Hà Nội

Vòng xòe Tương Dương

15-08-2019 15:03 | Xã hội
google news

SKĐS - Miền Tây Nghệ An luôn là tiếng gọi mời hấp dẫn bởi vùng đất hoang sơ và nhiều bí ẩn. Không quá xa cách thành phố Vinh, lại thuận đường giao thông.

Tôi cũng đã từng múa sạp ở làng văn hóa cộng đồng dân tộc Thái Điện Biên thì nay lại được múa  sạp ở Tương Dương (phía Tây Nghệ An). Cũng từng ấy thân tre, cũng nhịp điệu ấy mà sao mỗi miền lại có cái náo nức, nghiêng ngả riêng.

Vòng xòe Tương Dương.

Vòng xòe Tương Dương.

Đang ở Con Cuông thì nhà văn Vi Hợi điện sang: Xong Con Cuông lên Tương Dương, cũng thuận đường thôi mà, lên đây ta “xòe” và uống rượu cần đọc thơ nhé. Tất nhiên là “ok” rồi. Vi Hợi là người dân tộc Thái, hiện là Phó Chủ tịch huyện Tương Dương, Chi hội trưởng  VHNT dân tộc thiểu số Việt Nam tại Nghệ An. Ông đã từng gửi tặng tôi 2 tập truyện ngắn là búy ký Ngày mới bên dòng sông Nậm PhaoXuống núi. Ông “quan chức” từng học Khoa Vật lý Trường đại học Sư phạm Việt Bắc, đã từng là giáo viên rồi làm cán bộ huyện đam mê viết báo, viết văn. Gặp Vi Hợi tôi vẫn thấy anh trẻ trung như ngày nào. Khi nghe tôi hỏi về vùng đất Tương Dương, ông bảo: Tương Dương (xưa là Trà Lân) và Quỳ Châu là hai phủ của miền Tây Nghệ An. Ở đây có 5 dân tộc ít người cư trú: Ơ-đu, Thổ, Thái, Khơ-Mú và Mông. Từ nửa đầu thế kỷ XI trở về trước, xứ Nghệ là của Đại Việt, là dải đất biên giới của Tổ quốc cả phía Nam và phía Tây. Xứ Nghệ - đất phên dậu của non sông ta khi xưa là nơi lưu giữ nhiều giá trị cổ truyền của văn hóa dân tộc. Địa danh Tương Dương có từ đầu đời Nguyễn. Tương Dương xưa gọi là Mường Xùng, thuộc vương quốc Bổn Man. Sau khi Bổn Man thuộc về Đại Việt vào thời nhà Trần thì nơi này gọi là đất Nam Nung. Năm 1490, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, đời vui Lê Thánh Tông chia phủ Trà Lân thành 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Vĩnh Khang, Hội Ninh. Đến đời nhà Nguyễn (1822), phủ Trà Lân đổi thành phủ Tương Dương gồm huyện: Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên, Kỳ Sơn.

Tương Dương bây giờ có quốc lộ 7 và 48C đi qua. Có một lợi thế quan trọng để Tương Dương có đà phát triển trong giai đoạn tới là hệ thống nhà máy thủy điện Khe Bố, Bản Vẽ, Nậm Nơm. Tôi nghe Vi Hợi say sưa kể về những tiềm năng phát triển trong tương lai của Tương Dương với ánh mắt lấp lánh bao hứa hẹn dự cảm. Nhưng khi thấy tôi không thật chú ý lắm, giọng anh tự nhiên chùng xuống: Tôi hỏi thật anh, về Tương Dương thì thích tìm hiểu gì. “Văn hóa!”, tôi trả lời. “Cụ thể hơn, anh cho tôi về thăm bản nơi anh sinh ra”. Vi Hợi bỗng sôi nổi hào hứng: Thế thì chúng ta đi ngay, tôi cũng hay về bản. Tôi hỏi: Nghe bảo Vi Hợi là người hay đi cơ sở lắm phải không. Có đi mới viết được từng ấy trang sách thấm đẫm đời sống thực tế chứ. Anh nói: Hồi tôi làm Trưởng ban Tuyên giáo huyện rồi mấy năm đầu làm Phó Chủ tịch huyện đã có 467 ngày đêm ở bản để vận động nhân dân 4 xã: Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khương, Kim Đa di dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Có những cuộc họp kéo dài từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng  ngày hôm sau. Ở bản Chà Coong,  nhóm công tác của anh mất 47 ngày đêm mới đưa được hơn 400 hộ về huyện Thanh Chương định cư. Là người dân tộc Thái nên anh hiểu rõ phong tục, tập quán cũng như suy nghĩ tâm tư của đồng bào dân tộc mình. Anh học tiếng Mông, tập thổi kèn Mông và nói tiếng Khơ-Mú. Đặc biệt là anh rất mê khèn bè có một vị trí vô cùng quan trọng là nhạc cụ của dân tộc Thái. Vi Hợi mô tả khèn bè với 14 ống nứa nhỏ được ghép lại thành từng đôi xuyên qua một bầu bằng gỗ mạy mục. Người ta dùi 12 lỗ đối xứng và khoan các lỗ thoát hơi trên các ống nứa với các kích cỡ khác nhau ở các vị trí tương xứng. Một trong các kỹ thuật khó nhất là xử lý các lam đồng, từ độ dày, độ dài tới độ bóng bề mặt. Với 5 cung và một quãng 8 khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và là nền cho các điệu dân vũ. Nét độc đáo của khèn bè Thái chính là âm thanh, là cặp trầm bổng sóng đôi nhau các nghệ nhân thường ví như cha - mẹ. Bởi vậy mỗi khi tiếng khèn bè cất lên nghe da diết sâu lắng như lời tâm tình yêu đương cháy bỏng của những đôi trai gái. Không biết có phải xuất thân từ học vật lý hay không mà Vi Hợi tái hiện thật chính xác, hấp dẫn như một nghệ nhân người Thái đang chế tác điêu luyện từng chi tiết cho chiếc khèn bè...

