Vỡ mộng, đắng cay vì vượt biên trái phép

02-11-2017 19:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Suốt cả tháng trời phải quần quật bốc đá, vác đất trên các công trường ở Campuchia, Thái Lan để đánh đổi lấy miếng ăn qua ngày rồi đổ bệnh kiệt quệ sức khỏe, quằn quại, khắc khoải đến rộc người trong nỗi cô đơn,

sợ hãi, vợ chồng Nay Treo ở buôn Trinh (xã Ia Hdreh, Krông Pa, Gia Lai) mới sực tỉnh vuốt những giọt nước mắt đắng cay nhận ra mình bị sập bẫy của những kẻ có lòng lang, dạ sói chứa ẩn sau những lời nói ngon ngọt. Như hồi chuông báo động, những nạn nhân như vợ chồng Nay Treo rất nhiều trên đất Gia Lai.

Kiệt sức nơi xứ người

Mấy tháng sau khi được chính quyền và người thân tiếp nhận trở về, anh Rah Lan Mlơi (ở buôn Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) vẫn chưa hết rùng mình thảng thốt. Mlơi cho biết: Cũng vì nghe bọn lừa phỉnh, nó bảo cứ sang Thái Lan sẽ được sung sướng, lao động nhẹ nhàng thôi. Nhưng rồi, phải lao động đến kiệt sức, ốm bệnh cũng không có bác sĩ đến chữa. Đang nằm bẹp rúm trong lo lắng thì Mlơi bị Cảnh sát Thái Lan lập biên bản vì nhập cư trái phép. Đầu tháng 5/2017, anh được chính quyền Việt Nam giúp đỡ hồi hương.

Trở về trong nợ nần và cơ cực.

Trở về trong nợ nần và cơ cực.

Từ ngày được chính quyền địa phương tiếp nhận trở về, vợ chồng Nay Treo vẫn còn ám ảnh mỗi khi nhớ lại chuyện cũ. Ngồi trên căn nhà gỗ, gió quất vào da khét lẹt, ánh mắt Treo vô định nhìn về phía đường biên giới tiếp giáp giữa Gia Lai với Campuchia chua chát: Có người tự giới thiệu là Ma Oanh ở đâu tận dưới Phú Yên, Oanh nói có hàng chục tập đoàn ở Campuchia, muốn đổi đời, muốn có tiền tỉ trong tay, muốn nhanh chóng thành đại gia thì gom góp tiền bạc, bán hết tài sản có giá trị để Oanh đưa sang biên giới gặp các ông chủ làm việc nhẹ nhàng và quanh năm đếm tiền”. Tin vào Oanh, vợ chồng Nay Treo hớn hở chuẩn bị mọi thứ và lên đường ngay trong đêm đen. Sau 5 ngày chui rừng, luồn suối sang đến Campuchia, vợ chồng Treo được đưa thẳng đến công trường xây dựng, phải bốc đá 10 tiếng/ngày mới được ăn cơm. Treo sợ hãi nhớ lại: Làm việc không khác gì nô lệ. Ốm cũng phải kêu mãi mới được cho mấy viên thuốc, nếu đòi tiền sẽ bị đánh đập ngay. Không được sử dụng các phương tiện liên lạc gì cả. Cứ như người rừng vậy đó, chẳng ai thân thích lại bất đồng ngôn ngữ nữa.

Cũng như Nay Treo, xòe bàn tay bầm giập vì bốc vác, vạch tấm lưng chi chít vết vắt cắn, ông Nay S ở buôn Ban (xã Krông Năng, huyện Krông Pa) thuật lại những tháng ngày đau khổ, tủi cực nơi xứ người mà cổ họng cứ nghẹn ứ. Ông bảo: Đang làm việc, sản xuất bình thường ở quê thì có hai đối tượng lạ từ đâu đến không biết. Nó xộc vào nhà phỉnh nịnh, cho mình uống rượu, cho mình ít tiền tiêu sau đó bảo muốn có nhà cửa lộng lẫy, tiền cất đầy tủ uống rượu quanh năm không hết thì cứ việc theo nó. Bán rẫy, bán bò đi lấy tiền đưa cho đối tượng lừa phỉnh rồi phải lén lút chui lủi bằng đường rừng, qua biên giới, ông S được đưa lên xe bán tải tối om chở đến các công trường làm việc 12 tiếng/ngày. Không làm thì bị bỏ đói. Cơ cực muôn phần nữa là H’Tuyết ở Đức Cơ đang làm công nhân có thu nhập ổn định nhưng nghĩ hốt được tiền nhanh chóng như các đối tượng lừa đảo rao giảng nên H’Tuyết bỏ lại tất cả vượt biên theo chỉ dẫn của đối tượng xấu sang Campuchia.

