1. Vôi hóa gan là gì?
Vôi hóa gan hay còn được gọi là vôi gan là một tổn thương gan mạn tính. Về bản chất đây không phải là bệnh mà chỉ là một vết sẹo do tổn thương ở gan, do áp xe gan hoặc bị nhiễm các loại ký sinh trùng… Những tổn thương dần bị vôi hóa cứng và đọng lại trong đường mật ở cơ quan có chức năng thải độc này
2. Vì sao gan bị vôi hóa?
Vôi hóa gan do nhiều nguyên nhân như:
- Viêm tế bào nhu mô gan: do quá trình hình thành sỏi trong tuyến mật hay do lắng đọng sắc tố mật hoặc viêm gan do tác động của rượu bia, chất kích thích…
- Xác ký sinh trùng.
- Dùng thuốc điều trị bệnh lao tích tụ tại gan: do thuốc điều trị lao được chuyển hóa ở gan, lâu dần sẽ tích tụ và gây ra những nốt vôi hóa gan.
- Do gan nhiễm độc, gan nhiễm mỡ lâu ngày.
- Do khối u gan gây ra tích tụ canxi.
- Do uống nhiều rượu bia.
- Do rối loạn chức năng gan.
3. Dấu hiệu nhận biết vôi hóa gan
Nếu nốt vôi hóa gan nhỏ thường sẽ không gây triệu chứng điển hình mà chỉ được phát hiện sau khi chẩn đoán lâm sàng. Tuy nhiên, khi nốt vôi hóa lớn hơn sẽ xuất hiện một số dấu hiệu do làm ảnh hưởng tới chức năng của gan:
- Người bệnh sẽ bị rối loạn tiêu hóa: Với các triệu chứng chán ăn, đầy bụng, khó tiêu… Nguyên nhân do nốt vôi hóa làm tắc đường mật và làm ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng tiêu hóa.
- Cảm thấy đau tức hạ sườn phải và thường đau tăng khi vận động mạnh: Nguyên nhân do nốt vôi hóa lớn gây chèn ép dây thần kinh, mô ở gan.
- Có thể bị sốt, rét run, thậm chí sốt cao có thể gây co giật.
- Xuất hiện hiện tượng vàng da, vàng mắt.
4. Vôi hóa gan có nguy hiểm không?
Tuy vôi hóa gan không phải là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng khi vôi hóa có kích thước lớn sẽ dẫn đến tình trạng ứ mật mạn tính, viêm đường mật, nặng hơn có thể dẫn tới xơ gan mật thứ phát.
- Vôi hóa ban đầu nhỏ: Sẽ không có triệu chứng rõ ràng vì thế ít khi gây ra những biến chứng nguy hiểm.
- Với kích thước nốt vôi hóa lớn: Khi vận động mạnh người bệnh cảm thấy đau đớn kèm theo sốt rét, rối loạn tiêu hoá…. Khi đó bệnh sẽ gây nhiễm trùng tái diễn đường mật, chèn ép đường mật và có thể ảnh hưởng tới chức năng của gan mật.
- Vôi hóa gan lâu dài: Có thể gây xơ gan, viêm gan thể mạn tính, ung thư gan phải phẫu thuật.
5. Điều trị vôi hóa gan
Tùy vào từng giai đoạn tiến triển và thể trạng bệnh nhân mà bác sĩ có phương án điều trị khác nhau.
- Ở trường hợp nhẹ: Thông thường, các nốt vôi sẽ nhỏ không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Đặc biệt khi bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm chức năng gan cho thấy vẫn hoàn toàn bình thường thì người bệnh sẽ không cần điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật. Chỉ cần chú ý có chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh theo tư vấn của bác sĩ.
- Trường hợp nặng hơn: Khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó chịu, làm ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, lúc đó cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ nốt vôi hóa gan giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
6. Phòng ngừa vôi hóa gan
Nên có chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày : Cần hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều cholesterol: thịt đỏ, lòng đỏ trứng, thịt nội tạng, mỡ động vật....; Ăn đủ chất, đa dạng thực đơn với thịt trắng, tăng cường hoa quả tươi giàu vitamin và rau xanh hàng ngày; Không ăn đêm, ăn quá no để không khiến gan hoạt động quá sức.
- Ngủ đủ giấc, không thức khuya: Nên ngủ trước 23h đêm. Đảm bảo ngủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm.
- Không uống rượu bia, sử dụng chất kích thích: Vì nguyên nhân chính gây các bệnh về gan là do các chất kích thích có trong thuốc lá, rượu bia. Đây là những tác nhân xấu khiến lá gan phải hoạt động quá sức và không thể giải hết độc tố và suy yếu dần..
- Thường xuyên tập thể dục hàng ngày: Tập luyện không chỉ giúp nâng cao sức khỏe về tinh thần và tăng cường thể lực, giảm stress mà còn bảo vệ gan khỏi vôi hóa và những bệnh lý nguy hiểm khác: ung thư gan, viêm gan, xơ gan..
Tập thể dục góp phần bảo vệ gan khỏi vôi hóa.
- Nên uống nhiều nước hàng ngày: Ngoài nước có thể uống trà atiso, trà đỗ đen… có tác dụng giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Nên tẩy giun sán định kỳ: giúp bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa đồng thời bảo vệ các bệnh liên quan đến gan mật.
- Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm: cần khám sức khỏe 6 tháng/lần.
Trường hợp phát hiện đang bị vôi hóa gan bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để kiểm tra xem các nốt vôi hóa gan có phát triển không giúp phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm và điều trị kịp thời.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
4 Món Ăn Quen Thuộc Làm Tăng Nguy Cơ Mắc Ung Thư | SKĐS