Vỡ ối non: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

05-10-2024 16:44 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Vỡ ối non là tai biến y khoa thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ. Vỡ ối non gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng của thai nhi và sản phụ, tuy nhiên, các sản phụ có thể phòng tránh được tình trạng vỡ ối non.

1. Tổng quan về vỡ ối non

1.1. Vỡ ối non là gì?

Vỡ ối non (Premature rupture of membranes- PROM) là hiện tượng màng ối bị vỡ trước khi khởi phát sự chuyển dạ. Nếu sau một giờ vỡ ối vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ thì có thể gọi đó là vỡ ối non.

Ối vỡ non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm thường xảy ra ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của thai nhi và sức khỏe của sản phụ.

Các chuyên gia sản khoa cho biết tai biến này hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu được theo dõi và can thiệp thai kỳ đúng cách.

Vỡ ối non: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Ối vỡ non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm thường xảy ra ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.

1.2. Nguyên nhân gây vỡ ối non

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vỡ ối non, theo đó, vỡ ối non có thể do màng ối bị suy yếu tự nhiên, lực co bóp của cơ tử cung, nhiễm trùng đường sinh dục dưới, bệnh lý đường tình dục…

1.2.1. Nhiễm trùng đường sinh dục dưới

Sản phụ có các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, âm hộ… có nguy cơ bị các vi khuẩn tấn công gây viêm màng ối, dẫn đến vỡ ối. Do đó, các chuyên gia sản khoa khuyến cáo sản phụ cần điều trị càng sớm càng tốt các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới nếu có.

1.2.2. Bệnh lý lây truyền qua đường tình dục

Sản phụ mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như giang mai, lậu, herpes sinh dục,… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vỡ ối non.

1.2.3. Sử dụng các chất kích thích

Thai phụ hút thuốc lá, ma tuý, rượu bia… có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của thai nhi, cũng như nguy cơ vỡ ối non trong thai kỳ.

1.2.4. Đa ối, đa thai

Đa ối là tình trạng lượng dịch ối tăng cao đến mức dư thừa. Khi lượng dịch ối tăng nhanh, thai phụ sẽ cảm thấy ngày càng nặng nề và khó chịu. Tình trạng đa ối xuất hiện càng sớm và lượng ối càng nhiều thì biến chứng càng nguy hiểm. Khi lượng dịch ối trong tử cung quá cao có thể dẫn đến hiện tượng vỡ ối non.

Vỡ ối non: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Ngôi thai bất thường là một trong những nguyên nhân gây vỡ ối non.

Đa thai là hiện tượng thai phụ có nhiều hơn một thai nhi ở trong tử cung ở cùng một lần mang thai. Thai phụ mang đa thai cần phải cẩn trọng vì tỷ lệ gặp những biến chứng thai kỳ sẽ cao hơn so với những thai phụ bình thường khác. Trong số đó, vỡ ối non dẫn đến sinh non là tình trạng thường gặp. Theo thống kê, có hơn 50% số ca song sinh phải sinh non, và hầu hết tất cả những ca sinh ba đều gặp tình trạng tương tự.

1.2.6. Hở eo tử cung

Hở eo tử cung là tình trạng cổ tử cung mở sớm trong thời kỳ mang thai, trước khi chuyển dạ. Khi thai trên 16 tuần tuổi, áp lực trong túi ối tăng lên, tác động vào cổ tử cung làm cổ tử cung mở dần ra, có thể dẫn đến vỡ ối non. Hậu quả là sẩy thai hoặc sinh non.

1.2.7. Ngôi thai bất thường

Ngôi thai được hiểu là tư thế của thai nhi so với cổ tử cung người mẹ. Thông thường, ngôi thai đầu (hay ngôi thai thuận) được xem là ngôi thai thuận lợi nhất cho việc sinh nở. Ngôi thai đầu nghĩa là đầu của trẻ sẽ hướng về phía âm hộ, mông trẻ hướng về phía ngực của mẹ. Khi sinh, đầu của trẻ sẽ ra đầu tiên, tay chân trẻ xuôi ra phía sau.

Ngoài ngôi thai đầu còn có ngôi mông (hay ngôi ngược) và ngôi ngang. Đây chính là những ngôi thai bất thường, gây nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Tình trạng ối vỡ non có thể gặp ở trường hợp này.

2. Những đối tượng có nguy cơ mắc ối vỡ non cao?

Các sản phụ có nguy cơ bị vỡ ối non khi có tiền sử ối vỡ non; tiền sử phẫu thuật cổ tử cung hoặc chọc ối; xuất huyết âm đạo trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba; tử cung giãn quá mức; thiếu hụt đồng và vitamin C; bệnh mô liên kết như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì,...chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp; tình trạng kinh tế xã hội kém;

3. Triệu chứng vỡ ối non

Mỗi thai phụ khi bị vỡ ối non sẽ có những dấu hiệu cảnh báo khác nhau. Tuy nhiên, các sản phụ thường sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Chảy nước âm đạo đột ngột, lượng nước có thể ướt hết vùng ngoài, nước ối sẽ ra liên tục.
  • Có dịch bất thường ở âm đạo: dịch trắng và có mùi tanh chảy ở âm đạo
  • Khi túi ối vỡ, thai phụ có thể cảm nhận được tiếng "bục" và nước ối bắt đầu tràn ra từ vùng kín, trong một số trường hợp dịch ối sẽ rò rỉ từng chút một (nhiều người nhầm lẫn với tình trạng tiểu són).
  • Rỉ ối kèm xuất huyết
  • Rỉ ối có màu hoặc có mùi bất thường: nước ối chảy ra có mùi và có màu lạ như màu vàng, màu xanh…

Các dấu hiệu cảnh báo vỡ ối non rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác, vậy nên, ngay khi thai phụ xuất hiện những dấu hiệu trên cần tới khám tại bệnh viện, các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng, can thiệp, điều trị hiệu quả.

