Một số giả bệnh tâm thần, đi khám trước khi gây án làm bằng chứng để tránh tội. |
Không có tiền trả nợ thì…điên
Chị Trang, quê Long An, làm nghề buôn bán giày dép ở chợ An Đông, TP.HCM là một nạn nhân của vụ…giả điên.
Kinh doanh mua may bán đắt nên chị Trang để ra được số vốn kha khá, tính sẽ dùng tiền đó sau 3 năm nữa cho cậu con trai đi du học.
Biết chị Trang có tiền, người bà con xa tên Mai làm nghề kinh doanh bất động sản hỏi vay 500 triệu đồng (với lý do có căn nhà giá rẻ, mua vào gặp khách sẽ bán lại kiếm lời).
Ban đầu chị Trang rất do dự bởi số tiền là mồ hôi xương máu chị chắt chiu suốt 20 năm trời, buôn bán truân chuyên từ thời chưa lấy chồng.
“Mình là người cẩn thận, lo xa. Mãi tới năm 30 tuổi, khi có số vốn lận lưng kha khá mới lập gia đình để chắc chắn có nền tảng vững vàng lo cho con cái”, chị Trang kể.
Mai ngon ngọt dỗ dành chị: “Ky cóp 20 năm mới để ra được có 500 triệu sao đủ cho con du học. Chị cứ nghe em, em chỉ vay 2 tháng thôi. Cái nhà của cái thằng bị vỡ nợ, giá lẽ ra 3 tỷ, giờ 1 tỷ cũng bán. Ngặt nỗi em kẹt, chưa quay đủ tiền, không nhanh tay đứa khác hớt mất lại tiếc hùi hụi.
Làm xong giấy tờ, em bán sang tay ngay, đảm bảo ít cũng lời được 1 tỷ. Khi ấy trả tiền gốc cho chị, chia cho chị thêm 30% số tiền bán nhà chênh lệch luôn. Mà em trả lãi mỗi tháng, chứ có mượn không của chị đâu”.
Nghe cũng xuôi tai nhưng không phải người làm việc theo cảm tính, chị Trang còn cẩn thận theo Mai về nhà, hỏi chồng và mẹ đẻ của Mai (dì ruột mình) xem đúng là cô em họ cần tiền mua nhà giá hời không.
Khi ấy, cả chồng và bà dì đều công nhận, thậm chí mẹ Mai còn đứng ra đảm bảo cho con gái: “Yên tâm đi con, người nhà mà, nó không trả tiền mày thì dì trả, sợ cái gì?”.
Nghe được câu nói ấy của bà dì, chị Trang yên tâm, đem tiền cho em họ mượn.
Một tháng, hai tháng, tháng nào Mai cũng trả tiền lãi đều đặn đúng kỳ.
Tới tháng thứ 3, chưa thấy em nhắc gì tới chuyện trả tiền gốc, chị Trang gặng hỏi, cô em đáp: “Yên tâm đi chị. Nhà em mua xong rồi, nhưng đâu phải kêu bán là bán được ngay. Lát chị lên xe, em chở chị qua xem nhà cho biết”.
Không yên bụng, chiều đóng quầy hàng xong, chị Trang vội vàng chạy sang nhà Mai hối đi xem nhà.
Mai chở chị Trang ra tận huyện Hóc Môn, rẽ vào trong hẻm lớn, đến trước căn nhà treo biển cho thuê nhà, trên tấm biển ghi tên và số điện thoại của Mai để khách hàng có nhu cầu xem nhà liên hệ.
Mai bình thản xuống xe, lấy trong túi xách ra một chùm đủ các loại chìa khoá, chọn ra một chiếc, mở cửa, mời bà chị họ đa nghi vào chơi.
Thấy căn nhà 3 tầng mới xây đẹp thế mà Mai mua được giá 1 tỷ bạc, chị Trang mừng lắm. Trên tấm biển rao cho thuê nhà còn đề tên và số điện thoại của Mai nữa nên Trang yên tâm, còn tự trách mình đa nghi với cả người nhà.
“Lúc đó, Mai bảo nó sợ nhà chưa bán được ngay nên tính cho thuê. Nếu cho thuê được nhà, tiền đó sẽ chia cho tôi một nửa”, chị Trang kể.
Dù mình năm lần bảy lượt nghi ngờ nhưng chẳng những cô em họ không hờn trách mà tỏ ra chơi khá đẹp làm chị Trang thấy hổ thẹn.
Tới khi số tiền Mai nợ Trang đã tới 1 năm, nhà vẫn chưa cho thuê được, Mai chỉ trả tiền lãi nhưng cũng không đều đặn nữa.
“Cách đây 1 tháng, người bà con đến nhà tôi rủ sang thăm con Mai nhà dì Bảy bị vỡ nợ hoá điên. Nghe tới đó tôi rụng rời chân tay. Mới gặp cách đây nửa tháng sao nó điên…nhanh thế.
Tôi sấp ngửa chạy sang nhà Mai gặp dì Bảy, bà dì phủi trách nhiệm, nói con bà đang bị điên, chuyện làm ăn của nó sao bà biết được”, chị Trang mếu máo.
Về nhà, chị Trang tự trách mình quá cả tin, ngu dốt. Căn nhà Mai nói mua được thực ra của người khác, sở dĩ trên biển cho thuê nhà có tên Mai vì Mai làm nghề môi giới bất động sản, chủ nhà nhờ tìm khách giao dịch giúp. Và cũng từ đó Mai có chìa khoá căn nhà, tiện việc đưa khách đi coi.
Điên cũng biết lựa "thời điểm vàng" để đầu thú?
Câu chuyện giả điên để trốn nợ không ít, nhưng trường hợp của bà D. 80 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM còn biết…chọn thời điểm điên, cao thủ hơn em họ chị Trang nhiều.
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyên Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.HCM đang bù đầu với ca giám định hết sức phức tạp này.
Cách đây 20 năm, bà D. liên quan đến một vụ vỡ nợ đường dây tín dụng. Thời điểm đó, số tiền vài trăm triệu rất lớn.
Bà D. điều hành mọi việc nhưng lại để cậu con trai đứng tên trong giao dịch nên khi vỡ lở, con trai bị đi tù, bà D. cũng liên đới, bị truy nã nhưng bỏ trốn.
Tự dưng, sau 20 năm bỗng nhiên bà D. ra đầu thú. Con trai của bà còn đưa ra một tờ giấy giám định cách nay vài năm có ghi bà D. bị rối loạn tâm thần.
Điều bác sĩ Quang muốn nhấn mạnh, bà D. quả là một cao thủ giả điên trốn án, bởi chọn lúc tròn 80 tuổi ra đầu thú, cái tuổi mà pháp luật miễn truy tố trách nhiệm hình sự.
Như vậy, bà D. vừa được thanh thản tuổi già, khỏi phải trốn chạy và cũng chẳng sợ bị tù tội nữa.
Từ đó cho thấy ranh giới giữa việc xác định một đối tượng điên hay không điên thật quá mong manh.
Với vụ việc của bà D., Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.HCM đã kết luận thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở để đánh giá bà D. bị tâm thần và chuyển cơ quan cấp cao hơn xử lý.
(*) Tên và địa chỉ nhân vật đã được thay đổi.
Theo Thanh Huyền (Vietnamnet)