Hà Nội

Vụ án “bầu” Kiên: Ai từng giải cứu cho Phạm Trung Cang?

10-04-2014 09:44 | Thời sự
google news

Ngay khi nhận quyết định đình chỉ vụ án của VKSND Tối cao, Phạm Trung Cang đã lập tức bay sang Mỹ.

Ngay khi nhận quyết định đình chỉ vụ án của VKSND Tối cao, Phạm Trung Cang đã lập tức bay sang Mỹ. Dư luận lúc đó cho rằng, “tội” ông Phạm Trung Cang rành rành ra đó nhưng có người am tường pháp luật đã giải cứu cho Phạm Trung Cang?

Giải cứu Phạm Trung Cang bất thành!?

Trong bản cáo trạng lần 1 gửi sang TAND TP Hà Nội đề nghị truy tố các bị can trong vụ đại án “bầu” Kiên, trong nhóm các bị can được cho đã phạm vào tội “cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, không có tên bị can Phạm Trung Cang.

Lý do mà Phạm Trung Cang vắng mặt trong quyết định truy tố lần 1 là do ngày 12/12/2013, Phạm Trung Cang đã được VKSND Tối cao ra quyết định số 02/VKSNDTC-V1 về việc đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.

Phạm Trung Cang và cuộc giải cứu bất thành?
Phạm Trung Cang và cuộc giải cứu bất thành?

Ngay khi nhận quyết định đình chỉ vụ án của VKSND Tối cao, Phạm Trung Cang đã lập tức bay sang Mỹ. Dư luận lúc đó cho rằng, “tội” ông Phạm Trung Cang rành rành ra đó nhưng có người am tường pháp luật đã giải cứu cho Phạm Trung Cang?

Ngày 3/1/2014, TAND TP Hà Nội đã trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, đồng thời kiến nghị VKSND cùng cấp làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung Cang.

Ngày 10/1/2014, VKSND Tối cao đã ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang đồng thời ra quyết định phục hồi điều tra đối với bị can Phạm Trung Cang. Sau đó, bị can Phạm Trung Cang từ Mỹ về Việt Nam theo lệnh triệu tập của cơ quan điều tra (Bộ Công an).

Điều đang nói trong vụ án “bầu” Kiên, cáo trạng lần 1 của VKSND TC hoàn tất vào cuối năm 2013 cho rằng: Với tư cách là thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, ông Phạm Trung Cang (SN 1954, ở Long An) đã tham gia và đồng ý với chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền Việt Nam đồng và USD tại các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành. Ngày 31/12/2011, ông Cang đã có đơn xin từ nhiệm, thôi giữ chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB và đã được Ngân hàng ACB chấp thuận.

Ngày 24/1/2011, Ngân hàng ACB đã có quyết định bổ sung thành viên hội HĐQT thay thế ông Cang. Do đó ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của chủ trương ủy thác tiền hơn 718 tỷ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Vì lý do trên cơ quan tố tụng đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang. Cũng vì lý do đó, mà dư luận đã đặt câu hỏi, phải chăng Phạm Trung Cang đã được ai đó am tường pháp luật giải cứu?

Phạm Trung Cang vẫn “dính” tội

Theo tài liệu điều tra, các bị can Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, với tư cách là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, có nhiều năm làm công tác quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB, nhưng đã tham gia vào việc thống nhất đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

Bầu Kiên và 8 bị cáo khác chuẩn bị hầu tòa với 4 tội danh.
"Bầu" Kiên và 8 bị cáo khác chuẩn bị hầu tòa với 4 tội danh.

Hành vi của bị can Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang đã phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Tuy nhiên, xét việc ủy thác gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại hơn 718 tỷ đồng xảy ra tại thời điểm Phạm Trung Cang đã được miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB để tham gia quản trị Eximbank nên Phạm Trung Cang được đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.

Theo kế hoạch của TAND TP Hà Nội, ngày 16/4, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án “bầu” Kiên và đồng phạm ra xét xử. Theo đó nhóm bị cáo sẽ phải hầu tòa với 4 tội danh. Trong đó Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, dính cả tố 4 tội: “kinh doanh trái phép”; “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “trốn thuế”.

Hai bị cáo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Cty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhóm các bị cáo Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỷ đồng.

 


Ý kiến của bạn