Vô kinh

14-03-2016 08:21 | Đời sống
google news

SKĐS - Vô kinh là tình trạng hoàn toàn không có kinh nguyệt ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Vô kinh được chia làm hai loại: vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát.

Vô kinh là gì?

Vô kinh nguyên phát được chẩn đoán khi bệnh nhân đến 16 tuổi nhưng chưa có chu kỳ kinh nguyệt nào dù có hay không có các đặc tính sinh dục thứ phát. Tần suất vô kinh nguyên phát khoảng 1%.

Vô kinh thứ phát được định nghĩa là sự biến mất của kinh nguyệt trong 3 chu kỳ liên tiếp hay trong 6 tháng liên tục ở những phụ nữ đã từng có kinh nguyệt. Tần suất vô kinh thứ phát khoảng 0,7%.

Nguyên nhân dẫn đến vô kinh nguyên phát

Vô kinh nguyên phát được chia thành hai nhóm nguyên nhân rõ ràng là có đặc tính sinh dục thứ phát và không có đặc tính sinh dục thứ phát. Đặc tính sinh dục thứ phát chính là vú và lông mu.

Một bệnh nhân vô kinh nguyên phát mà có đặc tính sinh dục thứ phát thì nguyên nhân vô kinh là gì?

Một bệnh nhân vô kinh thứ phát mà có sự phát triển của đặc tính sinh dục thứ phát mà không có tử cung thì có hai nguyên nhân có thể xảy ra là hội chứng không nhạy cảm với androgen hoặc là hội chứng Mayer Rokitansky Kuster hauser (hội chứng MRKH).

Bệnh nhân mắc hội chứng không nhạy cảm với androgen là do bị đột biến gen quy định thụ thể của androgen nằm trên nhiễm sắc thể (NST) X dẫn đến hậu quả không thể nam hóa cơ quan sinh dục trong thời kỳ bào thai. Từ đây dẫn đến mặc dù bệnh nhân mang bộ NST XY nhưng bộ phận sinh dục ngoài là nữ hoặc không rõ là nam hay nữ, còn tinh hoàn thì nằm bên trong cơ thể. Những bệnh nhân này nên được phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn vì có nguy cơ cao ác tính hóa tinh hoàn trong ổ bụng. Sau khi cắt tinh hoàn bệnh nhân sẽ được bổ sung estrogen để hỗ trợ sự phát triển trong tuổi dậy thì.

Bệnh nhân có hội chứng MRHK có đặc tính sinh dục thứ phát bình thường, bộ phận sinh dục ngoài bình thường, có bộ NST là 46 XX và có hai buồng trứng. Tuy nhiên không có âm đạo hoặc âm đạo rất nông. Điều trị đối với bệnh nhân này là phẫu thuật tạo hình một âm đạo giả khi bệnh nhân có nhu cầu quan hệ tình dục.

Nếu một bệnh nhân vô kinh thứ phát mà có sự phát triển của đặc tính sinh dục thứ phát và có tử cung bình thường thì nguyên nhân vô kinh là do tắc nghẽn đường ra của kinh nguyệt (màng trinh không thủng, màng ngăn ngang âm đạo). Điều trị nguyên nhân này đơn giản chỉ là phẫu thuật để giải phóng tắc nghẽn: cắt vách ngăn, mở màng trinh.

Bệnh nhân vô kinh nguyên phát mà không có đặc tính sinh dục thứ phát thì nguyên nhân vô kinh là gì?

Chẩn đoán vô kinh trong trường hợp này chủ yếu dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng và nhiễm sắc thể đồ. Nguyên nhân thường gặp nhất trong nhóm này là suy hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng. Đây là một hội chứng do thiếu kích thích của hormon GnRH từ vùng hạ đồi dẫn đến giảm chế tiết hormon từ tuyến yên (FSH, LH), kết quả làm buồng trứng giảm hay mất chức năng chế tiết hormon sinh dục, mất chức năng phát triển nang noãn và phóng noãn. Hội chứng này chiếm tỷ lệ 1/8000 trẻ được sinh ra. Hội chứng suy hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng kèm theo mất hoặc giảm khứu giác thì được gọi là hội chứng Kallman.

Hội chứng Turner là một trong những bất thường NST thường gặp khoảng 1/2000 bé gái được sinh ra. Bộ NST của bệnh nhân này là 45XO và họ vô kinh bởi vì tuyến sinh dục được thay thế bởi các dải xơ không chứa nang noãn.

