Với vệ sĩ, ai cũng là... tội phạm?

25-12-2008 06:10 | Thời sự
google news

Sau khi bài báo về phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, Pháp luật TP.HCM, Người lao động TP.HCM bị vệ sĩ, bảo vệ của toà nhà Cao ốc Đất phương Nam

Sau khi bài báo về phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, Pháp luật TP.HCM, Người lao động TP.HCM bị vệ sĩ, bảo vệ của toà nhà Cao ốc Đất phương Nam (TP.HCM) hành hung, cùng với trường hợp một người tự tử vì bị các tốp bảo vệ, vệ sĩ siêu thị Big C hành hung trước đó được đăng tải, nhiều bạn đọc đã gửi phản ánh về tình trạng lộng hành của các vệ sĩ, bảo vệ tại một số địa điểm. Xin được trích dẫn những trường hợp tiêu biểu để các cơ quan chức năng, cũng như những doanh nghiệp thuê hay đào tạo bảo vệ, vệ sĩ nhận thức sâu hơn về vấn đề và sớm có biện pháp giải quyết việc này.

 Bảo vệ cũng là một phần bộ mặt của doanh nghiệp (ảnh minh họa).
 
Chị T.T.Trang, (Thanh Hóa): chiều 10/12/2008, tôi đến Trung tâm Thương mại VINACONEX Thanh Hóa tham quan. Nhìn bảng giá một mặt hàng có vẻ hấp dẫn, tôi lấy bút ghi chép vào lòng bàn tay... Mấy bảo vệ đến hoạnh họe rồi nắm tay kéo tôi vào phòng bảo vệ để tra hỏi. Họ hỏi tôi: “Ghi gì vào lòng bàn tay?” “Ghi để làm gì? Ở đây cấm ghi chép giá hàng!” Tôi nói: “Nhà có việc hỉ, tôi theo dõi một số mặt hàng để cho người giúp việc đi mua. Ở đây có quy định kì dị ấy, sao không dán thông báo để khách hàng thực hiện?”... Không nghe lời thanh minh của tôi, bảo vệ ở đây còn giữ luôn gói đồ của tôi đã gửi ở phòng bảo vệ... Rất may, một thanh niên nghe tôi và mấy bảo vệ lời qua tiếng lại đã can thiệp và dọa gọi cảnh sát 113 về việc giữ người, tài sản của khách trái phép nên tôi mới được “tha”.

Anh N.T.N (TP.HCM): Cuối tháng 5/2008, tôi vào siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, TP.HCM, vì đồ nhẹ, tôi không dùng xe hàng mà cho vài cái xúc xích vào túi quần, định khi tính tiền sẽ lấy ra sau, nào ngờ bảo vệ ập tới bắt giữ vì tội ăn cắp, tôi bị dẫn độ đi như tội phạm hình sự, tư trang cũng bị lục soát. Sau đó, bảo vệ siêu thị yêu cầu tôi ký biên bản thừa nhận đã ăn cắp và nộp phạt thì sẽ được đi, nếu không tôi sẽ bị đưa lên đồn công an. Tôi không đồng ý, yêu cầu được làm việc với công an và gọi cho luật sư của mình. Lúc này, nhóm bảo vệ ra ngoài trò chuyện gì đó rồi yêu cầu tôi xuống quầy làm thủ tục thanh toán rồi đi. Chỉ khi tôi mang hàng ra qua quầy tính tiền mà không thanh toán thì mới có chứng cứ để kết tội, tôi nhận thấy lực lượng bảo vệ đang có xu hướng lợi dụng công tác để thị uy.

Chị T.T.N (Hà Nội): Vào một ngày chủ nhật khoảng tháng 7/2008, tôi cùng 2 con nhỏ vào siêu thị Big C Hà Nội mua đồ. Trong khi bê đồ đã chọn, cháu nhỏ 2 tuổi đã ăn mất một miếng xúc xích. Thấy vậy, tôi vội cho cháu ra quầy thanh toán, đang đi ra thì bảo vệ siêu thị yêu cầu dẫn xuống 1 phòng kho rất bé và bí, có 3 người ở đó. Sau đó dọa nạt, nói giọng côn đồ và rất kích động. Con tôi sợ khóc toáng lên. Tôi phải cố tình nói thật to để người bên ngoài nghe thấy vào cứu trợ nhưng không được. Sau đó, tôi đã nổi khùng lên và tỏ ra hết sức cứng rắn, bảo vệ mới chịu mở cửa để mẹ con tôi ra về.

V.T.K (TP.HCM): Tối ngày 8/12/2008, tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, một cháu bé mặc áo ông già Noel gần giống với áo có bán trong siêu thị. Không hiểu tại sao đội ngũ bảo vệ Yuki Sepre 24 lại vu cáo rằng mẹ cháu bé đã ăn cắp áo của siêu thị trước sự chứng kiến của rất nhiều khách hàng. Khi đối chiếu lại, bảo vệ thấy đó không phải mặt hàng của siêu thị bán. Khách hàng yêu cầu một lời xin lỗi nhưng đội bảo vệ Yuki Sepre 24 lại tản đi mất.

