Ngày 17/9, bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, đơn vị đang tích cực điều trị cho 2 bệnh nhi bị ong đốt trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
Bác sĩ Mạnh thông tin thêm, 2 bệnh nhi bị nhiều vết ong đốt trên cơ thể, cả hai bị suy đa tạng đang phải thở máy, lọc máu liên tục.
Như Sức khỏe và Đời sống thông tin, trưa 13/9, 7 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Típ 2, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trên đường đi học về chọc tổ ong đất ven đường. Hậu quả cả 7 em đều bị ong đốt.
Phát hiện sự việc, người dân nhanh chóng đưa các em đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cấp cứu. Trong đó, 4 em bị thương nhẹ hơn điều trị tại đây. Riêng 3 em nặng được chuyển bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị.
Tuy nhiên, 1 em học sinh lớp 5 đã tử vong trên đường. 2 em còn lại là Xồng Bá G. (8 tuổi) và Xồng Y T. (12 tuổi), cùng trú xã Mường Típ được đưa vào bệnh viện trong tình trạng sốc, suy gan, suy thận, suy hô hấp do bị ong đất đốt hàng chục nốt trên khắp cơ thể.
Theo tài liệu, ong đất được mệnh danh là "ong sát thủ" vì nọc độc nguy hiểm và sự hung dữ. Loài này còn có những hành vi khiến giới khoa học gọi là ong diệt chủng.
Nọc độc ong chứa nhiều chất cực độc như melittin, apamin, phospholipase A2, phospholipase B, chất phá vỡ tế bào mast, hyaluronidase, histamine, dopamine,... trong đó có thành phần chính là melittin và phospholipase A2. Melittin là chất gây đau ở người bị đốt và nguy hiểm hơn vì làm tan máu và rối loạn đông máu. Apamine là hợp chất có khả năng làm tê liệt hệ thần kinh và hoạt động cơ bắp, thậm chí gây suy hô hấp, liệt dây thần kinh và tử vong.
Thường xuyên đau đầu, phát hiện căn bệnh nguy kịch khi đi khám | SKĐS