Suy buồng trứng sớm: là một bất thường buồng trứng khiến cho bệnh nhân không dậy thì mặc dù họ vẫn có tử cung, vòi trứng, âm đạo như người bình thường. Khoảng 50% các trường hợp vô kinh nguyên phát do suy buồng trứng sớm là bất sản buồng trứng, còn lại do bệnh tự miễn, hóa chất trị liệu, phóng xạ… Chẩn đoán dựa trên xét nghiệm estrogen và inhibin thấp còn FSH và LH rất cao. Để hạn chế những hậu quả do thiếu hụt nội tiết gây ra, bệnh nhân nên được bổ sung estrogen/progestin và giải pháp duy nhất để điều trị vô sinh trong trường hợp này là xin trứng.

Nguyên nhân vô kinh thứ phát

Sau khi loại trừ nguyên nhân vô kinh do có thai thì nguyên nhân vô kinh thứ phát có thể do suy giáp, tăng prolactin máu, hay một số nguyên nhân khác.

Suy giáp: bệnh nhân suy giáp thường hay mệt mỏi, trầm cảm, táo bón, vô kinh. Khi định lượng hormon tuyến giáp trong máu thấy giảm nhiều (T3,T4) và TSH máu tăng cao.

Tăng prolactin máu: là một rối loạn nội tiết thường gặp của vùng hạ đồi-tuyến yên. Tăng prolactin máu gây tiết sữa, kinh thưa hoặc vô kinh, vô sinh. Những bệnh nhân vô kinh có prolactin máu trên 100 ng/ml nên được chỉ định chẩn đoán hình ảnh để loại trừ u tuyến yên. Điều trị u micoadenoma tuyến yên có thể sử dụng thuốc đồng vận dopamin. Điều trị tăng prolactin máu bằng bromocriptine hoặc carbegoline mang lại hiệu quả tốt. U tuyến yên macroadenomas có thể điều trị bằng thuốc (chất đồng vận agonist) hoặc phẫu thuật cắt bỏ.

Các nguyên nhân vô kinh thứ phát khác: hai nguyên nhân thường gặp nhất của nhóm bệnh nhân này là tắc nghẽn đường ra của kinh nguyệt và hội chứng buồng trứng đa nang.

Bệnh nhân có tắc nghẽn đường ra kinh nguyệt thứ phát thường do có tiền sử nạo buồng tử cung, sau phẫu thuật bóc u xơ tử cung, mổ lấy thai dẫn đến dính buồng tử cung, dính lỗ trong cổ tử cung. Để chẩn đoán nguyên nhân này chúng ta có thể chụp cản quang tử cung - vòi trứng.  Tùy theo mức độ tổn thương, có thể điều trị bằng cách tách dính buồng tử cung hay kênh cổ tử cung qua nội soi.

Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh lý rối loạn nội tiết hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Là một nguyên nhân phổ biến gây vô sinh do không phóng noãn. Triệu chứng cơ bản bao gồm: thiểu kinh hoặc vô kinh, cường androgen và hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. Việc vô kinh hay thiểu kinh ở bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang có thể bắt đầu xuất hiện sớm ở tuổi dậy thì. Điều trị hội chứng này bao gồm điều trị vô sinh và điều trị các triệu chứng do cường androgen gây nên: béo phì, rậm lông, đái tháo đường, nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra thuốc tránh thai kết hợp dạng viên giúp duy trì nội mạc tử cung và những chu kỳ kinh đều đặn cho bệnh nhân.

Bệnh nhân có suy hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng thứ phát thường trước đấy có kinh nguyệt bình thường, các nội tiết sinh dục bình thường. Nhưng sau đấy trở nên vô kinh, giảm chế tiết GnRH dẫn đến giảm nồng độ FSH, LH và estrogen trong máu. Nhiều giả thuyết cho rằng nguyên nhân của vấn đề này là do giảm cân, tập luyện quá sức hay quá căng thẳng. Vậy nên theo Mitan (2004) thì những bệnh nhân này nếu có chế độ thư giãn và có cân nặng hợp lý thì kinh nguyệt lại trở về đều đặn như bình thường. Còn nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến những nguy hại cho sức khỏe như: loãng xương, bệnh lý tim mạch, bốc hỏa… trong trường hợp này viên thuốc tránh thai kết hợp và bổ sung canxi sẽ giúp bệnh nhân giảm đi được những triệu chứng trên.

Tóm lại, vô kinh là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy nên nếu một người phụ nữ mà có dấu hiệu vô kinh thì nên đến các cơ sở chuyên khoa về sản phụ khoa để được thăm khám và được chẩn đoán đúng nguyên nhân. Từ đó giúp điều trị hiệu quả không chỉ với rối loạn kinh nguyệt của bệnh nhân mà còn các vấn đề sức khỏe khác có liên quan như mong muốn như có thai, loãng xương…


TS. Vũ Văn Du – ThS. Nguyễn Bá Thiết
Ý kiến của bạn