Anh T.T (TP.HCM): Một lần tôi cũng vào siêu thị Big C. Thấy thuốc lá ba số 5 ở đó rẻ và đang khuyến mãi, tôi lấy một gói và tiếp tục đi dạo. Vì không có giỏ nên tôi đã đút gói thuốc vào túi áo và tiếp tục đi. Khoảng 15 phút sau, anh bảo vệ tới và hỏi tôi: “Gói thuốc mới mua đâu?”. Tôi liền lấy ra cho anh ta xem rồi lại bỏ vô túi áo. Anh ta lập tức lôi tôi vào phòng bảo vệ quát tháo, hạ nhục tôi. Khi tôi khai là SV ĐH Kiến trúc, anh ta quát và chút xíu tát tôi vì “ăn cắp còn bày đặt “nổ””(?!) Cuối cùng, tôi phải trả gói thuốc đó giá gấp 3 lần và làm cam kết cảnh cáo vì “tội” trước khi vào siêu thị không chịu đọc cái bảng nhỏ xíu treo trên cao và bị khuất bởi các bảng quảng cáo “Không được bỏ đồ vô người”.

Anh N.Đ.T (Hải Phòng): Một lần tôi vào siêu thị Big C Hải Phòng, tôi mua một cái quần, thanh toán xong tôi chuẩn bị đi qua hàng bảo vệ thì một tiếng còi vang lên. Tôi đang không hiểu chuyện gì thì có 2 nhân viên bảo vệ áp sát tôi và giật phắt quần trên tay tôi. Họ kiểm tra thì phát hiện ra một mảnh nhựa đính theo quần rơi trong túi, thì ra là do lỗi của nhân viên thanh toán làm rơi mảnh nhựa đính theo quần rơi vào túi quần. Kiểm tra xong, họ trả tôi quần như không có việc gì xảy ra, không một lời xin lỗi. Tôi biết rằng những người bảo vệ này họ chỉ có trình độ nhất định về giao tiếp nhưng chẳng nhẽ những người quản lý siêu thị cũng không đủ trình độ để đào tạo họ?

Chị N.N.D (Hà Nội): Một lần, khi tôi bước ra khỏi cửa siêu thị Rosa ở khu đô thị Bắc Linh Đàm. thì hệ thống báo động kêu. Bảo vệ yêu cầu tôi quay lại, sau đó gọi một nhân viên nữ khám người. Nhân viên này vừa khám vừa nói năng rất mất lịch sự. Người này yêu cầu “cởi quần áo ra”, tôi không đồng ý. Sau đó có thêm một vài nhân viên nữa tham gia với những lời lẽ thiếu văn hoá. Những nhân viên này phát hiện đó là do áo của tôi chưa cắt phần mác áo. Tôi có gọi điện thoại đề nghị gặp giám đốc siêu thị nhưng nhân viên lễ tân trực điện thoại không cho gặp và lên tiếng bênh vực những nhân viên bảo vệ kia.

Anh P.V.A, TP.HCM: Hôm đó, tôi đi siêu thị Maximark đường 3-2. Cô thu ngân tính sai tiền. Khi nhận lại tiền trả lại, tôi nói đùa: “Cô còn nợ tôi một lời xin lỗi”. Lúc đó, cô to tiếng: “Tôi đã trả tiền lại cho anh rồi còn gì”. Ngay lập tức, anh bảo vệ chạy lại hỏi lớn: “Chuyện gì vậy?” và nắm tay tôi. Người quản lý đi đến và tôi trình bày sự việc. Thật ngạc nhiên, anh ta vẫn nói: “Nhưng em đó đã trả tiền lại cho anh rồi mà”, vẫn không hề có lời xin lỗi thay cho nhân viên mình. Tôi chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Tôi nghĩ cô ấy có sự lầm lẫn chứ không chắc là gian dối. Nhưng lẽ ra cô ta nên xin lỗi trước và cảm ơn sau đó. Điều thứ hai, anh nên đề đạt lên cấp trên xem lại thái độ của những người làm công tác bảo vệ mà anh đã thuê. Họ không đủ văn hóa để hành xử đúng mực ở một nơi mua bán lịch sự như thế này”. Và lạ thay, tôi vẫn không nghe một lời xin lỗi nào từ người quản lý đó.

Khách hàng chính là nguồn lợi nhuận cho các siêu thị, nhưng nếu cứ kiểu phục vụ “thượng đế” như vậy, liệu trong thời gian tới, khi các hãng hệ thống bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam, các siêu thị trong nước còn biết lấy gì ra để cạnh tranh, hút khách?

Trần Quang


Ý kiến của bạn