Chơi với nhau kể cũng hai chục năm có lẻ, nhưng “đánh đu” với nhau một cách kịch liệt nhất, “sắt son” nhất, nồng nã khăng khít nhất là phải kể tới 4 ngày vừa rồi nhà văn Sương Nguyệt Minh vào Gia Lai dự Ngày hội sách, với tư cách nhà văn được Ban Tổ chức mời vào giao lưu với độc giả, dù tôi cũng bận tối mắt tối mũi nhưng vẫn dứt khoát dành ra gần 4 ngày cặp kè với bạn.
Là tác giả của 11 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, trong đó có những tác phẩm được đọc rất nhiều như: Đêm làng Trọng Nhân, Người ở bến sông Châu, Mười ba bến nước, Dị hương, Miền hoang..., nhiều giải thưởng văn học, nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim mà mới nhất là bộ phim truyện nhựa Người trở về được chuyển thể từ truyện Người ở bến sông Châu, Sương Nguyệt Minh (tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn), khi viết muốn thể hiện mình yêu vợ, yêu con bèn ký bút danh lấy tên mình, tên vợ (Vũ Minh Nguyệt, cũng là nhà văn) và tên con là Minh thành Sơn Nguyệt Minh, lúc in thế nào mà cả 2 tác phẩm đầu tiên in báo đều bị lỗi morat Sơn thành Sương, thế là ông giữ luôn đến giờ) hiện là Đại tá, công tác tại Ban Sáng tác của tạp chí Văn nghệ Quân đội, một trong 2 tờ báo văn nghệ hàng đầu nước ta hiện nay.
Tác giả và nhà văn Sương Nguyệt Minh (bên trái) giao lưu với bạn đọc tại hội sách Gia Lai 2017.
Cách đây... 15 năm, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã đến Gia Lai để mở một trại sáng tác. Hồi ấy, tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Binh đoàn 15 mở trại riêng cho các cây bút khu vực miền Trung Tây Nguyên. Người ta lại thấy ở Sương Nguyệt Minh tố chất của một... cai ngục. Chả biết từ thời nào người ta đặt tên những cái cuộc mà các nhà văn được mời về tập trung ở một nơi nào đó, cơm bưng nước rót, chỉ có mỗi việc ngồi viết, viết và viết, là các trại sáng tác. Và tất nhiên là các trưởng trại được anh em trại viên gán cho chức danh... cai ngục. Việc “nhốt” các ông bà văn nghệ sĩ ở nhiều vùng miền vào một khu, ăn ở tập trung trong khi mỗi ông bà luôn mang trong người một tính cách sẵn sàng bùng nổ, sẵn sàng làm hỏa diệm sơn, lúc tranh luận về học thuật, cả tranh luận về tài năng cá nhân nữa... dễ đẩy trại trở thành “thùng thuốc súng”, đòi hỏi ông “cai ngục” phải thật giỏi, cả về tâm lý, tài năng, đức độ, trong đó cái tài nhẫn nhịn là yếu tố hàng đầu. Sương Nguyệt Minh làm được điều ấy dù anh cũng rất cá tính. Sau này anh nói vui, trại năm ấy thành công là nhờ 2 việc, một là ông trưởng trại Sương Nguyệt Minh không... làm gì cả, và 2 là ông Văn Công Hùng không... viết gì cả.
Cá tính đến thế này là cùng chứ gì, đang vai trò Trưởng ban Văn xuôi, cũng còn trẻ, đã có cơ cấu Tổng biên tập cái tạp chí danh giá ấy, thế mà đùng đùng xin về hưu, cuối cùng là về Ban Sáng tác, cái ban rất hay của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đẻ ra, quy tụ các nhà văn quân đội có tài nhưng không thích làm quản lý, về đấy ngồi... sáng tác. Khi nào có việc nhớn thì cơ quan triệu tập, không thì cứ thế rong ruổi. Nên anh đi được nhiều, khắp nơi, kể cả ra nước ngoài. Sau lứa Sương Nguyệt Minh thì Tạp chí Văn nghệ Quân đội thực sự “thay máu”, dàn lãnh đạo rất trẻ, quân hàm thấp. Trước đấy, Phó tổng trở lên của tạp chí này phải là Đại tá. Giờ trẻ, rất trẻ, từ Tổng biên tập Nguyễn Bình Phương, các Phó Tổng biên tập Đỗ Bích Thúy (nữ đầu tiên làm Phó tổng), Phùng Văn Khai, Trưởng ban Đỗ Tiến Thụy... Thì ra biết rút lui đúng lúc để người trẻ làm việc tốt hơn mình là tố chất của Sương Nguyệt Minh mà không phải ai cũng có thể làm được.
