Tái hiện trang sử đau thương
Công lý không gục ngã do Lê Chí Trung viết kịch bản, đạo diễn là NSND đã ở tuổi 80, Doãn Hoàng Giang. Nội dung Công lý không gục ngã tái hiện một thời khắc lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân hóa xã hội ở kinh thành Thăng Long giai đoạn cuối trào của phủ Chúa Trịnh .
Tại vở diễn Công lý không gục ngã, chúa Trịnh Sâm được tái hiện khi đã lâm trọng bệnh, không nghe can gián của mẹ và các quan đại thần. Chúa si mê sắc đẹp của tuyên phi Đặng Thị Huệ và giao hết quyền hành cho người đàn bà đầy tham vọng. Chua xót hơn, chúa Trịnh Sâm ép gả con gái - công chúa Ngọc Lan cho Đặng Mậu Lân (nghệ sĩ Quang Ánh thủ vai) vốn là kẻ vô học đểu cáng nhưng là em trai tuyên phi Đặng Thị Huệ. Đặng Mậu Lân tự xưng là “cậu trời”, ỷ thế cường quyền dòng họ nên coi trời bằng vung, cưỡng bức dân lành, cướp đất đai của người nghèo…
Mở màn bằng tiếng chuông réo rắt, những âm thanh cuộn đầy bão giông, vở kịch đã kéo khán giả bước vào phố phường Thăng Long toàn khổ đau do Ðặng Mậu Lân gieo rắc. Đó là cảnh Đặng Mậu Lân cùng toán binh lính đi khắp đường phố, bắt các cô gái trẻ để cưỡng hiếp mua vui. Khi bắt được người phụ nữ trẻ đẹp dù đã có chồng, Đặng Mậu Lân dở thói đồi bại khi cho quân lính kéo tấm màn bao quanh để cưỡng hiếp ngay trên phố. Thậm chí vì chống cự, người phụ nữ bị cưỡng hiếp bị Đặng Mậu Lân cắt tai, cắt ngực…trước sự chứng kiến của chồng.
Bên cạnh đó, vở kịch còn có cảnh Đặng Mậu Lân dùng kiếm đâm chết vị tướng do chúa Trịnh Sâm phái đến bảo vệ công chúa Ngọc Lan. Tuy nhiên, giết người xong, Đặng Mậu Lân đã không dám nhận tội ác, y đổi trắng thay đen bằng cách cho binh lính loan tin vị tướng bảo vệ công chúa Ngọc Lan do say rượu lao vào mũi kiếm mà chết. Tới khi Đặng Mậu Lân bị bắt, để bảo vệ em trai, tuyên phi Đặng Thị Huệ ra lệnh cho thuộc hạ, nếu phát hiện người dân đi đánh trống kêu oan và tố cáo tội ác Đặng Mậu Lân thì cho “xử tử” ngay lập tức. Nhiều dân đen đã tìm cách đánh trống kêu oan nhưng bất thành vì binh lính của tuyên phi Đặng Thị Huệ xuống tay đầy tàn ác…
Có thể nói, Công lý không gục ngã đã tái hiện một lát cắt đầy đau thương, về cuộc tranh giành quyền lực giữa phe Trịnh Tông và phe Trịnh Cán trong phủ chúa ở thời điểm chúa Trịnh Sâm mang bệnh nặng những năm cuối thế kỷ 18. Vở diễn cho thấy kinh thành Thăng Long thời cuối của chúa Trịnh Sâm đầy loạn lạc, ngập tràn oan ức, công lý lung lay trước cường quyền, kỷ cương phép nước trong triều chính chao đảo nhiễu nhương…
Công lý thực thi, thông điệp thời đại
Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử cái ác nổi lên ấy, may mắn lại có sự xuất hiện danh sĩ Ngô Thì Nhậm. Trong Công lý không gục ngã, quan thị lang Ngô Thì Nhậm xuất hiện với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp nhất. Đây cũng là vở diễn lần đầu tiên kể về Ngô Thì Nhậm trước vụ án “cậu giời” Ðặng Mậu Lân. Khi Đặng Mậu Lân bị bắt, chúa Trịnh Sâm dù lâm trọng bệnh nhưng vẫn tin tưởng giao cho quan thị lang Ngô Thì Nhậm (NSƯT Bùi Như Lai thủ vai) điều tra, xét xử vụ án. Ngô Thì Nhậm gần như đơn độc trước những mưu đồ chính trị giành giật vương quyền của các phe phái nơi phủ chúa, ông đau đớn nhìn cảnh dân lầm than...
