Vỏ sữa chua, lốp xe cũ cũng có thể trở thành ổ dịch sốt xuất huyết

14-07-2017 06:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn ra phức tạp trên cả nước, trong đó có Hà Nội.

Hà Nội đã ghi nhận hơn 4.000 ca sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 48.898 trường hợp mắc SXH, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%; số trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp. Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế hiện nay đang là mùa dịch, diễn biến số mắc theo tuần có xu hướng tăng. Tích luỹ từ đầu năm đến nay số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam; giảm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên so với cùng kỳ 2016.

Tại Hà Nội, trong 10 năm trở lại đây, năm SXH cao đỉnh điểm là năm 2009 với khoảng 16.000 ca, trung bình các năm là 5.000 – 6.000 ca. Như vậy, tính đến nay, Hà Nội ghi nhận trên 4.000 ca và diễn biến có thể tăng cao nếu không kịp thời xử lý quyết liệt.

Chính vì vậy, việc tuyên truyền phòng chống SXH cho người dân cần thật đầy đủ và thiết thực, ví dụ, muỗi truyền SXH là muỗi vằn, và chỉ con muỗi cái mới đốt người lây truyền bệnh, chỉ đốt ban ngay, thích ở trong nhà, thích đẻ trứng ở các vùng nước trong. Do đó, chỉ cần một hộp sữa chua vứt ở góc sân trường chưa dọn, ngày mưa nước đọng lại trong hộp là tạo nên một ổ bọ gậy. Hiện Hà Nội đã thu gom hơn 12.000 lốp xe cũ để rải rác, tạo thành nơi thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và đang tiếp tục thu gom, xử lý triệt để.

Kiểm tra việc phòng bệnh SXH ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

 

Mặc dù ngành y tế Hà Nội đã chủ động, nỗ lực trong công tác kiểm tra, giám sát, vận động nhân dân hưởng ứng, phối hợp với ngành y tế trong việc diệt muỗi, diệt lăng quăng, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch nhưng dịch SXH vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hà Nội là địa phương có sự lưu hành của muỗi Aedes trong nhiều năm nay, cộng thêm điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư tăng cao với biến động di dân lớn, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém, làm gia tăng các ổ chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.

Bên cạnh đó là do người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi; một số nơi vẫn từ chối hợp tác với chính quyền và cán bộ y tế... Theo các chuyên gia, biện pháp phun thuốc ngành y tế đang thực hiện là cách phun dạng sương mù, không phải là kiểu phun tồn lưu lên tường như với cách phun thuốc diệt muỗi gây sốt rét. Cách phun sương này cần phun đủ vào không gian các tầng, các phòng trong nhà để diệt muỗi gây bệnh SXH, tiêu diệt hết muỗi trong một không gian đóng kín tại thời điểm đó. Sau thời điểm phun, nếu không vệ sinh môi trường, để muỗi đẻ trứng, thì vài ngày sau đó chúng sẽ phát triển thành muỗi tiếp tục gây bệnh cho con người.

Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều bọ gậy trong một thùng chứa lớn trước cửa một nhà dân.

 

Sẽ nghiêm túc xử phạt để nâng cao trách nhiệm người dân

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, quan trọng nhất là làm cho người dân nhận thức rõ biện pháp phòng chống SXH tốt nhất là diệt bọ gậy, loại bỏ hoặc đậy, úp các thùng, chai, lọ,… có thể chứa nước quanh nhà, mắc màn, đốt hương hoặc dùng kem xoa chống muỗi để tránh muỗi đốt,… Đặc biệt, cần nghiêm túc thi hành xử phạt với cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống SXH để nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, đơn vị, tổ chức đối với cộng đồng.

Để phòng bệnh hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch SXH cho người dân, giúp người hiểu biết và sẵn sàng phối hợp với ngành y tế. Phối hợp mạnh mẽ với các đài địa phương, các phương tiện truyền thông báo chí để cập nhật thông tin và đưa tin về phòng chống dịch hiệu quả tới mỗi người dân

UBND các quận, huyện cần chỉ đạo, giám sát các chiến dịch vệ sinh phòng chống dịch trong địa bàn hàng tuần, huy động sự tham gia của cả người dân và chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ, chủ công trình,… Tăng cường huy động lực lượng phối hợp tham gia phòng chống dịch như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội chữ thập đỏ,… đặc biệt là đối với các khu vực động dân nhưng lực lượng y tế còn hạn chế.

Thi hành các biện pháp xử phạt đối tượng theo Nghị định 176 đối với những cơ quan, đơn vị, công trường,... không thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.


D.Hải
Ý kiến của bạn