Hà Nội

Với học sinh, việc học có là quan trọng nhất?

20-04-2023 09:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Câu trả lời là: Không. Quan trọng nhất là sự an toàn, bao gồm an toàn tính mạng, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

Nhiều khi cha mẹ xác định rằng việc học là mục tiêu sống còn, khiến trẻ em xử lý không đúng thứ tự ưu tiên và chúng sẵn sàng hy sinh sự an toàn của bản thân để bảo vệ việc học của chúng. Việc học sẽ trở nên vô nghĩa khi sự an toàn và hạnh phúc của học sinh bị xâm phạm.

Trong các trường hợp con bị bắt nạt ở mức độ rõ ràng nghiêm trọng hoặc có vẻ nghiêm trọng, cha mẹ cần lập tức hành động và can thiệp ngay, thay vì chỉ hỏi han, khuyên nhủ thông thường.

Dưới đây là một số điều cha mẹ cần làm khi có những dấu hiệu con bị bắt nạt ở mức độ nghiêm trọng hoặc đơn giản là có sự bất ổn mà cha mẹ cảm nhận được bằng bản năng của người làm cha mẹ.
1. Hãy hỏi con

Nếu con cảm thấy khó khăn khi nói chuyện mặt đối mặt với cha mẹ, hãy mua một cuốn sổ và ghi vào đó tâm sự, nỗi băn khoăn hay câu hỏi của cha mẹ và trao sổ cho con. Nói với con rằng hãy giúp ba mẹ giải tỏa nỗi băn khoăn lo lắng của ba mẹ.

2. Tìm cách gặp bạn thân của con

Hãy dạy con rằng cần thiết lập đồng minh trong môi trường tập thể. Ít nhất con phải có được một người bạn sẵn sàng đứng về phía con. Cha mẹ hãy làm bạn với bạn của con như với chính con mình thông qua việc mời bạn tới nhà, rủ các con đi chơi riêng, xem phim với nhau ngoài lớp học, hoặc rủ hai gia đình gặp gỡ, đi chơi với nhau. Bạn thân của con là một kênh liên lạc rất hữu ích.

3. Hãy hẹn gặp riêng thầy cô chủ nhiệm hoặc thầy cô tư vấn

Cần đảm bảo rằng bạn chủ động tìm được số hoặc cách thức liên lạc với các thầy cô liên quan như thầy cô chủ nhiệm, chuyên viên tư vấn học đường.

Với học sinh, việc học có là quan trọng nhất? - Ảnh 1.

Việc học sẽ trở nên vô nghĩa khi sự an toàn và hạnh phúc của học sinh bị xâm phạm. Ảnh minh họa

Hãy trao đổi với họ và đưa ra đánh giá của bạn liệu họ có đủ năng lực hay sự quan tâm không. Nhiều khi thầy cô, trường học cũng mắc sai lầm như chủ quan, che giấu thông tin, mắc bệnh thành tích, vô cảm… Những điều đó là có thể xảy ra. Là người có trách nhiệm bảo vệ con cao nhất và đến cùng, bạn nên tin tưởng những người có trách nhiệm, nhưng cũng cần có phán đoán của riêng mình.

4. Khi có tình huống nguy hiểm, không loại trừ trường hợp bạn buộc phải đặt máy ghi âm tùy theo hoàn cảnh cho phép. Hãy trao đổi với con nếu con sẵn sàng đối thoại. Bạn cần biết chính xác những gì xảy ra với con. Bạn cũng có thể cho con mang theo các thiết bị liên lạc khẩn cấp.

5. Hãy cho con tham gia các khóa tập huấn kỹ năng phòng chống bắt nạt học đường. Các kỹ năng đó có thể bao gồm võ tự vệ, cách thoát khỏi tình huống nguy hiểm, cách tìm kiếm sự trợ giúp.

6. Nếu chẳng may con bị đánh, con hãy la thật lớn và tìm cách chạy về phía đông người. Không được chạy về phía vắng người như nhà vệ sinh, góc cầu thang, góc tối, góc sân trường, trong lớp học…

7. Nếu cuộc chiến không quá chênh lệch và là 1 đối 1, kẻ bắt nạt không có vũ khí, hãy tìm cách hết sức đánh trả. Kẻ bắt nạt sẽ phải nhượng bộ nếu gặp sự phản kháng mãnh liệt từ người bị bắt nạt. Đánh nhau không bao giờ là tốt, nhưng tự vệ là một quyền thiêng liêng.

8. Hãy chuyển lớp, chuyển trường, dừng việc học khi cần thiết. Như đã nói ở trên, khi sự an toàn bị đe dọa, thì việc học chỉ còn là thứ yếu. Lý tưởng là trường học phải đảm bảo an toàn cho mọi học sinh, nhưng nếu tình huống không như ý xảy ra, hãy dũng cảm chọn lấy sự an toàn và đẩy việc học xuống thứ yếu.

9. Nếu con bị đe dọa, cô lập ở trường mà chưa giải quyết được, hãy cho con học online, học ở nhà và khiếu nại lên trường học. Trường học, dù công hay tư, cũng có nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn cho học sinh. Nếu trường học không đảm bảo được điều này, hãy phàn nàn hoặc khởi kiện để buộc trường phải có trách nhiệm.

10. Dù trong ngày cha mẹ, con cái giận dỗi nhau điều gì, thì đến giờ đi ngủ cũng phải xóa sạch cảm xúc tiêu cực ấy. Vì là cha mẹ, bạn sẽ cần dẹp cái tôi xuống để trở thành một người bao dung vô điều kiện. Hãy ôm hôn con để nếu con thực sự tuyệt vọng trong các mối quan hệ khác ngoài xã hội, con luôn còn lại một đồng minh cuối cùng sẵn sàng bảo vệ con vô điều kiện.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Trẻ bị bạo lực học đường, cha mẹ cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho conTrẻ bị bạo lực học đường, cha mẹ cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho con

SKĐS - Vụ việc nữ sinh lớp 10 (Nghệ An) nghi tự tử do bạo lực học đường đang làm dư luận bàng hoàng, tiếc nuối. Chuyên gia giáo dục chỉ cách giúp các bậc phụ huynh dạy con khi bị bắt nạt học đường


Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên
Ý kiến của bạn