Chiều đó tôi cùng Vi Hợi về thăm bản Mác của anh để chuẩn bị cho tối có buổi giao lưu văn nghệ. Xưa kia, đây là một làng cau, cau lớn cau bé san sát bên nhau. Trong nhà truyền thống của bản vẫn còn một cuốn sách chép bằng chữ Thái kể về chuyện lập làng. Người ta đặt tên làng là bản Co Mác (tiếng Thái nghĩa là Cây Cau), sau này người ta quen gọi là bản Mác. Bản nằm dưới chân núi Pù Đàng, con suối Huổi Mác bắt nguồn từ dãy Phù Xoong chảy qua bản rồi đổ vào sông Lam. Bản Mác có một cổng làng có lẽ chẳng nơi nào có được. Gọi là cổng làng nhưng thật ra đó là cửa khe Huổi Mác - nơi hợp lưu giữa dòng Huổi Mác và sông Lam. Tôi có cảm giác về đây rất lạ. Đang đi dọc đường trải nhựa phẳng lì thoáng rộng, xe cộ chạy ồn ào suốt ngày nhưng khi bước chân lên cầu treo qua sông sang bên kia bắt gặp một bản dân tộc Thái thì tự nhiên không gian như lắng xuống. Bản có chút mơ màng của khói bếp, những đàn trâu đủng đỉnh tiếng mỏ tre mắc ở cổ đi về. Một cuộc sống chậm mà đan dệt vào nhau bao cung bậc tâm tình như tấm thổ cẩm diệt bằng sợi mưa, sợi nắng, sợi tình của người dân tộc Thái. Ban ngày, mọi người trong bản đi làm nhưng khi nghe nói tối nay có đoàn khách văn nghệ sĩ đến, họ rủ nhau về sớm để còn tắm giặt, thay những bộ trang phục truyền thống   tới nhà văn hóa cộng đồng của bản giao lưu văn nghệ. Mới 7 giờ tối mà dân bản đã tập trung về đây để vui rượu cần, múa xòe, lăm vông, xuối, nhuôm đối đáp mừng khách thăm bản.

Cọn nước ở Tương Dương.

Cọn nước ở Tương Dương.

