Khám phá những món quà hết sức ý nghĩa thể hiện tình thầy trò trong các nền văn hóa khác nhau.
Mỗi nền văn hóa lại có nét đặc trưng khác nhau. Nhưng dù khác biệt thế nào thì học sinh ở mỗi nước đều dành sự kính trọng với những thầy, cô giáo của mình.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng ta cùng tìm hiểu cách thể hiện lòng biết ơn, kính trọng với người thầy, cô giáo của mình của học sinh của các nước trên thế giới.
1. Tặng đồ ăn cho giáo viên ở Afghanistan
Tại Afghanistan, giáo viên là một nghề rất được coi trọng. Vào ngày 15/10 hàng năm, các trường học tổ chức ngày lễ cho giáo viên ngay tại lớp học, với những món quà hết sức bình dị đến từ các học sinh.
Một điều đặc biệt là các giáo viên sau khi nhận đồ ăn sẽ không đem về nhà mà bày ra liên hoan cùng với tất cả học sinh trong lớp. Những món quà xem có vẻ đơn giản nhưng thực sự vô cùng có ý nghĩa đối với một nước nghèo như Afghanistan.
2. Quả táo như lời cảm ơn đến người thầy tại Mỹ, Đan Mạch và Thụy Điển
Ngoài những món quà và những tấm thiệp vào ngày nhà giáo, các giáo viên ở Mỹ, Đan Mạch và Thụy Điển còn nhận được quả táo từ học sinh của mình.
Vào thập niên 1920, việc tặng táo cho giáo viên được xem như là hành động xấu. Việc làm này mang hàm ý xu nịnh và mong được thầy cô ưu ái mình hơn các bạn khác.
Những kẻ chuyên đi nịnh bợ này được gọi với một cái tên “apple polisher”, ý muốn nói họ đã lau chùi, đánh bóng thật cẩn thận những trái táo trước khi gửi lên bàn các thầy cô.
Nhưng đến khi bước sang thời đại mới thì ý nghĩa này đã không còn nữa. Thay vào đó, việc tặng táo cho giáo viên lại là một cử chỉ đẹp. Trái táo như là một nguồn động viên dành tặng thầy cô giáo có thu nhập thấp.
Ngoài ra, táo còn là một loại hoa quả bổ dưỡng và giàu vitamin C, do đó việc tặng táo cho giáo viên cũng tượng trưng cho một lời chúc sức khỏe. Nhiều giáo viên cho biết, họ cũng rất thích những trái táo này bởi màu đỏ tươi tắn sẽ giúp bàn giáo viên thêm đẹp hơn.
3. Hoa tươi và các loại đồ ăn dành tặng thầy cô ở Nepal
Ở Nepal có một ngày lễ dành cho giáo viên có tên gọi Guru Purnima. Đây là một ngày đặc biệt, bởi lễ hội này được tổ chức vào ngày rằm của tháng Ashadh theo lịch Ấn Độ (khoảng tháng 6 - tháng 7 theo Dương lịch).
Đây là ngày trăng tròn nhất trong tháng và đó cũng là nguồn gốc tên gọi của ngày lễ Guru Purnima: Guru - giáo viên, Purnima - trăng tròn.
Để đáp lại tình cảm của học trò, các thầy cô sẽ ghi tặng học sinh mình những lời chúc tốt đẹp : “Gurudevo bhava” có nghĩa là: “hãy trở thành một người có trí tuệ thông thái như Đức Chúa trời”. Với người Nepal, giáo viên luôn nhận được sự kính trọng ở mức cao nhất của mọi người.
4. Hoa cẩm chướng biểu tượng cho sự tri ân thầy, cô giáo ở Hàn Quốc
Kể từ năm 1963, vào ngày 15/5 hàng năm được ghi nhận là ngày dành cho giáo viên tại Hàn Quốc. Một điểm thú vị trong ngày lễ giáo viên tại xứ sở kim chi đó là vào ngày này, cả đất nước sẽ được nhuộm đỏ bởi màu của hoa cẩm chướng.
Vào ngày tri ân thầy, cô giáo, một số trường học sẽ cho học sinh nghỉ học. Một số trường khác sẽ tổ chức hoạt động ngoại khóa vui chơi giữa học sinh và giáo viên, trong đó có việc trao giải thưởng cho giáo viên xuất sắc nhất trong năm.
Mỗi nước đều có những cách chào đón Ngày Nhà giáo riêng của mình. Vào ngày này ở Việt Nam, chúng ta thường đến thăm trường xưa, thăm thầy cô giáo và tặng hoa hay các món quà nhỏ như lời chúc thầy, cô thêm sức khỏe để vững bước trên bục giảng.