Vỡ phình động mạch chủ, mất máu nhiều, cụ ông may mắn thoát chết

30-09-2022 14:21 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Cụ ông 77 tuổi bị vỡ phình động mạch chủ bụng, mắc nhiều bệnh lý nền kèm theo vừa được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cứu sống kịp thời.

Thanh Hóa: Lần đầu tiên "bóc" thành công khối u lớn ở tủy sống và lồng ngực hiếm gặpThanh Hóa: Lần đầu tiên 'bóc' thành công khối u lớn ở tủy sống và lồng ngực hiếm gặp

SKĐS - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa phẫu thuật thành công bóc khối u lớn ở tủy sống và lồng ngực hiếm gặp. Đây là một trong những trường hợp đầu tiên bị u thần kinh, cột sống phức tạp được phẫu thuật thành công tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, bệnh nhân là cụ ông N.X.V. (77 tuổi) được người nhà đưa vào viện trong tình trạng sốc mất máu, ý thức lơ mơ, mạch và huyết áp không ổn định. Bênh nhân được khám lâm sàng kỹ lưỡng, nhanh chóng làm các xét nghiệm cận lâm sàng: Siêu âm và chụp CT-scan động mạch chủ ngực bụng và được các bác sĩ chẩn đoán phình động mạch chủ bụng trên thận có kích thước 7cm, đã bóc tách động mạch chủ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cao tuổi có nhiều bệnh lý đi kèm: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim đã đặt stent động mạch vành.

Nhận định đây là một trường hợp rất nguy kịch có nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ đã khẩn cấp hội chẩn và thống nhất chuyển mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân được đưa ngay vào phòng mổ trong tình nguy kịch: sốc mất máu, chảy nhiều máu sau khoang phúc mạc, mạch nhanh huyết tụt vừa mổ vừa hồi sức, truyền máu, đặt nội khí quản và sau 3 phút các bác sĩ đã mở bụng nhanh chóng tiếp cận vào được động mạch chủ khối phình bị vỡ để khống chế cầm máu.

Khối phình động mạch chủ bụng đoạn dưới các động mạch thận, đường kính khoảng 7-8 cm, bị vỡ 1 đoạn dài khoảng 4cm. Khối phình vỡ vào sau phúc mạc, tạo thành khối máu tụ khổng lồ chiếm hơn 1/2 bụng bên trái, bóc tách toàn bộ phía sau đại tràng xuống, hố thận trái, cơ thắt lưng chậu trái và lan rộng đến các động mạch chậu hai bên. Các bác sĩ cắt bỏ hoàn toàn khối phình động mạch chủ chậu, tái lập lưu thông động mạch chủ chậu với ghép mạch máu nhân tạo dạng chữ Y, nối giữa động mạch chủ – chậu trái và chủ – đùi bên phải.

Ngày thứ hai sau mổ, tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, chức năng gan, thận hoạt động bình thường. Bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn đầu tiên trong quá trình điều trị là giải quyết thương tổn ở động mạch chủ để giữ lại mạng sống.

Ở giai đoạn tiếp theo, các bác sĩ đã đưa ra phác đồ điều trị tích cực giúp bệnh nhân ổn định các bệnh lý đi kèm bằng thuốc và đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp quá trình hồi phục tốt hơn, nâng cao thể trạng người bệnh. Sau hơn hai tuần điều trị điều trị tích cực, sức khỏe ông V. đã ổn định, đủ điều kiện xuất viện.

Kỳ tích cứu sống một cụ ông bị vỡ phình động mạch chủ bụng nguy kịch - Ảnh 4.

ThS. BS Nguyễn Tô Hoàng thăm khám cho bệnh nhân V. sau phẫu thuật

ThS. BS. Nguyễn Tô Hoàng – Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh lồng ngực, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: "Đối với bệnh nhân bị phình động mạch chủ, khi túi phình động mạch căng vỡ, cơ hội cứu sống bệnh nhân là rất mong manh. Trường hợp bệnh nhân V. được cứu sống là một kỳ tích nhờ có sự phối hợp và cấp cứu liên hoàn, khẩn trương của các chuyên khoa liên quan vì túi phình đã vỡ một đoạn dài trên 4cm, bệnh nhân mất máu nhiều.

Thêm vào đó, phần thương tổn ở động mạch chủ trên thận là một vị trí mổ khó, liên quan đến 2 động mạch thận và các mạch máu nuôi tạng nên người bệnh có nguy cơ thiếu máu nuôi các tạng trong ổ bụng, dẫn đến suy thận, suy gan, hoại tử ruột… sau phẫu thuật. Do đó, khi thực hiện phẫu thuật, e kíp các bác sĩ luôn đảm bảo thời gian thiếu máu nuôi các tạng ngắn nhất, giúp các tạng không bị tổn thương".

Để phòng tránh vỡ phình động mạch chủ, ThS. BS. Hoàng khuyến cáo những người có các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… nên tiến hành thăm khám, điều trị kiểm soát tốt các bệnh lý nền đi kèm. Ngoài ra, việc tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp cho người bệnh có kế hoạch điều trị tốt hơn. Can thiệp ngoại khoa chủ động đúng thời điểm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân rất nhiều so với khi can thiệp cấp cứu.

Ngọc Hưng
Ý kiến của bạn