Hà Nội

Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran - nguy cơ bùng phát xung đột khu vực

30-11-2020 12:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh như “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc xung đột ở Trung Đông, đẩy quan hệ Mỹ - Iran lên nấc thang căng thẳng mới, thậm chí có nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột trong khu vực.

Ám sát các nhân vật quan trọng của Iran - những tiền lệ xấu

Vụ ám sát nhà khoa học 59 tuổi của Iran, ông Mohsen Fakhrizadeh đã gây rúng động Iran và dư luận thế giới. Ông  Fakhrizadeh là “cha đẻ”, đồng thời là người nắm giữ những bí mật của chương trình vũ khí hạt nhân Iran, mặc dù Tehran luôn bác bỏ việc ông Fakhrizadeh tham gia những chương trình như vậy. Theo tình báo Mỹ, ông Fakhrizadeh luôn được bảo vệ cẩn mật nhất. Tuy nhiên, trong cái ngày định mệnh 27/11, xe ôtô chở nhà khoa học hạt nhân này cùng các vệ sĩ  khi qua thành phố Absard, phía Đông tỉnh Tehran đã bị phục kích. Các tay súng đã dùng thuốc nổ để chặn chiếc xe và nã đạn khiến ông Fakhrizadeh và các vệ sĩ bị thương, nhà khoa học đã qua đời tại bệnh viện.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố, ông cho rằng, “có những dấu hiệu quan trọng” về vai trò của Israel trong vụ ám sát Fakhrizadeh. Một số chỉ huy Iran khẳng định, có “bàn tay tội ác” của Mỹ và Israel trong vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ đáp trả, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của nhà khoa học này sẽ tiếp tục được thực hiện. Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi vụ ám sát là hành động khủng bố, đồng thời chỉ đích danh Israel đang gây “hỗn loạn” và cam kết sẽ đáp trả “vào thời điểm thích hợp”. Hiện cả Mỹ và Israel đều giữ thái độ im lặng nhưng một số cựu quan chức Mỹ đã lên tiếng cho rằng Israel đứng sau vụ ám sát này. Hồi tháng 1, sau vụ ám sát chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) Qassem Soleimani do lực lượng Mỹ tiến hành bằng máy bay không người lái, Tehran đã đáp trả bằng một cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq.

Trong quá khứ, một số vụ ám sát các nhân vật quan trọng hàng đầu của Iran đã từng xảy ra: vào năm 2012, 4 nhà khoa học hạt nhân của Iran cũng bị ám sát. Người bị buộc tội giết 4 nhà khoa học này trước khi bị tử hình, đã thừa nhận tại tòa rằng ông đã được cơ quan tình báo Israel huấn luyện. Từ lâu đã có tin đồn về việc các điệp viên Israel hoạt động ở Iran và cũng rất nhiều lần,  Iran  cáo buộc phương Tây và Israel, mà cụ thể là CIA và Cơ quan tình báo Israel (MOSSAD), đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của Tehran.

Thủ tướng Israel từng tuyên bố có bằng chứng về chương trình vũ khí hạt nhân bị mất của Iran.

Thủ tướng Israel từng tuyên bố có bằng chứng về chương trình vũ khí hạt nhân bị mất của Iran.

Nguy cơ xung đột Trung Đông dâng cao

Bỏ mặc những lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hối thúc các bên kiềm chế “tránh bất cứ hành động nào có thể dẫn đến leo thang căng thẳng trong khu vực”, Hội đồng An ninh quốc gia Iran đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri kêu gọi trả thù. Về phần mình, Israel đặt các đại sứ quán của nước này trên khắp thế giới trong tình trạng báo động cao sau khi Tehran cho biết sẽ trả đũa. Nguy cơ một cuộc đối đầu đang cận kề.

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cảnh báo, vụ ám sát này là một hành vi “phạm tội”, có nguy cơ kích động xung đột trong khu vực. Theo ông, “một hành vi khủng bố được nhà nước tài trợ như vậy sẽ là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và kích động thêm nhiều chính phủ thực hiện những cuộc tiến công thảm khốc nhằm vào các quan chức nước ngoài”.

Trong một động thái mới nhất, Mỹ đã đưa tàu sân bay USS Nimitz tới Vùng Vịnh mặc dù khẳng định hành động này không liên quan tới vụ ám sát nhà khoa học Iran hay các mối đe dọa nào ở khu vực. Vụ ám sát xảy ra khi còn chưa đầy 2 tháng nữa nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sẽ kết thúc, đây đang là giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Mỹ - một  đồng minh thân cận với Israel và là quốc gia đang theo đuổi chính sách gây thiệt hại tối đa trong quan hệ với Iran. Nhằm ngăn chính quyền của Tổng thống đắc cử J.Biden nối lại quan hệ với quốc gia Trung Đông này trong tương lai, khả năng Mỹ tấn công Iran cũng có thể xảy ra... Nếu điều này trở thành hiện thực, có thể khiến các cuộc đàm phán Mỹ Iran trong tương lai trở nên khó khăn hơn.


Trần Hải
Ý kiến của bạn