, nhưng tất cả đều trên 100 triệu đồng; đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 được đầu tư  mỗi chiếc trị giá 236 triệu đồng.

Qua thực tế, việc xây dựng chuồng bò, thậm chí còn đẹp hơn, kiên cố hơn nhà dân, đã gây phản cảm. Trong lúc, mỗi ngôi nhà đại đoàn kết có mức hỗ trợ từ 40-70 triệu đồng thì dự án này đang xây chuồng bò, với mức đầu tư gấp 3, gấp 4 lần xây nhà đại đoàn kết.

Nhiều người còn ví von, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với một số căn nhà lá, mái nứa sập xệ, xuống cấp của người dân tộc Ơ Đu ở trong bản mà chuồng bò được xây bên cạnh, đúng là bò ở “biệt thự”, người ở “lều”.

Ngoài ra, Đề án còn hỗ trợ con giống gia súc 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm hơn 1,5 tỷ đồng.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, theo đề án, bò phát cho bà con phải là giống bò địa phương, có trọng lượng 130 kg với giá 15 triệu đồng/con nhưng thực tế, bò mua ở dưới xuôi lên đây là không phù hợp; trọng lượng bò mà người dân được nhận đều thấp hơn, nhiều hộ dân nhận được bò chỉ khoảng 100kg và với giá thị trường khoảng 7-9 triệu đồng/con.

Chưa hết, hạng mục dạy chữ cho người Ơ Đu, khi tìm hiểu ra cũng có nhiều bất ngờ. Chị Mạc Thị Tím (43 tuổi), nguyên Bí thư Chi bộ bản Văng Môn, cho biết lớp dạy tiếng Ơ Đu mở từ tháng 11 đến tháng 12/2019 là xong.

Học theo kiểu đối phó, ai thích đi là đi, ai thích học là học. 210 học viên theo học, mỗi buổi học được trả 100 ngàn đồng. Đáng lẽ ra phải học thời gian dài nhưng chỉ học được 6 ngày. Mới đây, có đoàn về điều tra thì quay lại khắc phục, là thành lập Câu lạc bộ học tiếng Ơ Đu để học lại.

Không để lọt người, lọt tội

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Nghệ An là làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, không bao che, không dừng lại, không bỏ sót lọt tội phạm và xử lý nghiêm minh, triệt để những người liên quan đến vụ án. Đây là khẳng định của Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an Nghệ An đã khởi tố 4 bị can, trong đó có 2 bị can có chức vụ quyền hạn, với các tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn, tham ô tài sản”. Trong đó, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Kim Văn Bốn, 38 tuổi là cán bộ Phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An để điều tra làm rõ về hành vi tham ô tài sản; Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra đối với ông Nguyễn Tâm Long, quyền Trưởng phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An), được xác định đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô tài sản trong Đề án.

Công an tỉnh Nghệ An cũng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Sơn, 68 tuổi và Nguyễn Đình Thịnh, 39 tuổi (đơn vị cung cấp bò giống cho Đề án) để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.


Từ Thành
Ý kiến của bạn