Sương Nguyệt Minh cẩn thận và tận tình với bạn dù cũng rất... kiêu ngạo. Lần nào tôi ra anh cũng phóng con xe Future rất cũ và rất bẩn từ mãi bên Thanh Xuân đến ngồi với nhau một cuộc, dù có những cuộc mà khi tôi gọi là đã hơn 10 giờ đêm và cuối năm lạnh cắt ruột. Thường thì biết tôi ra anh chủ động đặt lịch. Ví dụ chuyến ra dự kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn vừa rồi, anh nhắn tin, ra thì gặp nhau ngay nhé, kẻo hôm sau sẽ túi bụi, anh biết tôi cũng rất đông bạn, nên chủ động... xí trước. Và còn cẩn thận hỏi thích ngồi với ai. Sau một hồi nhắn tin qua lại, anh chốt: Sẽ ngồi với Đỗ Tiến Thụy, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thế Hùng, Phan Đình Minh nhé, chỉ 6 người thôi nhé, để dễ nói chuyện. 6 người, mỗi tôi là dân sự, còn lại là các nhà văn quân đội và công an, những cây bút đang rất sung sức hiện nay.
Tháng 2/1975 là lính Quân khu Hữu Ngạn. Tháng 9/1975, là lính Quân đoàn 4. Từ tháng 4/1977, lính bảo vệ Biên giới Tây Nam, tại Mặt trận Tây Ninh. Tháng 12/1978 - 4/1980 làm nghĩa vụ quốc tế ở Mặt trận Campuchia, sau đó vào học Trường Sĩ quan lục quân 2, ra trường về công tác ở Học viện Quân y, Sương Nguyệt Minh luôn tự hào mình là lính chiến thực sự.
Chất lính vẫn sôi sục trong người, nên khi vào Pleiku, ngay sau đêm giao lưu với bạn đọc Pleiku, anh đòi tôi tổ chức đưa đi biên giới, vào thăm Đồn Biên phòng Ia Nan, tranh thủ vượt tí tẹo sang bên kia biên giới, thăm cái Casino rất hiện đại chỉ cách cửa khẩu có mấy cây số. Gặp những người lính biên phòng, nhất là Thượng tá Phan Đình Thành, Trưởng đồn Ia Nan, Sương Nguyệt Minh rất vui, anh luôn miệng khoe: Mình từng là lính Campuchia đấy... Tôi để ý, bước chân Sương Nguyệt Minh có vẻ ngập ngừng chứ không thanh thoát như lúc anh bước trên phần đất thuộc huyện Đức Cơ. Tôi tôn trọng những khoảnh khắc ấy nên lặng lẽ lánh đi để anh một mình...
Hôm giao lưu với bạn đọc ở hội sách, có một bạn hỏi Sương Nguyệt Minh: Kỷ niệm nào làm ông xúc động nhất. Ông kể, nhiều lắm, nhưng mới nhất thì nó mới xảy ra ở ngay Pleiku này, ấy là có một cô giáo viên văn rất trẻ, rất nhỏ bé mỏng manh... dạy ở Trường THPT A Sanh, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, đã phóng xe máy vượt 5 chục cây số đường rừng, thăm thẳm, mịt mù... trong đêm ra Pleiku chỉ để gặp nhà văn Sương Nguyệt Minh một lát. Cô giáo đã rất xúc động ôm chầm lấy nhà văn, mà theo ông tả là, nếu người ngoài không biết lại tưởng họ là tình nhân. Cuộc này tôi chứng kiến từ đầu tới cuối nên tôi gật gù xác nhận câu chuyện lúc ngồi với ông giao lưu. Nhưng hôm sau, tôi nói với Sương Nguyệt Minh, tất cả chuyện ông kể về cô giáo đều đúng, vì nó mới rợi và hiện hữu, chỉ trừ một việc, ấy là ông tả cô ấy một mình phóng xe máy trong thăm thẳm đường rừng âm u, cô độc quạnh quẽ... thưa ông, đường xuống đấy y hệt con đường chúng ta đang đi đây ạ, xe phóng 80 cây số giờ không lắc không xóc và dân thì ở đầy hai bên đường, điện sáng choang... Sương Nguyệt Minh cười xòa, thế à thế à, 15 năm trước tôi vào đã có đâu. Ơ, chả lẽ sau 15 năm mọi chuyện vẫn như cũ à???