Ngô Thì Nhậm lắng nghe những nỗi oan khuất của dân lành và khi người dân cung cấp đủ chứng cứ kết tội tày trời của Đặng Mậu Lân, vị quan thị lang cương quyết xử tử “cậu trời” bất chấp mọi áp lực từ phía tuyên phi Đặng Thị Huệ. Trước khi tuyên phi đến giải cứu Đặng Mậu Lân, tình thế hiểm nguy và cấp bách nhưng Ngô Thì Nhậm vẫn ra lệnh đem “cậu trời” ra pháp trường treo cổ bởi tội ác mà y gây ra trong sự chứng kiến của nhân dân. Hành động đó đã trả lời cho chính câu hỏi của Ngô Thì Nhậm tự đặt ra trước đó: “Dân chúng trông cậy vào pháp luật và công lý. Vậy mà công lý cúi đầu thì dân lành biết trông cậy vào đâu?”. Hình ảnh nhân vật Ngô Thì Nhậm trong vở diễn vì thế hiện lên đầy ấn tượng, thể hiện cho khí phách của một vị quan liêm chính, quyết tìm lại công bằng và đẩy lùi cái ác.
Một chi tiết cũng đầy tính nhân văn trong Công lý không gục ngã, trước lúc chúa Trịnh Sâm băng hà, tuyên phi Ðặng Thị Huệ đã bật khóc nức nở, người sai quân lính tìm mọi cách cứu chúa dù khi ấy người phụ này còn ấp ủ mưu đồ tranh quyền đoạt vị. Điều đó cho thấy sự đau đớn, bối rối của tuyên phi Đặng Thị Huệ giữa tình yêu chúa và ngôi vương cho con trai. Hình ảnh đó đã chạm vào cảm xúc của người xem và khắc họa một con người khác đầy tình cảm của tuyên phi Đặng Thị Huệ.
Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - chủ nhiệm vở Công lý không gục ngã cho biết, đây là tác phẩm với các mạch truyện gửi gắm những bài học đáng suy ngẫm rút ra từ quá khứ, nhưng vẫn phù hợp với thời nay, khẳng định một thông điệp lịch sử còn lưu lại cho hậu thế về niềm tin vào sự chiến thắng của công lý. NSƯT Bùi Như Lai cũng cho rằng, điều đặc biệt của vở diễn là công lý đã được miêu tả rõ nét thông qua sức mạnh của một kẻ sĩ đất Thăng Long là Ngô Thì Nhậm chứ không phải một võ tướng, một con người mạnh mẽ nào khác. “Qua vở diễn, chúng tôi mong muốn tầng lớp tri thức hiện nay và mai sau có tiếng nói, có cái nhìn sâu sắc, gần gũi với người dân hơn nữa để thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ để công lý luôn được thực thi” – NSƯT Bùi Như Lai bày tỏ.
Sau buổi ra mắt Hội đồng kiểm duyệt Cục nghệ thuật biểu diễn, vở kịch Công lý không gục ngã sẽ chính thức công diễn phục vụ khán giả từ 24/5 tại rạp Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội). Sau đó, Công lý không gục ngã sẽ tham dự Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 6/2015.
Bài và ảnh: Hoa Quỳnh