Vỡ ối non: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Thai phụ và thai nhi có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm khi bị vỡ ối non.

4. Vỡ ối non có nguy hiểm không?

Vỡ ối non là một tai biến sản khoa, mức độ nguy hiểm còn tùy thuộc vào tình trạng của thai nhi và sản phụ. Theo đó, khi vỡ ối, các thai phụ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:

4.1. Nhiễm trùng ối

Túi ối có vai trò bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn, vi trùng nên khi màng ối vỡ, nước ối rỉ ra bên ngoài khiến lớp bảo vệ này suy yếu, vi sinh vật có hại từ bên ngoài xâm nhập vào làm tổn thương thai nhi. Đồng thời, tình trạng nhiễm trùng ối cũng có thể khiến thai phụ bị nhiễm trùng tử cung dẫn tới phải cắt tử cung. Thậm chí thai phụ có thể bị nhiễm trùng huyết và ảnh hưởng tới tính mạng.

Trong trường hợp nhiễm trùng ối khi ngôi thai chưa ổn định sẽ dẫn đến sa dây rốn khiến thai nhi không nhận được dinh dưỡng và oxy.

4.2. Sinh non

Trường hợp sản phụ bị vỡ ối kèm theo các nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng, bác sĩ sản khoa có thể yêu cầu mổ lấy thai ngay lập tức nếu điều kiện sinh ngả âm đạo không thuận lợi.

Việc thai nhi được đưa ra bên ngoài trước tuần thứ 37 của thai kỳ có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ về sau như mắc các bệnh lý hô hấp, bệnh lý thị giác, nhiễm trùng…

Trường hợp sản phụ ối vỡ non gây khởi phát chuyển dạ sớm thì bé sinh non cũng đối mặt với các nguy cơ tương tự.

4.3. Chèn ép dây rốn

Vỡ ối non cũng khiến thai nhi có nguy cơ bị chèn ép dây rốn. Không có nước ối, dây rốn rất dễ bị tổn thương. Theo đó, dây rốn sẽ bị chèn ép bởi tử cung và thai nhi hoặc nghiêm trọng hơn dây rốn có thể rơi ra khỏi tử cung vào âm đạo. Điều này có thể khiến thai nhi tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

5. Cách phòng bệnh vỡ ối non

Các thai phụ có thể phòng vỡ ối non bằng cách kiểm soát và điều trị hiệu quả các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới trong quá trình mang thai; thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết; có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá…; tham khảo và chọn lựa cơ sở y tế có đơn vị sản khoa và đơn vị sơ sinh tốt để đảm bảo sản phụ và trẻ sinh ra được chăm sóc tốt nhất; không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ…

Vỡ ối non: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 4.

Vỡ ối non có thể do màng ối bị suy yếu tự nhiên, lực co bóp của cơ tử cung, nhiễm trùng đường sinh dục dưới, bệnh lý đường tình dục…

6. Cách điều trị vỡ ối non

Ngay khi phát hiện thai phụ có các dấu hiệu cảnh báo vỡ ối non, cần nhanh chóng đưa thai phụ tới cơ sở y tế để được đánh giá và theo dõi kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tiến hành siêu âm định kỳ để theo dõi phát triển của thai nhi, lượng nước ối cũng như theo dõi tim thai. Dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp, nhiệt độ của thai phụ cũng cần được theo dõi sát để phát hiện sớm nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị vỡ ối non sẽ được lựa chọn dựa theo tuổi thai nhi. Theo đó, nếu thai nhi đủ tháng (từ đủ 37 tuần trở lên), khoảng 90% thai phụ sẽ chuyển dạ trong vòng 24 giờ, do đó bác sĩ có thể sẽ khuyến cáo theo dõi tiếp đợi chuyển dạ vì nguy cơ nhiễm trùng trong 24 giờ đầu sau vỡ ối là thấp. Hoặc sử dụng thuốc kích thích chuyển dạ cùng với các thuốc dự phòng nếu quá 24 giờ vẫn chưa chuyển dạ hay bạn muốn sinh ngay lập tức.

Trường hợp thai nhi chưa đủ tháng (từ đủ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày), thai phụ sẽ được tiến hành sinh và dùng thuốc các loại thuốc dự phòng.

Nếu thai nhi (từ đủ 24 tuần đến 33 tuần 6 ngày), sản phụ sẽ được theo dõi, dùng kháng sinh phòng ngừa, và điều trị dự phòng, chấm dứt thai kỳ khi có biến chứng khác xảy ra hoặc khi thai đủ 34 tuần.

Nếu thai kỳ dưới 24 tuần thai phụ sẽ được tư vấn, chờ đợi hoặc khởi phát chuyển dạ sớm, không khuyến cáo điều trị dự phòng trước khi xác định khả năng sống sót của thai nhi.

Kéo dài tuổi thai thành công cho sản phụ bị vỡ ối non, hết ối từ khi thai chưa đầy 24 tuầnKéo dài tuổi thai thành công cho sản phụ bị vỡ ối non, hết ối từ khi thai chưa đầy 24 tuần

SKĐS - Chị D, 41 tuổi, bị vỡ ối non, hết ối khi mang thai ở tuần thứ 24. Lúc này thai nhi chỉ mới được khoảng 640 gram.


BSCK2 Bùi Thị Hồng Nhu
Bệnh viện Từ Dũ
Ý kiến của bạn