Vụ 5 triệu yen: Thiên lương đáng quý của 'tỉ phú ve chai'

03-06-2015 15:32 | Thời sự
google news

Gọi chị là “tỉ phú ve chai” để cho dễ nhớ, chứ thực ra có gặp chị Huỳnh Thị Ánh Hồng rồi mới thấy chị vẫn mãi là chị ve chai thật thà, chất phác của ngày nào.

Gần 8 giờ tối qua, xóm lao động nghèo nép mình trong con hẻm nhỏ số 84 (đường Nguyễn Văn Quang, P.10, Q.Tân Bình) thường ngày vẫn vắng lặng nay bỗng đông vui và nhộn nhịp. Trong căn nhà khá tồi tàn chứa đầy ve chai, một người đàn ông khẽ đưa tay lau nhanh vệt nước mắt đang lăn dài trên đôi gò má xương xương của vợ mình. Không nói một lời, họ chỉ nhìn nhau và nghẹn ngào…

Thăm nhà “tỷ phú ve chai

Chúng tôi đến nhà chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi) và chồng là Trịnh Minh Vương (37 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi) vào lúc trời tối. Con hẻm dẫn vào nhà chị đã tĩnh lặng trở lại sau khi vắng bóng người đến chia vui và… xin tiền. Bởi lẽ, họ nhận được thông tin chị Hồng đã nhận lại số tiền 5 triệu yen mà mình vô tình nhặt trong lúc mua ve chai cách đây 1 năm.

Nụ cười hiền lành của chị Hồng khi nhận lại số tiền 5 triệu yen tại ngân hàng.

Vợ chồng chị Hồng niềm nở, nhẹ nhàng mời chúng tôi ngồi xuống tấm nệm cũ để tiếp chuyện. Thoáng chốc, nỗi niềm bối rối hiện rõ lên khi họ nhận ra tấm nệm kia đã rách bươm, chằng chịt mảnh vá…

Ánh mắt sáng ngời hạnh phúc, chị Hồng chia sẻ: “Giấc mơ của vợ chồng tôi bấy lâu nay đã trở thành sự thật. Tôi như đang lơ lửng giữa tầng mây. Cảm giác mình có được số tiền lớn thật khó tả. Vì… tôi đã quen sống với cái nghèo!”. Nói tới đây, chị bỗng nghẹt ngào, đứt quãng. Khóe mắt trũng sâu của người phụ nữ này bỗng dưng đầy nước…

Tiếp lấy lời vợ, anh Vương tâm sự: “Mấy bữa nay, chúng tôi mất ngủ luôn. Đêm nào cũng thấp thỏm, chờ mong ngày này…”.

Ánh mắt rạng ngời tràn ngập hạnh phúc của “tỷ phú ve chai” khi về đến nhà.

Một lúc, chị Hồng ngậm ngùi kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của vợ chồng mình. Chị và anh cùng sinh ra ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi. Gia đình đông con nên cả hai đều tìm vào Sài Gòn bương chải, lăn lộn đủ nghề để kiếm sống. Để rồi, cái nghiệp mua ve chai, đồng nát đã gắn kết họ lại với nhau. Anh chị nên duyên vợ chồng và có được 2 mặt con.

Căn nhà nhỏ này là chốn trọ của anh chị và mười mấy người đồng hương cùng hành nghề mua ve chai. Hằng ngày, họ miệt mài với những chiếc xe đẩy, đến mọi nơi trong thành phố. Để đêm về, bữa cơm chung với cọng rau, con cá và một chút bạc lẻ chắt chiu cũng đủ để những con người lao động nghèo này cảm thấy ấm lòng.

Vì đây là “của trời cho”…

Bước ngoặt cuộc đời của anh chị đã diễn ra vào cái ngày 21-3-2014. Chị Hồng nhớ như in. Hôm đó, chị đem chiếc loa cũ vừa mua tháo ra để lấy lõi đồng thì bất ngờ phát hiện 524 tờ tiền nước ngoài. Vốn ít chữ nghĩa, ban đầu chị còn tưởng đấy là tiền “âm phủ”. Sau rồi chị vội hỏi thăm bà con xung quanh thì biết được đó là đồng yen Nhật. Tổng cộng số tiền chị nhặt được là hơn 5 triệu yen, lúc ấy nếu quy ra Việt Nam đồng sẽ là hơn 1 tỉ bạc.

Anh Trịnh Minh Vương cũng lâng lâng niềm vui khó tả khi chờ vợ nhận tiền về.

Sau giây phút ngạc nhiên, sững sờ, chị đã đem toàn bộ số tiền trên đến cơ quan công an giao nộp để trả lại cho người đánh mất. Chị chia sẻ: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là với số tiền lớn như vậy, người đánh mất sẽ đau buồn lắm. Thêm vào đó, số tiền này không phải là được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức của tôi. Tôi vẫn tâm niệm làm người “tham thì thâm”. Bởi vậy, tôi quyết định sẽ trả lại”.

Sau khi tiếp nhận, công an đã ra thông báo tìm chủ sở hữu theo quy định pháp luật. Thời gian ấy, chị vẫn cùng chồng cần mẫn với công việc mua ve chai của mình. Lòng họ không hề nảy ý nghĩ tham lam hay hối tiếc. Chị vẫn mong chủ nhân số tiền ấy đến nhận lại tài sản…

Chị Hồng đi làm từ thiện ngay trong chiều 3-6.

Cho đến hôm nay, người phụ nữ này cầm chắc số tiền trong tay, chị cười dịu dàng: “Ông bà ta đã nói là “ở hiền gặp lành”. Tôi cảm ơn luật sư đã tận tâm giúp đỡ mình miễn phí và các báo đài, bạn đọc đã luôn bên cạnh để giấc mơ của vợ chồng tôi trở thành hiện thực. Tuy nhiên, vì đây là “của trời cho” nên vợ chồng tôi sẽ dành một phần làm từ thiện. Chúng tôi muốn san sẻ niềm vui này đến với những người cùng khổ như mình”.

Chị Hồng còn cho biết thêm: “Sau hôm nay, tôi vẫn sẽ tiếp tục đi mua ve chai để mưu sinh. Tôi vốn ít chữ nghĩa nên không thể làm gì to tát. Vả lại, cả đời tôi đã gắn bó với cái nghề này rồi”.

Chị Hồng tham gia giao lưu trực tuyến với bạn đọc Pháp Luật TP.HCM sáng nay 3-6.

Sáng nay 3-6, sau khi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM vào lúc 10 giờ sáng, chị Hồng ve chai lại tất tả đi làm từ thiện ở những nơi mà chị đã hứa. Một cái kết đẹp đã đến với vợ chồng chị và chúng ta cùng mong rằng những ngày sắp tới bình yên sẽ đến với gia đình chị, vì họ xứng đáng được như vậy.

 


Ý kiến của bạn