V.Putin: Phương Tây đối xử với Nga như một chư hầu

22-12-2014 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong cuộc họp báo hàng năm tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành phần lớn thời gian của ba giờ đồng hồ để lên án các thế lực bên ngoài làm suy sụp nền kinh tế Nga.

Trong cuộc họp báo hàng năm tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành phần lớn thời gian của ba giờ đồng hồ để lên án các thế lực bên ngoài làm suy sụp nền kinh tế Nga. Thủ phạm chính là phương Tây, Mỹ, EU và NATO cư xử với Nga như “một đế quốc đối với một chư hầu”.

Nga không khuất phục sau biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, EU và Canada.

Cũng vào thời điểm đó, tại Bruxelles, Bỉ diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh EU đầu tiên do tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chủ tọa. Trong cuộc họp này, ông Donald Tusk, nguyên là Thủ tướng Ba Lan suốt 7 năm kêu gọi thiết lập một “chiến lược lâu dài” để đối phó với tham vọng của Nga tại Ukraine. Đe dọa và áp lực của ông Vladimir Putin ở Ukraine đã tạo ra một hệ quả không ngờ: Thúc đẩy EU hợp lực với nhau trong một chiến lược chung đương đầu với Nga. Một chiến lược chung cần phải có một sự đồng thuận rộng rãi và vượt lên những quyền lợi cá biệt và chiến thuật chia để trị của Putin. Thế mà 28 nước thành viên không phải nước nào cũng mặn mà hy sinh quyền lợi riêng cho Ukraine. Theo nhận định của nhà báo Mỹ John Peet, để vô hiệu hóa tinh thần cảnh giác của Ba Lan và ba nước Baltic, Putin dùng lá bài hữu nghị với Đức và Italy. Trong khi đó thì Hungari và Bulgari đã có truyền thống thân Nga. Tuy nhiên, thời thế thuận lợi cũ đã hết, giờ đây, Tổng thống Putin bị mất hầu hết thân hữu tại châu Âu. Một trong những bằng chứng cụ thể là Pháp đã không giao chiến hạm đa năng Mistral cho quân đội Nga. Vào lúc chủ nhân điện Kremli họp báo thì từ hải cảng Saint Nazaire của Pháp, đoàn hải quân Nga tay không lên đường về nước sau thời gian tập huấn để tiếp thu quân vận hạm tối tân nhất thế giới hiện nay. Nhưng sự kiện quan trọng hơn nữa là thái độ của Đức, bạn hàng số một và nguồn đầu tư hàng đầu vào Nga cũng thay đổi. Trong nhiều năm, giới doanh nhân Đức nhắm mắt làm ngơ đối với nhóm tài phiệt, chính trị gia lãnh đạo Nga để có thể yên ổn kinh doanh. Thế nhưng, khủng hoảng Ukraine đã xé tan “thỏa hiệp” này. Thủ tướng Merkel đã trở thành “phát ngôn viên” của phe cứng rắn nhất ở phương Tây, buộc Nga phải tôn trọng “toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine như là “tiêu chí” để bỏ cấm vận. Ngay một nhân vật lãnh đạo khác của Italy có tiếng thân Nga mà nay là Ngoại trưởng EU - bà Federica Mogherini kêu gọi Putin phải “thay đổi chính sách tận gốc”. Trong khi Tổng thống Pháp François Hollande mở hé cánh cửa “triển vọng xuống thang xung khắc với Nga”. EU chỉ ban hành lệnh cấm đầu tư và du lịch vào vùng Crimea, đã được quyết định từ lâu chứ không phải mới để hạn chế thêm nguồn ngoại tệ mà Nga đang thiếu một cách thê thảm.

Trong những tuần vừa qua, lời tuyên bố của Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Thứ trưởng Sergei Ryabkov thì phương Tây không đòi Nga thay đổi chính sách mà thật sự là muốn chế độ chính trị hiện nay phải sụp đổ. Có lẽ thấy rõ điều này, tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi châu Âu cần một chiến lược chung khoảng đôi ba năm. Nhà báo Mỹ John Peet tin rằng, chính nhờ vào thái độ đe dọa của Putin mà châu Âu sẽ đoàn kết để chống Tổng thống Putin.

Trong khi đó, Nga cứng rắn tuyên bố sẽ “không khuất phục” sau một loạt biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, EU và Canada. Người phát ngôn của Nga cho biết, Moscow lấy làm tiếc khi “phương Tây một lần nữa chẳng quan tâm” việc giải quyết khủng hoảng ở Đông - Nam Ukraine. Người này nói Nga đang chuẩn bị “biện pháp trả đũa”.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa, vũ khí, dịch vụ sang Crimea. Ông Obama nói Mỹ không bao giờ chấp nhận việc Nga sáp nhập Crimea. EU cũng có các biện pháp tương tự, có hiệu lực từ ngày 20/12. Canada cũng tuyên bố trừng phạt Crimea hôm thứ sáu. Tuy vậy, cả EU và Mỹ nói sẽ chưa có thêm trừng phạt với Nga và kêu gọi Moscow giảm căng thẳng ở Đông Ukraine.

George Friedman - nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc Điều hành tổ chức phân tích và dự báo Stratfor khẳng định: Washington “lo sợ” Nga hồi sinh và điều này có thể dẫn đến chiến tranh lạnh một lần nữa. Ông cũng tin rằng Mỹ bắt đầu can thiệp vào Ukraine để trả đũa việc Nga “đánh bại” chính quyền Obama trong cuộc khủng hoảng Syria.

(Theo AFP, CNN)

Lê Sơn

 

 


Ý kiến của bạn