Vụ Phó tổng thống Cristina Kirchner bị chĩa súng vào đầu hôm 1/9 đã làm rung chuyển Argentina và làm trầm trọng thêm căng thẳng tại đất nước vốn đang chia rẽ sâu sắc. Hàng chục nghìn người đã tập trung tại các con phố xung quanh Tòa nhà Chính phủ ở trung tâm Buenos Aires để thể hiện sự ủng hộ với phó tổng thống và phẫn nộ trước âm mưu ám sát.
"Cảm ơn Chúa là khẩu súng đã không nhả đạn", Santiago Bianco - giáo viên 58 tuổi - chia sẻ. Nhiều người khác trên quảng trường đông đúc cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi đất nước đã tránh được một thảm kịch tồi tệ.
"Đối với chúng tôi, kịch bản tương tự xảy ra với bà Cristina là không thể tưởng tượng được", Claudia - 37 tuổi - nói. "Chúng tôi vừa được cứu vào đêm qua, tránh được điều gì đó khủng khiếp mà chúng tôi thậm chí không thể hiểu được". Trong ảnh là người đàn ông cõng con gái trên vai trong cuộc biểu tình hôm 2/9.
Một số người lên án phe chính trị đối lập khi cáo buộc những lời nói công kích của họ nhắm vào phó tổng thống là động cơ của tay súng. Tương tự, một số lãnh đạo chính trị cũng khẳng định phe đối lập và các cơ quan truyền thông kích động bạo lực.
Oscar Delupi - 64 tuổi, công nhân đường sắt - đổ lỗi cho sự chia rẽ chính trị đã châm ngòi cho bạo lực: "Thật điên rồ, xã hội mất bình tĩnh, thông điệp về sự thù ghét ngày càng ăn sâu vào tâm trí những người yếu ớt, nhóm có lựa chọn điên rồ bằng cách thực hiện một vụ tấn công".
"Viên đạn đó biểu tượng cho lời nói căm thù", một người biểu tình tên Andrés Casaola nói. Một người khác tên Mabel Lescano chia sẻ cảm nghĩ về tay súng: "Chúng ta cần đạt được sự tôn trọng giữa người Argentina với nhau và để không còn hận thù nữa, bởi khi tích tụ thù hận, xã hội sẽ 'sản sinh' ra một người như thế này".
Bà Cristina Fernandez de Kirchner được cho là nhân vật chính trị gây chia rẽ Argentina và là vị lãnh đạo quyền lực của đất nước. Bà là đệ nhất phu nhân trong chính quyền cựu Tổng thống Néstor Kirchner năm 2003-2007, sau đó kế nhiệm chồng. Nhiều người tôn kính bà vì các chính sách phúc lợi xã hội thiên tả, nhưng cũng có nhóm cáo buộc bà tham nhũng và "thèm khát quyền lực".
Nhà lãnh đạo cánh tả đang bị xét xử với cáo buộc tham nhũng liên quan đến công trình công cộng trong thời gian bà làm tổng thống năm 2007-2015. Nhóm ủng hộ trung thành nhất của phó tổng thống đã tụ tập hàng ngày bên ngoài căn hộ của bà kể từ ngày 22/8 khi công tố viên yêu cầu bản án 12 năm tù và cấm tham gia chính trị suốt đời. Bà phủ nhận mọi cáo buộc và nói bản thân là "nạn nhân đàn áp chính trị".
Người biểu tình mua bánh mì kẹp xúc xích tại địa điểm biểu tình. Nghi phạm chính trong vụ việc là Fernando André Sabag Montiel, 35 tuổi, quốc tịch Brazil. Giới chức chưa rõ nguyên nhân vụ ám sát, cũng như nghi phạm hành động một mình hay có đồng phạm.
Trong những ngày gần đây, một số đồng minh của phó tổng thống cáo buộc nhóm phản đối đang cố gắng kích động bạo lực. Bộ trưởng An ninh Argentina Aníbal Fernández nói phe đối lập “đang tìm kiếm một ai đó chết trên đường phố”. Những người biểu tình trên phố đã hô vang khẩu hiệu: "Nếu động vào bà Cristina, chúng tôi sẽ khuấy động hỗn loạn".
Đội an ninh bao quanh Phó tổng thống Fernandez khi bà rời nhà hôm 2/9. Trước vụ ám sát, bà Fernandez có thói quen rời khỏi căn hộ vào khoảng buổi trưa, vẫy chào người ủng hộ và ký tặng trước khi lên xe tới Thượng viện Argentina. Bà giữ thói quen tương tự vào mỗi buổi tối.
Oscar Parrilli - Thượng nghị sĩ của liên minh cầm quyền thân cận với phó tổng thống - nói bà bị sốc sau vụ ám sát nhưng không sao: "May mắn thay, tinh thần bà ấy không bị ảnh hưởng".
Cảnh sát và lực lượng an ninh đứng bên ngoài nhà của phó tổng thống Argentina hôm 2/9. Tổng thống Alberto Fernandez nói rằng đây là "sự kiện nghiêm trọng nhất từng xảy ra kể từ khi chúng ta khôi phục nền dân chủ" vào năm 1983. Hàng loạt chính trị gia trên thế giới cũng bày tỏ phẫn nộ sau vụ việc.