“Vỡ mật” vì cây mật nhân

03-09-2011 14:10 | Tin nóng y tế
google news

Chỉ với tin đồn cây mật nhân chữa bách bệnh, nhiều thương lái từ TP. Hồ Chí Minh ra, Hà Nội, Đà Nẵng… vào đẩy giá lên cao khiến nhiều người dân ở huyện Kbang, Chư Pah (Gia Lai) và một số vùng giáp ranh với tỉnh Kon Tum đã bỏ nhà, bỏ việc để vào rừng săn tìm mật nhân.

Chỉ với tin đồn cây mật nhân chữa bách bệnh, nhiều thương lái từ TP. Hồ Chí Minh ra, Hà Nội, Đà Nẵng… vào đẩy giá lên cao khiến nhiều người dân ở huyện Kbang, Chư Pah (Gia Lai) và một số vùng giáp ranh với  tỉnh Kon Tum đã bỏ nhà, bỏ việc để vào rừng săn tìm mật nhân.

Mật nhân từ rừng xuống phố

Trời chập choạng tối, chiếc xe máy vẫn còn nhuộm một màu đỏ của bụi đất, vợ chồng anh Lưu Trung Thống ở huyện Chư Pah đèo nhau từ rừng đi về, phía sau xe cột một bao to có nhiều gốc cây mật nhân. Nghe tiếng gọi của chúng tôi, anh Thống rà xe nhưng chưa vội dừng lại. Một lúc sau, anh mới quay lại, dừng xe. Trước mắt chúng tôi là bao gốc cây mật nhân, giá từ 50 ngàn đồng đến đến 100 ngàn đồng/kg, tùy theo độ tuổi của cây. Cây mật nhân càng già, củ càng to thì giá bán càng cao

Cũng theo anh Thống, ngày trước rừng ở đây rất nhiều cây mật nhân sống, bà con làm ruộng, làm rẫy đào bỏ hết mà cũng chẳng thấy ai đi mua. Chỉ thời gian gần đây, nhiều người từ ngoài Bắc vào, trong Nam ra đi săn tìm và mua với giá cao, lúc đó người dân ở đây mới đi đào bới về đem bán. Thời gian đầu, trung bình một ngày hai vợ chồng cũng kiếm được từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng nhưng nay số lượng mật nhân ít, vào tận rừng sâu tìm mới có và số lượng người đi tìm cũng nhiều lên.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Cây mật nhân chỉ mọc rải rác trên núi cao. Mật nhân ra hoa từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm. Nếu gặp vùng đất tốt, cây mật nhân cao khoảng 3,5 mét, có 2 nhánh vươn lên như hình chữ V, lá kép, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng mốc, cuống lá màu nâu đỏ, hoa mọc ra từ ngọn thành chùm, bao phủ đầy lông, còn những khu rừng đất cằn cỗi thì mật nhân chỉ cao chừng 2 mét. Thân cây và cả củ, rễ đều chắc, cứng như cây kơ nia. Những cây nhiều năm tuổi, củ nặng tới 10-15kg, theo kinh nghiệm dân gian và thực tế điều trị thì củ và cây mật nhân đã mang lại hiệu quả đối với một số bệnh như: Sốt rét, gai cột sống, viêm khớp, chân tay tê nhức...

 Bỏ việc, bỏ nhà vào rừng kiếm sống.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”

Trên đường Hai Bà Trưng và một số điểm ở đường Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku) cũng có rất nhiều người dân từ huyện Kbang, Chư Pah mang cây mật nhân lên bán. Trao đổi với chúng tôi, anh Đinh Dơh, ở Kbang (người đem mật nhân đến bán) cho biết: “Năm nay hạn quá, gia đình mình trồng được 5 sào lúa đã bị khô héo và thất thu. Ở nhà không biết làm gì nên mình cùng với bà con trong làng vào rừng tìm cây mật nhân đào đem về bán. Đi rừng vất vả lắm, không gặp được cây thì buồn, mà có cây rồi đào được một gốc cũng mất 3 giờ đồng hồ. Thằng Dinh khỏe như con trâu rừng mà một ngày cũng chỉ đào được 4 cây. Nói rồi anh đưa hai bàn tay ra chỉ cho chúng tôi nhiều vết sẹo, vết xước và nhiều chỗ còn phồng rộp”

Tôi hỏi: Tại sao bà con không ở nhà trồng lúa, trồng bắp, mà lại rủ nhau đi đào cây phá rừng?

Nhìn chúng tôi như người có lỗi, anh Dơh thổ lộ: “Biết bỏ ruộng, bỏ cây trồng vào rừng đào phá cây là sai nhưng bà con mình còn khổ lắm. Làm ruộng chỉ kiếm được cái ăn đã khó, nói chi đến có tiền để cưới vợ cho con, làm ma, bỏ mả cho mẹ, cho cha…”.

- Thế có ai ngăn cản việc bà con mình đi đào phá cây rừng không?- tôi lại hỏi.

- Không có đâu!

Cũng theo anh Dơh, theo kinh nghiệm của những người đi rừng, mật nhân thường có ở các khu rừng có nhiều chim bìm bịp sinh sống, bởi bìm bịp rất thích ăn quả mật nhân. Đến đó vừa đào cây mật nhân, vừa bẫy chim bìm bịp nhưng nghiệt nỗi các vùng rừng này cũng rất nhiều rắn độc cắn người.

Đặc biệt, có người đi tìm lần đầu chưa biết, lấy cây rừng có loại giống cây mật nhân, thân gỗ trắng nhưng chỉ là cây rừng cùng họ, nên ai mua nhầm uống phải rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Hôm trước ở huyện Mang Yang có gia đình ngâm rượu mật nhân nhưng nhầm cây khác, khi uống vào bị ngộ độc 4 người phải đi cấp cứu.

 …Để bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn còn sót lại, đặc biệt là nguồn dược liệu quý như cây mật nhân, các cơ quan chức năng cần có một kết luận khoa học và có kế hoạch bảo tồn, trồng, khai thác, chế biến hợp lý mới có thể phát huy hết giá trị nguồn dược liệu quý hiếm này trong chăm sóc sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên vận động người dân không nên vì nguồn lợi trước mắt mà đổ xô vào rừng, bỏ bê sản xuất.

Bài và ảnh:Quang Dũng


Ý kiến của bạn