Vối có tên khoa học Cleistocalyx operculatus (Roxb). Merr et Perry (Eugenia operculata Roxb., Syzygium nervosum DC.); thuộc họ Sim Myrtaceae.
Vối có hai loại vối nếp và vối tẻ: Vối tẻ còn có tên gọi vối trâu, lá to màu xanh đậm. Vối nếp lá nhỏ hơn, có màu ngà vàng, khi nấu nước có mùi thơm dễ chịu, khi uống nước thì vối nếp đậm đà, ngon hơn vối tẻ.
Vối quanh năm xanh tốt, tháng 3-4 âm lịch ra hoa, tháng 8 quả chín, người ta hái quả đã già vào tháng 5-6 phơi khô làm thuốc.
Công dụng và liều dùng của cây vối
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương, lá và nụ vối từ lâu đã được nhân dân ta nấu với nước để uống vừa thơm vừa tiêu cơm. Lá vối tươi hay khô sắc đặc được xem có tính chất sát trùng để rửa những mụn nhọt, lở loét, ghẻ.
Lá vối: Vị đắng cay, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt gan, phổi và bàng quang. Nước lá vối sắc đặc có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, hỗ trợ giảm đau, hỗ trợ giảm huyết áp do gan nóng, tiêu đờm bình suyễn.
Dùng lá nấu nước uống hằng ngày để tiêu thực, làm giảm mỡ trong máu, về mùa hè làm mát huyết, trị cảm nắng, khi làm việc ngoài trời nắng, uống nước lá vối có tác dụng điều hòa thân nhiệt.
Nụ vối: Người ta thu hoạch hoa vối khi chưa nở gọi là nụ vối, phơi khô dùng nấu nước uống thay chè, có tác dụng như lá vối. Ngoài ra, nụ vối còn dùng làm thuốc điều trị một số bệnh.
Một số bài thuốc trị bệnh có dùng vối
Bài 1: Chữa lở ngứa, chốc đầu
Lá vối lượng vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu chữa chốc lở.
Bài 2: Trị đau bụng đi ngoài
Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g, cùng thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 – 3 ngày. Do vối có tác dụng lý khí, hành khí, trị đau bụng, thúc đẩy tiêu hóa.
Lưu ý: Lá vối có thể đun nước uống hằng ngày, lưu ý không dùng chung với cam thảo sẽ gây đầy chướng bụng hơn. Mặt khác dùng lâu mà liều cao có thể gây mệt mỏi, thiếu máu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đau nhức hốc mắt - coi chừng mắc bệnh nguy hiểm.