Vòng luẩn quẩn của cá tính sáng tạo

10-03-2014 13:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong thời điểm mà một bộ phận không nhỏ người viết muốn tìm kiếm cái danh hão nhờ tác phẩm của mình, việc ăn theo phong cách viết lách của những trường hợp đã thành danh, đã nổi như cồn là một trong những phương cách nhằm đạt mục đích trên

Trong thời điểm mà một bộ phận không nhỏ người viết muốn tìm kiếm cái danh hão nhờ tác phẩm của mình, việc ăn theo phong cách viết lách của những trường hợp đã thành danh, đã nổi như cồn là một trong những phương cách nhằm đạt mục đích trên. Tuy nhiên, sự sao chép trong sáng tạo văn chương và thi ca lại cho ra những sản phẩm vẹo vọ, méo mó, chỉ bày ra chiếc vỏ ngôn từ hỗn độn, nghe rất kêu mà lại hết sức nông cạn, vô nghĩa.

Phản ứng ngược

Có lẽ năm vừa qua, hiện tượng thơ Nguyễn Phong Việt đã tạo nên một dư chấn quá lớn. Từ Đi qua thương nhớ đến Từ yêu đến thương, từ 10.000 bản thơ bán ra trong 50 ngày đến liên tục tái bản, mỗi lần 5.000 cuốn mà vẫn không giải quyết được nhu cầu của độc giả đã cho thấy sức hút của dòng thơ tự tình, nhẹ nhàng. Chính vì dư chấn quá lớn nên không lâu sau đó, khi một tác giả thơ trẻ khác trình làng một tập thơ, với sự khoa trương ồn ào, những người tinh ý ngay lập tức nhận ra hơi hướng Nguyễn Phong Việt, từ đề tài, ý thơ tới cấu tứ. Vẫn những cảm xúc tình yêu nhưng không nhuần nhị, triết lý tự nhiên dễ chịu như Nguyễn Phong Việt mà là một sự lên gân, có phần màu mè tung hứng trong chật vật ngôn từ. Sự sao chép phong cách thơ ca một cách lộ liễu từ đó đã vô tình gây phản ứng ngược, đi ngược lại với tham vọng của tác giả khiến tập thơ không thể trở thành một hiện tượng. Và tác giả trẻ kia mãi chỉ là một tác giả triển vọng, không thể bứt phá vượt lên chính mình bằng sự màu mè, ồn ào chữ nghĩa.

Cũng năm 2013, cái tên Meggie Phạm (Phạm Phú Uyên Châu) đã được cho là một hiện tượng của làng văn trẻ khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế khi đang còn ngồi trên giảng đường đại học. Lần lượt những truyện dài Người xa lạ và em, Chàng và em, Giám đốc và em, Hoàng tử và em đã giúp Meggie Phạm được đông đảo độc giả trẻ biết đến, đúng với câu hữu xạ tự nhiên hương. Thế nhưng, điều đáng nói là trong khi Meggie Phạm viết với một tâm thế hồn nhiên bản năng thì ngay sau đó, một số tác giả trẻ khác lại sao chép y nguyên phong cách chuyện tình bất ngờ của chị. Kết cục là những câu chuyện nhan nhản trên mạng và cả đi vào những trang sách cùng với một format, mô-típ y chang nhanh chóng khiến độc giả mỏi mệt.

Không có gì quá ngạc nhiên khi cái tên Trang Hạ và sách của chị được nhiều người tìm đọc. Những cái tên sách rất gợi, những câu chuyện đúc rút từ đời thường và cả trí tưởng tượng phong phú, tất cả tạo nên một giọng văn cá tính không thể trộn lẫn. Cho nên, dù không ít những trường hợp cố gắng bắt chước Trang Hạ nhưng sự khuôn đúc trở nên thô kệch, trong đó phải kể đến trường hợp một cuốn sách được dán mác Nhật ký cô dâu trẻ.

Vòng luẩn quẩn của cá tính sáng tạo?

Ngay cả thể loại sách du ký vốn được xem là một lãnh địa để các cây bút tung tẩy, sự lặp lại trong phong cách viết, những trường đoạn cố bôi ra để dày thêm cuốn sách nhiều lúc khiến độc giả cảm thấy mệt mỏi. Vì thế nên mới có trường hợp nhiều cuốn sách du ký đọc lên cảm giác không thật, mặt khác lại quá nhiều những bài học đúc rút mang hơi hướng rập khuôn, giảm bớt đi sự phóng khoáng, tự do và bay bổng mà lẽ ra nên đậm đặc trong các tác phẩm thể loại này. Có lẽ vì thế mà sau một thời gian ồn ào, các nhà sách, nhà xuất bản đã cẩn trọng hơn trong việc xuất bản sách du ký cũng như giới thiệu các tác giả viết du ký.

Với những người viết trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, chưa thực sự từng trải để có thể viết những tác phẩm có sức lan tỏa, việc học hỏi chưa bao giờ là đủ. Tuy nhiên, đọc nhiều, học hỏi nhiều và thực hành nhiều không được đánh đồng với hành động nhận mặt, sao chép phong cách một cách lộ liễu, nông cạn. Suy cho cùng, những độc giả trung thành của văn chương, thơ ca là những con người hết sức tinh tường. Họ vừa có thể là những người tôn vinh các giá trị đọc vừa có thể là những nhân vật tầm cỡ có thể hạ bệ và nghiền nát những “phế liệu” văn chương, thi ca lắp ghép một cách vụng về nhằm leo lên đỉnh cao của sự tung hê và tụng ca vô nghĩa.

Ngữ Nam


Ý kiến của bạn