Trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nguy cơ nhiễm khuẩn cũng có thể xảy ra; vì vậy các cơ sở y tế cũng như sản phụ và người bệnh cần biết rõ các nguyên tắc vô khuẩn để cùng phối hợp thực hiện.
Trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, việc vô khuẩn phải bảo đảm những nguyên tắc cần thiết đối với các vấn đề liên quan như: thực hiện môi trường sạch ở các phòng kỹ thuật, vệ sinh tốt ở sản phụ và người bệnh sử dụng dịch vụ chăm sóc, chống nhiễm khuẩn từ nhân viên y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc, tiệt trùng các dụng cụ và phương tiện sử dụng trong thủ thuật, phẫu thuật.
Thực hiện môi trường sạch ở các phòng kỹ thuật
Tại các cơ sở y tế thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, các phòng kỹ thuật phải được ưu tiên bố trí, sắp xếp ở những nơi sạch sẽ, khô ráo, xa các nơi dễ bị lây nhiễm nguồn bệnh như nhà bếp, nhà vệ sinh công cộng, khoa truyền nhiễm...
Phòng kỹ thuật phải có nền nhà và tường vách không thấm nước để có thể cọ rửa được bằng nước và xà phòng, có hệ thống kín dẫn nước thải; để bảo đảm sự thoáng mát, không nên dùng quạt trần mà nên dùng quạt bàn hoặc lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ; các cửa sổ phải lắp kính, cao hơn sàn nhà khoảng 1,5m, nếu không có cửa kính phải dùng cửa có lưới hoặc treo màn để tránh ruồi muỗi bay vào phòng.
Những lúc không thực hiện kỹ thuật, phòng phải được đóng kín cửa và không ai được ra vào; tuyệt đối không được làm những công việc khác trong phòng kỹ thuật. Sau mỗi trường hợp thực hiện thủ thuật, phải thay tấm lót bàn thủ thuật, lau chùi sạch sẽ tấm trải bàn rồi mới được sử dụng tiếp. Đối với phòng phẫu thuật, tất cả mọi dụng cụ, đồ vật trong phòng phải luôn sạch sẽ và tiến hành lau chùi thường xuyên.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cần bảo đảm nguyên tác vô khuẩn theo đúng quy trình quy định
Vệ sinh tốt ở sản phụ và người bệnh
Sản phụ và người bệnh được xem là người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, vì vậy trước và sau khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật sản phụ và người bệnh phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm vô trùng.
Trước khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật; phải hướng dẫn sản phụ và người bệnh tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo sạch; đi tiểu hết nước tiểu hoặc làm rỗng bàng quang. Nhân viên y tế phải kiểm tra lại một lần nữa trước khi phẫu thuật để xem vùng sắp thực hiện phẫu thuật có bị tổn thương với vết trầy xước, mụn, nhọt, ghẻ, có ổ nhiễm khuẩn hay không; nếu có, nên hoãn cuộc phẫu thuật, ngoại trừ các trường hợp cấp cứu. Vùng sắp phẫu thuật phải được rửa sạch, bôi thuốc sát khuẩn da, niêm mạc với dung dịch i ốt hữu cơ 10%.
Sau khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật; hướng dẫn sản phụ và người bệnh phải mặc quần áo sạch, phải giữ vết mổ sạch và khô; nếu tắm rửa phải tránh làm ướt vết mổ. Nếu theo dõi thấy băng vết mổ khô, sạch, không có máu, không nên thay băng hàng ngày; đến ngày cắt chỉ thường là 5 đến 7 ngày sau phẫu thuật sẽ vừa cắt chỉ vừa thay băng.
Chống nhiễm khuẩn từ nhân viên y tế
Để bảo đảm sự vô trùng và chống tình trạng nhiễm khuẩn từ nhân viên y tế được xem là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; các biện pháp phòng ngừa cũng cần được lưu ý như: Giày dép của nhân viên y tế phải để ở ngoài phòng kỹ thuật, chỉ được sử dụng dép riêng của phòng kỹ thuật. Mũ phải đội kín không được để lộ tóc ra bên ngoài, khẩu trang phải che kín mũi. Nhân viên y tế đang mắc bệnh nhiễm khuẩn không được phục vụ trong phòng kỹ thuật. Phải thay áo phẫu thuật, găng tay, khẩu trang sau mỗi trường hợp phẫu thuật.
Người phẫu thuật viên, người phụ mổ phải cắt ngắn móng tay, tháo nhẫn, vòng tay; đội mũ, đeo khẩu trang vô khuẩn. Rửa tay theo đúng quy trình rồi mặc áo choàng phẫu thuật. Cần lưu ý việc rửa tay theo quy trình là một vấn đề rất quan trọng trong chống nhiễm khuẩn khi thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Việc sử dụng găng tay cũng phải bảo đảm nguyên tắc như: Tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đều cần sử dụng găng tay vô khuẩn. Hầu hết găng tay vô khuẩn hiện nay sử dụng một lần, nếu sử dụng găng tay dùng lại cũng phải qua thao tác vô khuẩn và chỉ nên dùng để lau rửa dụng cụ hoặc vệ sinh cơ thể cho người bệnh. Trước khi mang găng tay phải rửa tay sạch theo quy định thường quy hay phẫu thuật, lau khô tay bằng khăn sạch nếu rửa tay thường quy hay khăn vô khuẩn nếu rửa tay phẫu thuật.
