Nhiều cặp vợ chồng đã phải trải qua hàng chục năm điều trị, khi mái tóc đã điểm sương mới vỡ òa niềm vui được ôm ấp, bế bồng đứa con của mình. Và người đồng hành giúp hiện thực hóa những mong mỏi chính đáng ấy chính là các bác sĩ sản khoa.
Đó là một trong những thành quả mà công trình “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chủ trì. Không chỉ khẳng định thành công của Việt Nam trong lĩnh vực y khoa điều trị hiếm muộn mà các kỹ thuật này đã mang lại niềm hạnh phúc vỡ òa cho không biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn. Cũng qua công trình này, BV Phụ sản TƯ đã chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán và điều trị vô sinh cho nhiều bệnh viện trong cả nước, đem lại cơ hội nhiều hơn cho các cặp vợ chồng muộn đường con cái.
21 năm để có một mụn con
TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, lần đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (TTON) vào năm 2000 tại BV Phụ sản TƯ, sau khi hoàn thành một khóa học về kỹ thuật này tại Mỹ, ông rất vui vì có thêm một cơ hội để các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể sinh con.
Lần đầu tiên triển khai TTON tại BV Phụ sản TƯ, 32 cặp vợ chồng hiếm muộn đã được lựa chọn, trong đó, cặp lâu có con nhất là 13 năm, còn lại trung bình từ 2-10 năm. Tỉ lệ thành công trên 32 cặp vợ chồng này là 30%.
Từng tiếp xúc với rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, hiểu nỗi lòng, sự mong mỏi tiếng cười con trẻ đến tuyệt vọng của những người vợ, người chồng, nên ngoài vai trò là người bác sĩ, TS Nguyễn Viết Tiến cũng là một người bạn, người thân động viên, an ủi các cặp vợ chồng trên con đường gian truân kiếm tìm điều trị.
“Với những trường hợp khó, 15 - 20 năm mới đậu được thai, nhìn thấy niềm vui của họ, bản thân người thầy thuốc chúng tôi cũng vỡ òa, vui cho người bệnh, vui vì sự kiên định của mình đã đúng. Bởi rất nhiều cặp vợ chồng điều trị lâu năm mà không có kết quả nên nản ý, trong khi đó, qua thăm khám, thầy thuốc không thấy nguyên nhân cơ bản nào để buộc mình phải “đầu hàng” mà chỉ là trường hợp khó. Những lúc này, sự động viên của người thầy thuốc là rất quan trọng, tôi khuyên họ đừng từ bỏ và rất nhiều trong số dó đã thành công”, TS Nguyễn Viết Tiến chia sẻ.
Mới đây nhất, một cặp vợ chồng sau 21 năm mỏi mệt theo đuổi, chữa trị, đã bao lần bỏ ngang vì tuyệt vọng đã nghe lời động viên của bác sĩ, và hạnh phúc muộn mằn cũng đã mỉm cười với họ, khi người vợ đã mang thai và sinh con.
Điều trị vô sinh Việt Nam ngang tầm quốc tế
Không chỉ thành công với kỹ thuật TTON mà nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật tạo hình tử cung, phẫu thuật nối vòi tử cung đều được thực hiện rất hiệu quả tại BV Phụ sản TƯ. Đặc biệt, nhiều kỹ thuật Việt Nam làm được nhưng các nước khác chưa thực hiện được, như kỹ thuật nuôi phôi dài ngày, kỹ thuật phôi thoát màng, kỹ thuật sinh thiết để chẩn đoán phôi trước khi làm tổ (phát hiện phôi tốt hay phôi có gen bệnh lý)…
“Về kỹ thuật TTON, so với Thái Lan, tỉ lệ thành công của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Ngay cả với Singapore, tỉ lệ TTON tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản Trung ương) cũng đạt thành công cao hơn”, TS Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Tại BV Phụ sản TƯ từng tiếp nhận nhiều trường hợp là các cặp vợ chồng hiếm muộn đi nước ngoài làm TTON nhưng không mang lại kết quả, với chi phí khoảng 500 triệu cho một lần thụ tinh.
Sau khi BV Phụ sản TƯ làm thành công kỹ thuật TTON đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều đơn vị khác như Trung tâm công nghệ phôi Học viện Quân y, hướng dẫn cho bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Thanh Hóa, BV Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh)… Hiện nay Trung tâm hỗ trợ sinh sản BV Phụ sản TƯ là lớn nhất cả nước về số lượng bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm và tỷ lệ làm thành công cũng cao nhất, từ 50 - 60%.
Theo TS Nguyễn Viết Tiến, hành trình chữa vô sinh rất gian nan, vì thế, các bạn trẻ trước khi kết hôn cần đi khám tiền hôn nhân. Sau khi kết hôn, nếu bình thường 1 năm không có thai cũng nên đi khám chữa sớm để được điều trị, can thiệp kịp thời. Nếu thực sự hiếm muộn, người bệnh cần tin tưởng vào quá trình điều trị, tin tưởng may mắn sẽ mỉm cười để có một tâm lý tốt nhất trong quá trình điều trị.
Theo Tú Anh (Dân trí)