Chỉ thêm khốn khó và nợ nần

Sau những ngày tháng khốn khổ, bắt được liên lạc với một vài người Việt Nam lao động ở Campuchia, Nay Treo lần tìm được đường về biên giới rồi được chính quyền KRông Pa đón về, lo cho ổn định cuộc sống. Lúc này, hơn khi nào hết, Nay Treo mới thấm hiểu giá trị của sự yên bình và ấm cúng trên quê hương mình. Nay Treo bộc bạch rằng: Đúng là ảo mộng thành đại gia bên kia biên giới thì chỉ có nước còn nhúm da với xương thôi. Đã khốn khổ lại còn nợ nần chồng chất. Trước khi đi, chúng tôi phải bán đồ đạc, vay mượn đặt cọc cho đối tượng Oanh mấy trăm triệu, giờ không biết kẻ đó ở đâu, là ai. Coi như tiền của mất trắng. Giờ lại phải hùng hục làm lụng để kiếm tiền trả nợ dần thôi. Bài học về sự cả tin và ảo tưởng này đắt giá quá.

Chẳng khác gì Treo, ông Nay S cũng phải gồng gánh trên mình những khoản nợ từ chính những người thân quen của mình mà không biết bao giờ mới trả nổi. Trước khi theo các đối tượng lừa dụ vượt biên, ai cũng phải nộp tiền. Các đối tượng lừa đảo phán: Muốn có 2 tỉ/năm ở xứ người thì nộp 200 triệu, 1 tỉ thì nộp 50 - 100 triệu đồng. Ông Nay S ngậm ngùi cho biết, thôi thì thoát được cái thân, giữ được cái mạng sống mà về đây với vợ con, hàng xóm là mừng rồi. Cứ chăm chỉ làm ăn vất vả sẽ qua thôi, nợ nần trả dần dần vậy. Ở quê mình còn được Nhà nước, được chính quyền quan tâm, có họ hàng thân thích, bên kia nếu không may có ốm rục xương cũng chẳng ai biết đâu. Nhiều nạn nhân khác ở Đức Cơ, Chư Sê cũng như bị dội luồng nước lạnh, tỉnh táo hẳn ra cho biết: Đại gia đâu chả thấy, tiền tỉ đâu chả thấy, giờ mới thấm thía về những ảo vọng đổi đời. Chúng tôi mỗi người mắc nợ hàng trăm triệu đồng. Nếu không nhờ chính quyền giúp đỡ ổn định ban đầu thì chẳng biết phải chèo chống ra sao nữa. UBND xã Ia Hdreh khẳng định: Các cấp chính quyền không ai có chủ trương cho dân đi vượt biên lén lút cả. Tất cả chỉ là luận điệu của kẻ xấu. Âm mưu và thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi, đánh trực diện vào tâm lý người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Những người vượt biên thường đi theo đường tiểu ngạch ở cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ).

Ông Nay Mi - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ia Hdreh cho biết, đến nay, Đảng ủy xã, UBND xã đã cử nhiều tổ công tác đến từng nhà dân tuyên truyền. Các cơ quan chức năng huyện Krông Pa đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn người dân không nghe theo, làm theo lời kẻ xấu xúi giục. Đặc biệt, Huyện ủy cũng đã vào cuộc và đưa ra nhiều kế hoạch hướng dẫn các xã. Đối với những người từng vượt biên rồi trở về tiếp tục được kèm cặp, giáo dục, nâng cao nhận thức đồng thời hướng dẫn cách làm ăn, để họ gây dựng lại cuộc sống


Bài và ảnh ĐÔNG HƯNG
Ý kiến của bạn