Vôi hóa van tim có nguy hiểm?

26-11-2022 14:07 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Vôi hóa van tim là tình trạng các mảng canxi, mô mỡ… bám tại van tim làm các van tim cứng và hẹp lại dẫn đến giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể. Bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ mang lại những hậu quả đáng tiếc.

1. Van tim nào dễ bị vôi hóa?

Đây là tình trạng các mảng canxi, mỡ, các khoáng chất dư thừa… bám lại tại van làm các van tim bị cứng và đóng mở kém linh hoạt. Điều này dẫn đến tim hoạt động không hiệu quả, giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể.

Những mảng vôi hóa này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc hẹp mạch máu, đặc biệt nếu tắc mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch não sẽ gây đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Các van tim động mạch chủ, van tim 2 lá (van tim bên trái) thường hay bị vôi hóa hơn so với các van tim còn lại bởi chúng là các khu vực dòng máu chảy xoáy, thuận lợi cho canxi lắng đọng.

2. Nguyên nhân nào gây vôi hóa van tim?

Vôi hóa van tim có nguy hiểm? - Ảnh 1.

Hình ảnh van tim bị vôi hóa

- Lão hóa là nguyên nhân thường gặp nhất. Quá trình lão hóa làm cho các vòng van tim bị thoái hóa, tạo thành các mảng bám vôi hóa. Nên vôi hóa van tim thường gặp ở những người lớn tuổi.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây vôi hóa van:

- Lối sống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc lá, ăn nhiều chất béo… làm gia tăng tình trạng xơ vữa khiến mỡ và canxi tích tụ tại van tim.

- Do mắc các bệnh lý nền: Bệnh thận mạn tính, tiểu đường... làm tăng nồng độ cholesterol, triglyceride, khiến các mảng bám dễ hình thành hơn.

- Viêm nhiễm: Viêm nhiễm van tim gây ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, dẫn đến vôi hóa van.

- Người đang trong quá trình xạ trị: Xạ trị vùng ngực ở bệnh nhân ung thư, bệnh van động mạch chủ… cũng có thể gây nên tình trạng vôi hóa van.

- Do có các dị tật bẩm sinh.


3. Dấu hiệu bệnh

Khi vôi hóa van tim ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu thường mờ nhạt, nên rất khó phát hiện. Chỉ đến khi đi khám định kỳ hoặc khi bệnh nặng hơn, các triệu chứng mới xuất hiện rầm rộ: đau thắt ngực, khó thở, đánh trống ngực, chóng mặt...

Để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa tim mạch định kỳ, đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ cao: người bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, người cao tuổi...


4. Biến chứng của vôi hóa van tim

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh vôi hóa van tim sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm:

- Rối loạn nhịp tim: Vôi hóa van tim ảnh hưởng tới sự lưu thông máu ra vào tim, dẫn đến ứ trệ tuần hoàn, tim đập sẽ bất thường gây ra rối loạn nhịp tim. Người bệnh có cảm giác hồi hộp và đánh trống ngực liên tục.

- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng van tim: Van bị vôi hóa sẽ dễ bị nhiễm trùng. Vi khuẩn gây viêm nội tâm mạc có thể đi qua đường răng miệng và tới tim. Nếu không được điều trị và phòng ngừa có thể gây hỏng van.

- Phì đại tâm thất trái: Vôi hóa van động mạch chủ mà ở mức độ nặng, lỗ van động mạch chủ sẽ bị thu hẹp. Khi đó dòng máu từ tâm thất trái đến động mạch chủ sẽ bị cản trở đòi hỏi tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể, lâu dài có thể dẫn đến phì đại tâm thất trái.

- Suy tim: Phì đại tâm thất trái là nguyên nhân dẫn đến suy tim,

- Một biến chứng khác ít gặp: Ngừng tim, đột tử. Nếu người bệnh xuất hiện biến chứng này cần phải tiến hành phẫu thuật thay van tim.


5. Điều trị vôi hóa van tim

Vôi hóa van tim có nguy hiểm? - Ảnh 3.

Nên tập luyện hàng ngày để phòng bệnh

Điều trị bằng thuốc: Dùng thuốc là lựa chọn đầu tiên trong điều trị vôi hóa van. Tùy từng tình trạng bệnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp. Những nhóm thuốc thường được sử dụng:

- Thuốc hạ mỡ máu nhóm statin: Làm giảm sự tích tụ cholesterol ở van tim.

- Thuốc chẹn giao cảm: Giúp điều hòa nhịp tim trong trường hợp nhịp nhanh.

- Thuốc chống đông máu: Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim. Người bệnh nên tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Khi bệnh nặng hơn, bác sĩ có thể xem xét chỉ định các phương pháp can thiệp, phẫu thuật phù hợp.

Điều trị không dùng thuốc: Đối với những người đã có van tim bị xơ cứng, chế độ ăn và tập luyện là rất quan trọng giúp phòng và tránh tái phát bệnh.

- Nên hạn chế ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất béo: mỡ động vật, các loại thịt đỏ như thịt bò; Nên bổ sung nhiều chất xơ hòa tan: các loại rau, quả tươi và omega-3  có trong các loại cá biển.

- Nên dành 30 phút mỗi ngày để tập các bài thể dục nhẹ nhàng, vừa sức giúp tăng cường lượng máu tới tim, giúp tim hoạt động hiệu quả. Đồng thời tránh được quá trình tích tụ mỡ, hạn chế nguy cơ vôi hóa van.

- Bệnh nhân cần thăm khám tim mạch định kỳ (6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ).
Hở van tim, có nên phẫu thuật?Hở van tim, có nên phẫu thuật?

SKĐS - Em năm nay 17 tuổi, khám bác sĩ phát hiện nhịp tim em không bình thường và có dấu hiệu hở van tim, các bác sĩ yêu cầu khám lại ở trung tâm tim mạch.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Một số mẹo đơn giản giúp bạn ngủ ngon hơn | SKĐS

BS. Nguyễn Quang Anh
Ý kiến của bạn