Ngày 17/4, trao đổi với PV, ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết, địa phương đã mời các chuyên gia giáo dục tâm lý về trường THCS Nghĩa Hà giúp ổn định tinh thần cho tập thể giáo viên và học sinh nhằm sớm giảng dạy, học tập trở lại sau vụ việc 9 nam sinh chết đuối.
Ông Hoàng chia sẻ, sự việc không chỉ là niềm đau riêng của gia đình, nhà trường mà còn là nỗi buồn, mất mát lớn chính quyền, nhân dân thành phố.
"Sau vụ việc đau lòng này, chúng tôi sẽ sớm bàn với ngành giáo dục lồng ghép đưa môn bơi vào trường học dạy cho học sinh nhằm giảm thiểu rủi ro đáng tiếc xảy ra thời gian tới”, ông nói.
Vị lãnh đạo TP Quảng Ngãi cho hay, địa phương đã gửi văn bản yêu cầu các xã, phường, thị trấn cùng trường học các cấp trên địa bàn cảnh báo, dạy bơi và kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nạn để học sinh có thể bảo vệ tính mạng khi tắm sông, biển, nhất là dịp nghỉ lễ, nghỉ hè sắp tới.
Đội thợ lặn thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu hạn tham gia tìm kiếm thi thể 9 nam sinh chết đuối chiều 15/4. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước đó, chiều 16/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa về viếng 9 nam sinh trường THCS Nghĩa Hà chết đuối.
Chia sẻ đau thương cùng gia đình, bà Nghĩa yêu cầu ngành giáo dục Quảng Ngãi phối hợp với gia đình học sinh tăng cường công tác quản lý, giáo dục các cháu. Phải đảm bảo các cháu không xuống ao hồ, biển chơi đùa khi không có người lớn bên cạnh; tăng cường lắp biển cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực nước sâu.
Nhà trường tăng cường giáo dục về sự nguy hiểm ở các khu vực này để các em học sinh ý thức tự bảo vệ mình.
Học sinh trường THCS Nghĩa Hà thắp nhang viếng bạn chết đuối. Ảnh: Minh Hoàng. |
Cùng ngày, Phòng Giáo dục và đào tạo TP Quảng Ngãi đã cho thay mới toàn bộ bàn ghế lớp 6B, trường THCS Nghĩa Hà - lớp học có 9 nam sinh chết đuối nhằm tránh “tâm lý ám ảnh” cho giáo viên, học sinh trở lại trường vào đầu tuần tới.
Liên quan vụ việc này, đại tá Võ Đức Nguyện - Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Quảng Ngãi cho rằng, sau khi nhận thông tin, lực lượng cứu hộ đến hiện trường thì 9 nam sinh đã chết đuối trước đó.
Ông Nguyện cho rằng, dù Chính phủ đã giao chức năng cứu hộ, cứu hộ cho lực lượng công an nhưng do đơn vị mới thành lập nên lực lượng cứu hộ, cứu nạn còn mỏng, trang thiết bị đầu tư còn sơ sài. Hoạt động của Sở hiện nay chủ yếu tập trung vào công tác chữa cháy chứ cứu hộ, cứu nạn dưới nước chỉ dừng lại ở các vụ đơn giản, các vụ phức tạp chưa làm được.
“Các thành phố lớn như HCM, Hà Nội hình thành đội cứu hộ chuyên nghiệp (chuyên gia nước ngoài thường xuyên tập huấn) cùng với trang thiết bị hiện đại. Trong khi đó các tỉnh, thành khác trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn như xuồng máy, ca nô, xe cứu hộ cứu nạn chưa được đầu tư còn đội cứu hộ thì chưa được tiếp cận các khóa huấn luyện chuyên nghiệp nên khó hoạt động”, ông Nguyện bộc bạch.