Mấy ngày nay, bạn bè, đồng nghiệp của tôi đang xôn xao về một điều trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện của các trường đại học y.
Lật giở đọc dự thảo, suy nghĩ đầu tiên của tôi là Hà Nội không thể quản lý được bệnh viện tuyến trung ương. Bởi ngay cả việc quản lý hệ thống y tế của Hà Nội hiện nay còn đang rất nhiều điều phải bàn.
Hà Nội hiện có 42 bệnh viện công, 43 bệnh viện tư, 579 trung tâm y tế xã/phường và gần 3.900 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, chưa kể hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh dược, trang thiết bị, phòng khám, bệnh viện…
Với nhân lực y tế của Thủ đô hiện có thì chỉ làm những việc cơ bản như phục vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và quản lý tốt hệ thống y tế của mình… đã là quá tải rồi.
Dân số Hà Nội từ thời chỉ 20 vạn với một số bệnh viện sau ngày giải phóng cho đến hôm nay đã gấp hàng chục lần nhưng bệnh viện hay các cơ sở y tế công cơ bản vẫn vậy.
Tôi có nhiều dịp đi hội chẩn ở các bệnh viện của Hà Nội như Xanh-pôn hay Thanh Nhàn thấy rất ái ngại. Bệnh nhân nặng đến mức cần phải thở máy và lọc máu.. mà vẫn phải nằm trên cáng, rất cực cho người bệnh và cũng rất vất vả cho nhân viên chăm sóc. Số lượng bệnh nhân ngoại trú rất nhiều tới hàng chục vạn thẻ bảo hiểm y tế, số lượng tái khám, lĩnh thuốc hàng tháng rất đông, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Hà Nội cũng có xây dựng bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố ở Hà Đông nhưng cũng chưa biết bao giờ xong. Nghe nói thành phố quy hoạch bệnh viện mới ở Thạch Thất hay đâu đó, chả nhẽ người dân ở nội thành phải đi đến Thạch Thất khám chữa bệnh? Chưa kể các tình huống như tai nạn hay thảm họa có thể xảy ra, nếu có sự cố như vậy thì chuyển nạn nhân đi đâu ?
Mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng chúng tôi nhận thấy sự phát triển chuyên môn của y tế công Hà Nội so với các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Quảng Ninh hay TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều điểu phải suy ngẫm.
Vì thế, nếu Hà Nội 'ôm' cả các bệnh viện tuyến trung ương thì tôi chưa hiểu sẽ đi về đâu?
Xem xét chức năng nhiệm vụ thì thấy, bệnh viện tuyến trung ương không chỉ điều trị cho người dân Hà Nội mà còn điều trị cho người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra các tỉnh phía bắc…Và những ca bệnh chuyển lên đây là những ca nặng, khó… Nếu đưa về Hà Nội với chất lượng như hiện nay có đảm đương được không ?
Nhiệm vụ khác như đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác thì ai làm? Chưa kể đến tình huống khẩn cấp cần điều động gấp một lực lượng lớn đến giúp những địa phương có thiên tai, thảm họa thì sao, phối hợp điều hành với Bộ Y tế và các địa phương theo cơ chế nào?
Các bệnh viện trung ương ở Hà Nội không chỉ là thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho vấn đề hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học mà còn mang giá trị và yếu tố lịch sử, văn hóa...
Vì thế với năng lực của Hà Nội hiện nay để quản lý bệnh viện tuyến trung ương thì tôi lo ngại rằng sẽ làm cho hệ thống y tế ngày càng yếu kém đi.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.