Hà Nội

Vòng tránh thai đi lạc chỗ - Chú ý những bất thường để phát hiện sớm

11-02-2023 07:58 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Đặt vòng tránh thai là một lựa chọn của nhiều phụ nữ sau sinh con muốn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tuy nhiên nhiều người sau đặt vòng mặc nhiên coi đó là biện pháp tránh thai lâu dài và lãng quên cho đến khi có sự cố hy hữu...

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ (thường có hình chữ T) được đặt vào lòng tử cung của phụ nữ tạo nên hiệu quả tránh thai kéo dài trong nhiều năm. Vòng tránh thai nhằm ngăn không cho tinh trùng đi vào tử cung để gặp trứng, bằng cách làm thay đổi môi trường của nội mạc tử cung, ngăn việc trứng làm tổ ở đây.

Đặt vòng tránh thai là một biện pháp tránh thai được nhiều người sử dụng vì sự an toàn, hiệu quả, đơn giản và chi phí thấp... 2 loại vòng tránh thai chữ T được sử dụng phổ biến nhất là: Vòng tránh thai bằng đồng và vòng tránh thai chứa hormone nội tiết (hay còn gọi là vòng tránh thai nội tiết).

Theo BS Nguyễn Thị Bạch Nga, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh: Phương pháp đặt vòng tránh thai có ưu điểm là tỷ lệ ngừa thai cao, không ảnh hưởng nhiều tới khoái cảm.

Vòng tránh thai đi lạc chỗ - cần chú ý những bất thường để phát hiện sớm - Ảnh 2.

Vòng tránh thai là hình thức ngừa thai được sử dụng phổ biến.

1. Vòng tránh thai được sử dụng phổ biến như thế nào?

Vòng tránh thai là hình thức ngừa thai được sử dụng phổ biến cùng với thuốc tránh thai, theo nghiên cứu, ước tính trên toàn cầu, khoảng 23% phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai chọn vòng tránh thai. 

Tuy nhiên, không giống một số hình thức tránh thai khác như bao cao su, vòng tránh thai không ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Ngoài ra có một vài sự cố do đặt vòng tránh thai mà phụ nữ nên biết như những người nào không nên đặt vòng tránh thai, đặt vòng tránh thai có thể có tác dụng phụ nào...

Những trường hợp dưới đây không nên sử dụng vòng tránh thai:

  • Nghi ngờ có thai.
  • Đang bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc có nguy cơ cao mắc STI.
  • Bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tử cung .
  • Có dấu hiệu chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân.

2. Điều gì có thể xảy ra sau khi đặt vòng tránh thai?

Nhiều người có thể không nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào nhưng có chị em có thể bị đau từ nhẹ đến dữ dội hoặc một số dấu hiệu như chóng mặt, chuột rút, đau lưng hoặc thấy đốm máu...

Sau đặt vòng tránh thai có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị gián đoạn, nhiều ghi nhận cho thấy vòng tránh thai bằng đồng có thể làm cho cơn đau bụng kinh trở nên tồi tệ hơn và làm tăng lượng máu kinh nguyệt, đặc biệt là trong vài tháng đầu tiên sau khi đặt vòng tránh thai. Còn vòng tránh thai nội tiết tố có thể làm cho kinh nguyệt không đều, đặc biệt là trong vài tháng đầu tiên sau khi đặt.

Ngoài ra, khi mới đặt vòng tránh thai cũng có thể gây trở ngại trong chuyện lứa đôi do các dây của vòng tránh thai có thể cảm thấy cứng, bạn hoặc đối tác của bạn có thể nhận thấy điều này trong khi giao hợp. Tuy nhiên, theo thời gian, dây sẽ mềm ra. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc khiến bạn bị đau khi quan hệ tình dục, bạn nên gặp bác sĩ.

3. Những rủi ro khi sử dụng vòng tránh thai là gì?

Mới đây, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Long, nguyên Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện một ca phẫu thuật mổ lấy vòng tránh thai nằm 1/2 trong ổ bụng và 1/2 trong bàng quang ở một bệnh nhân 40 tuổi. Đây là trường hợp vòng tránh thai xiên qua dạ con chui vào trong ổ bụng và bàng quang. Bệnh nhân đã đặt vòng được 6 năm nay, có triệu chứng đau bụng và đái ra máu.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Long cho biết, đặt vòng là phương pháp tránh thai khá an toàn và hiệu quả, tuy nhiên có thể có các biến chứng như không thích ứng hoặc vòng bị tuột thậm chí vòng xuyên qua dạ con vào ổ bụng, đâm xiên vào ruột, bàng quang và các cơ quan lân cận. 

Do vậy sau khi đặt vòng, chị em nên đi khám định kỳ hoặc có dấu hiệu bất thường thì đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Vòng tránh thai đi lạc chỗ - cần chú ý những bất thường để phát hiện sớm - Ảnh 4.

Chiếc vòng tránh thai của bệnh nhân 40 tuổi được PGS.TS. BS Nguyễn Thanh Long phẫu thuật lấy ra.

Vòng tránh thai được coi là an toàn và hiệu quả nhưng có thể có một số biến chứng hiếm gặp như:

- Vòng tránh thai có thể rơi trượt ra khỏi tử cung, nó thường xảy ra trong vòng vài tháng đầu tiên sau khi dụng cụ được đưa vào. Việc "trục xuất" này có thể gây ra các triệu chứng như chảy máu và đau, tuy nhiên một số phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào. 

Nếu bạn nghi ngờ vòng tránh thai của mình bị rơi ra ngoài, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn hình thức ngừa thai nào khác phù hợp hơn hay không. Chú ý hãy sử dụng bao cao su hoặc phương pháp ngừa thai dự phòng khác trong thời gian này.

- Thành tử cung có thể bị xuyên thủng trong quá trình đặt.

- Mang thai có nguy cơ cao: Khả năng mang thai rất thấp nhưng trong trường hợp có thai, thai kỳ đó sẽ được coi là có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng thai kỳ.

- Nhiễm trùng: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bạn khi đặt vòng tránh thai, gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng rất có thể xảy ra trong vòng 20 ngày đầu tiên sau khi đặt.

Nên nhớ, mặc dù đặt vòng tránh thai là một hình thức ngừa thai khá an toàn, hiệu quả và tiện lợi, giúp phụ nữ có thể ngừa thai trong vài năm chứ không phải là vô thời hạn. Tác dụng phụ của phương pháp ngừa thai này có thể khác nhau đối với mọi người. 

Do đó, trước khi có ý định đặt vòng tránh thai, nên cân nhắc những ưu và nhược điểm của việc đặt vòng tránh thai. Các bác sĩ sẽ tư vấn vòng tránh thai có phải là lựa chọn tốt nhất cho bạn hay không và nên sử dụng loại vòng tránh thai tốt nhất cho bạn.

Lý giải 6 băn khoăn thường gặp về "chuyện ấy" khi phụ nữ đặt vòng tránh thaiLý giải 6 băn khoăn thường gặp về 'chuyện ấy' khi phụ nữ đặt vòng tránh thai

SKĐS - Nhiều phụ nữ thắc mắc sau khi đặt vòng tránh thai có thể ảnh hưởng như thế nào trong chuyện ấy với bạn đời?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chuyên gia chỉ ra những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới.



Hoàng Nam
Ý kiến của bạn