Anh không trở thành quốc gia lệ thuộc EU
Phát biểu trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ 8 và cũng là vòng đàm phán cuối cùng với EU, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh - David Frost tuyên bố Anh sẽ không trở thành một “quốc gia lệ thuộc” theo bất kỳ điều khoản nào của một thỏa thuận thương mại hậu Brexit ký với EU.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận các điều khoản cho phép họ kiểm soát nguồn tài chính hay cách mà chúng tôi có thể tổ chức mọi việc ở đây, trên chính nước Anh và điều đó là không phải tranh cãi. Đó là những gì để trở thành một quốc gia độc lập, là những gì mà người dân Anh đã bỏ phiếu và là những gì sẽ xảy ra vào cuối năm nay”, ông Frost khẳng định mạnh mẽ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tuyên bố sẵn sàng đối mặt với mọi kết quả đàm phán với EU về mối quan hệ giữa hai bên: “Anh đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào xảy ra nhưng chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng, đến cuối năm, dù bất cứ điều gì xảy ra, chúng tôi cũng sẽ rời EU và rời khỏi giai đoạn chuyển tiếp. Chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua điều này...”, ông Johnson cho hay. Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Anh cho thấy Chính phủ Anh đã chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận khi tiến trình chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31/12 tới.
Tuy nhiên, để nhằm xoa dịu phần nào các quan ngại về sự hỗn loạn “không thoả thuận” nếu đàm phán giữa EU và Anh thất bại, ngày 7/9, Văn phòng Thủ tướng Anh phát đi một thông báo rằng nếu EU và Anh không đạt thỏa thuận thương mại tự do song phương, Anh sẽ có một thỏa thuận “theo kiểu Australia” với EU hoặc tương tự như với Canada và các nước khác. Được biết, hiện Australia đang giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Vòng đàm phán Brexit thứ 8 tiếp tục gặp khó khăn.
EU “không nhân nhượng”
Anh rời EU từ tháng 1/2020, gần 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm quốc gia này gia nhập EU. Vòng đàm phán thứ 8 sắp tới là nhằm hướng tới ký kết một thỏa thuận đối tác mới giữa hai bên từ năm 2021 trong một loạt lĩnh vực từ thương mại và an ninh đến hợp tác trong vấn đề hạt nhân, vận tải và hàng không.
Giới chức EU cho biết, cần đạt thỏa thuận trước tháng 10/2020, tức là còn chưa đầy 1 tháng để tìm điểm chung và giải quyết bất đồng. Nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại Anh - EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà WTO thiết lập, theo đó, các mức thuế quan sẽ cao hơn và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche.
Ngày 7/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian nhấn mạnh cần phải đạt được một thỏa thuận khẩn cấp trong các cuộc đàm phán thương mại Brexit, đồng thời cáo buộc thái độ của Anh đã dẫn tới sự bế tắc trong đàm phán. “Người dân Anh dường như không hiểu rằng nếu một nước muốn đàm phán được một thỏa thuận tốt, họ phải đàm phán về tất cả các vấn đề. Mọi việc không suôn sẻ, chỉ còn 2 tháng nữa, rất cấp bách, quá trình đếm ngược thời gian đã bắt đầu. Chúng ta muốn đạt được thỏa thuận nhưng chúng ta cần thảo luận về toàn bộ gói thỏa thuận, trong đó có nghề cá để tránh viễn cảnh không đạt được thỏa thuận nào”, trích lời ông Le Drian.
Trưởng đoàn đàm phán EUMichel Barnier cũng đưa ra cảnh báo rằng nếu Anh không thúc đẩy các vấn đề then chốt mà phía EU đề ra, bao gồm những yêu cầu về cơ chế giải quyết tranh chấp, thì nước này sẽ tự đẩy mình vào nguy cơ Brexit không thỏa thuận. “Nếu không có một giải pháp lâu dài, công bằng và bền vững thì sẽ không có quan hệ đối tác kinh tế mới” - ông Barnier cho hay.