Nhớ có lần cuối năm, rét căm căm, tôi ra Hà Nội rồi sướng lên rủ anh về Ninh Bình chơi. Ninh Bình là quê anh và cũng là quê ngoại tôi. Lúc rủ là gần nửa đêm, anh OK ngay và chiều sau chúng tôi đi. Tôi bảo mượn xe riêng đi, anh bảo về quê mà đi xe riêng nó ra cái quái gì, ra bến xe Mỹ Đình đi, nhưng không mua vé mà... bắt xe ngoài cổng, rẻ được mười mấy mấy ngàn đấy, mà nhanh. Về, ngồi nhậu với mấy người bà con của anh, tôi bảo thèm... rêu đá, cái món hồi bé mỗi lần về thăm bà ngoại tôi hay được ăn. Nó chỉ là rêu mọc trên đá vôi sau mưa, nhưng người Ninh Bình biến nó thành món ăn tuyệt vời, nhất là khi chan riêu cua nóng hổi vào. Tôi nhớ món ấy dù hồi được ăn còn bé tí, và cái bát chiết yêu chuyên cho món ấy giờ kiếm cho ra cũng khó. Anh bảo mấy đứa cháu, bằng mọi giá kiếm ngay một ít về đãi chú Hùng, ngay bây giờ (đâu chừng 10 giờ đêm). Mấy ông cháu, toàn loại có sừng có mỏ, sau một hồi vừa điện thoại vừa trực tiếp phóng xe đi, quay về nói, chú bảo cháu dời cái núi Cánh Diều kia có khi cháu làm được, bảo xoay cái cầu Lim có khi cũng xong, chứ kiếm rêu đá lúc này thì cháu đành chịu. Thôi giờ chú hỏi bạn chú thích gì để cháu chiều trừ món rêu đá thần thánh mà cháu mới chỉ nghe nói kia. Sương Nguyệt Minh bảo ông kêu món đi, ở đây toàn đặc sản đấy, các cháu tôi nó mời. Tôi bảo thế thì cho rau lang luộc, loại ngọn dài và thưa mắt ít lá ấy nhé, tức là thật non ấy, chấm mắm cáy, chỉ mắm cáy thôi nhé, uống rượu Ninh Bình, nhớ giữ nước luộc. Mấy ông cháu lè lưỡi với ý thích quái đản lúc nửa đêm của cái gã một nửa Ninh Bình là tôi này. Trở về, nửa tháng sau, tôi nhận được một hũ nhựa lớn do Sương Nguyệt Minh gửi, trong ấy là... rêu đá, tất nhiên đã phơi khô. Tôi đã làm một bữa tiệc rêu đá hoành tráng tại nhà kêu rất đông bạn bè tới thưởng thức, gồm 2 món, riêu cua rêu đá và nộm rêu đá. Và tất nhiên cuộc ấy bạn bè phải chịu cả tiếng đồng hồ nghe tôi thao thao về rêu đá. Trước khi về một gã bạn can đảm nói nhỏ vào tai tôi: Nghe ông kể về rêu đá ngon hơn ăn! Tôi không hợp món này, giờ đi... nhậu tiếp.
Tôi còn nhiều chuyện vui để kể về ông nữa, ví như chuyến ông đi châu Âu đã phải ngồi xe của người... tàn tật để lên máy bay ở sân bay Frankfurt, Đức, chỉ vì ông nói tiếng Anh rất hẳn hoi mà người Đức lại tưởng tiếng... Nhật, sau một hồi hết sức căng thẳng thì cuối cùng giải pháp tối ưu nhất là... Sit here, cái cô da đen to oành nhưng rất tận tình, nhân viên sân bay bảo ông thế và ông thun thút nghe thế, rồi mười lăm phút sau một cái xe điện có ký hiệu dành cho người tàn tật trờ tới, một cái vẫy tay ra hiệu thế là ông yên vị trên ấy, cái xe điện lách giữa cái sân bay luôn nghìn nghịt hàng vạn người ấy đến đúng chuyến bay của ông vừa lúc nó chuẩn bị đóng cửa... nhưng câu chuyện đã dài quá khuôn khổ cho phép của trang báo nên hẹn sẽ kể vào dịp khác. Nhưng nói thêm câu này, về ông, ấy là tôi thích cái tuyên ngôn văn chương của ông, rằng là, xét đến cùng, văn chương là thân phận con người.