Những cô gái Thái môi thắm, má hồng xúng xính trong những chiếc váy Thái. Họ là những vũ công văn nghệ của bản. Những chàng trai cường tráng nồng say. Tất cả đều hòa chung trong cái phí, khèn hòa nhịp cùng tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã. Một cô gái cất lên giọng hát khi tiếng khèn của chàng trai vang lên: “Tiếng khèn của anh làm cho lòng em say, cho đôi tay em dẻo, cho đôi chân mềm, cho xòe hoa dập dìu uốn cong như cần rượu  nhà  anh”. Rồi một giọng nam trong trẻo đáp lại: “Tiếng  lăm của em làm cho lòng anh ngây ngất, cho rượu cần nhà em nồng say. Ta uống rượu cho thắm bờ môi, cho tiếng lăm ngọt ngào. Anh uống say rồi lòng chẳng muốn về, muốn ngủ lại... thăm em”. Chao ôi những giọng tỏ tình thật hồn nhiên, thật chân thành nói từ cái bụng như lòng suối trong. Không giấu giếm ví von gì thật cao siêu. Như rượu ấm vào lòng thành men tình ngây ngất. Như lửa cháy nồng mà đượm tình người nồng cháy. Tôi mới hiểu vì sao ở đây con trẻ cũng nhảy, cũng hát. Ở đây người già cũng đánh cồng, đánh chiêng, cùng nghiêng ngả bên chén rượu cần quên cả tuổi tác. Và trong ánh điện của bản lung linh như nghe có cả âm thanh sóng nước của đập Bản Vẽ thủy điện về đây. Tôi được Vi Hợi giới thiệu đọc thơ. Thì ta đọc thơ về biển vậy, đem biển lên với rừng. Giọng điệu thơ dào dạt cuốn tôi vào nhịp lòng hiếu khách chân tình của bản làng ở đây. Vi Hợi cũng hứng khởi hát một ca khúc về biển, biển dập dìu, biển êm đềm, biển vời xa mà gần gũi vô cùng. Về đây vui cùng vòng xòe với đồng bào dân tộc Thái tôi mới biết thêm “âm nhạc dân gian” ở đây rất phong phú, giàu chất trữ tình. Có những điệu hát như: hát nhuôm khá phổ biến trong dân tộc Thái, già trẻ đều yêu thích. Đặc biệt với nam nữ thanh niên đến tuổi đi tìm lứa đôi, họ dùng nhuôm để thổ lộ tình cảm. Điệu hát xuối ngâm vịnh rất phổ biến, trai gái thi nhau đối đáp giữa hai phe nam nữ. Lăm là điệu hát luôn có khèn kèm theo và khắp là điệu hát kể chuyện vui - nhạc điệu của khắp êm đềm thướt tha làm cho người nghe phải xao xuyến. Trong đêm vui ở bản Mác, tôi được chứng kiến bên những vũ điệu còn có thanh âm của các nhạc cụ đặc biệt. Đó là bộ cồng người Thái gồm 4 cái tương ứng với 4 âm khác nhau được treo trên gian cố định. Ngoài 1 hoặc 2 người đánh cồng bằng một cái dùi có bọc vải cho êm còn có 1 người đánh trống đệm nhịp. Tôi rất hào hứng khi gặp khắc luống (gõ máng). Hai dãy người đứng hai bên máng đâm chày chéo sang   thành máng. Khắc phặt phum là gõ chày vào thành máng theo kiểu dệt vải. Khi vít cần rượu với Vi Hợi, tôi hỏi: Ở Tương Dương còn có đặc sản rượu gì nữa không. Vi Hợi ửng hồng vì men rượu nói: Giá anh lên muộn hơn tôi sẽ đưa anh đi ăn Tết người Mông và uống rượu ngô. Tết của đồng bào người Mông diễn ra trong khoảng thời gian 1 tháng. Bắt đầu từ tháng Chạp khi ngô, lúa trên nương đã được mang về hết trong nhà. Trong tháng Tết, người Mông chỉ vui chơi và uống rượu. Rượu ngô nồng cay mang hương vị của đất trời để đón Tết, nhất là rượu ngô ở Phiềng Cọc là thứ nước trong vắt sủi tăm, được chưng cất từ loại ngô địa phương cấy trồng trên núi đá. Bắp có hạt nhỏ màu vàng óng và rất giàu dinh dưỡng. Chỉ cần một hớp cảm giác nóng tưng bừng lan tỏa trong cơ thể từ trong ra ngoài. Người ta chọn những bắp ngon tách hạt rồi đem nấu chín, ủ với một thứ men đặc biệt được chế từ các loại dược liệu quý, sau đó đem chưng cất để thành rượu. Nước rượu đầu tiên không pha chế thêm nên nồng độ rất cao, khoảng 40 - 500. Rượu chưng cất xong, người ta đổ vào một cái thùng bằng gỗ dung tích khoảng 50 lít đậy kín cất vào những nơi không có nắng và kín gió, 3-4 tháng sau mới đem ra uống.

Tôi như ngất ngây với hương vị của núi rừng nơi đây. Từ chiếc khèn bè của người Thái đến men rượu ngô của người Mông, tất cả đều chắt lọc của mạch nguồn từ hồn  nứa, hồn tre, từ đất đồi đá sỏi, từ gian khổ chắt chiu để chưng cất thành tiếng hát, tiếng khèn, thành lời mời chúc nhau: “Cạn hết lòng nhau”. Tôi lại nghĩ về những chiếc  cọn nước bắt gặp ở Tương Dương. Guồng nước có cấu tạo như bánh xe đạp mà trục của nó làm bằng gỗ mềm, dẻo. Guồng là những cây  hóp bám chắc vào trục. Trên vành guồng là những ống nứa chia đều về một phía làm sao chúng có thể múc nước lên theo chiều quay của guồng và đổ nước vào  máng. Máng dẫn nước vào mương, mương dẫn nước vào ruộng. Cứ thế lan tỏa thẩm thấu để nuôi cây lúa nước muôn đời. Những chiếc  cọn nước quay đều lặng lẽ một cách tự nhiên như khí thở đất trời vậy. Những vòng quay không dứt, không tính thời gian năm tháng đời người. Những vòng quay liên hoàn đều đặn như vòng quay của nhịp sống con người Tương Dương nơi đây. Không vội vã  bon chen,  không phô trương lộng lẫy mà luôn giữ nguyên tâm tính, tâm thế cân bằng nhưng cũng rất lãng  mạn đắm say, thăng hoa như vòng xòe Tương Dương đêm nay - vòng xòe từ  cọn nước...


Nguyễn Ngọc Phú
Ý kiến của bạn