Khi mang găng tay vô khuẩn để phẫu thuật, đỡ đẻ... dù tay đã rửa sạch vẫn không được để ngón tay chạm vào mặt ngoài là mặt sẽ sử dụng của găng tay, phải thực hiện đúng nguyên tắc “tay chạm tay, găng chạm găng”.
Tiệt trùng dụng cụ và phương tiện sử dụng trong thủ thuật, phẫu thuật
Lưu ý các loại dụng cụ và phương tiện sử dụng trong thủ thuật, phẫu thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản cần phải được tiệt trùng theo đúng quy định để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Các thiết bị như bàn phẫu thuật, bàn sinh đẻ... phải được làm vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần thực hiện thủ thuật bằng cách cọ rửa, lau sạch máu và dịch, sau đó lau lại bằng khăn với dung dịch sát khuẩn như dung dịch chlorine 0,5%, glutaraldehyd 2%; cuối cùng lau lại bằng nước sạch; hàng tuần phải rửa bằng xà phòng và nước sạch rồi tiếp tục các bước tiếp theo; trường hợp bàn khám phụ khoa ở các bệnh viện do số lượng khám nhiều nên phải được thực hiện vệ sinh sạch sẽ hàng ngày theo quy trình quy định nêu trên; đồng thời phải thay khăn trải bàn sau mỗi lần thực hiện thủ thuật.
Các dụng cụ bằng chất liệu kim loại, cao su, nhựa, vải, thủy tinh... phải được tiệt khuẩn theo quy trình vô khuẩn đối với từng loại dụng cụ. Các loại dụng cụ, phương tiện phòng tránh thai như dụng cụ tử cung, thuốc tránh thai, que cấy tránh thai phải được bảo quản trong bao bì vô khuẩn do nhà sản xuất thực hiện theo quy định; khi phát hiện bao bì bị rách, thủng, không còn nguyên vẹn, không được sử dụng.
Quy trình vô khuẩn dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản
Quy trình vô khuẩn dụng cụ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bao gồm: khử nhiễm dụng cụ, làm sạch dụng cụ, khử khuẩn mức độ cao và tiệt khuẩn.
Trong khi rửa, nhân viên rửa dụng cụ cần mang găng tay cao su và đeo khẩu trang, đeo kính bảo vệ mắt, đi ủng và mặc tạp dề để tránh lây nhiễm; dùng bàn chải và xà phòng đánh sạch dụng cụ cho hết máu và tổ chức cơ thể bám lại trên dụng cụ. Cọ sạch các nơi dễ bám bẩn như răng, khe của dụng cụ; sau đó rửa sạch xà phòng và lau khô bằng khăn sạch; cọ rửa dụng cụ dưới vòi nước chảy có tác dụng hiệu quả hơn cọ rửa trong chậu nước. Yêu cầu của giai đoạn này là máu, mủ và các mô bám vào dụng cụ như nhau thai, mỡ, cơ... không còn dính lại trên dụng cụ.
Khử khuẩn mức độ cao được thực hiện bằng hai cách là luộc dụng cụ và dùng hóa chất.
Khử khuẩn mức độ cao bằng luộc dụng cụ thường sử dụng thiết bị hộp luộc dụng cụ bằng kim loại có nắp đậy kín, đủ lớn để chứa dụng cụ, dưới hộp có hệ thống bếp điện hoặc sử dụng một bếp đun riêng dùng bằng điện, ga hoặc dầu; yêu cầu của phương pháp này là dụng cụ đã rửa sạch cho vào hộp luộc, đổ nước sạch vào hộp sao cho ngập hết các dụng cụ; khi nước sôi, nên duy trì trong khoảng thời gian 20 phút, sau đó vớt dụng cụ ra và dùng ngay không được để lâu.
Tiệt khuẩn có thể thực hiện bằng các phương pháp như hấp ướt áp lực cao, sấy khô, dùng hóa chất. Tiệt khuẩn bằng hấp ướt áp lực cao là phương pháp tiệt khuẩn dùng cho tất cả các loại dụng cụ y tế trừ đồ nhựa như bơm và ống hút thai, ống thông...; đồ vải và đồ cao su phải hấp riêng vì nhiệt độ, áp suất, thời gian hấp hai loại này khác nhau; có thể dùng thiết bị nồi hấp ướt áp lực các loại tùy theo điều kiện của cơ sở nhưng yêu cầu khi nhiệt độ hấp lên đến 1210C với áp lực 1,2 kg/cm2, dụng cụ đóng gói phải duy trì nhiệt độ như vậy trong thời gian 30 phút; đối với dụng cụ không đóng gói chỉ cần duy trì trong thời gian 20 phút.
Tiệt khuẩn bằng sấy khô là phương pháp tiệt khuẩn chỉ dùng cho các dụng cụ y tế bằng kim loại, thiết bị sử dụng là tủ sấy khô; yêu cầu thực hiện khi sấy là nếu nhiệt độ 170oC phải duy trì sấy trong thời gian 60 phút, nếu nhiệt độ 160oC phải duy trì trong thời gian 120 phút.
Cách kiểm tra dụng cụ hấp, sấy đã đạt được nhiệt độ cần thiết hay chưa được thực hiện bằng cách: trước khi hấp, sấy dán một giấy báo hiệu an toàn màu thường có màu trắng vào hộp hay gói đồ; sau khi đã hấp, sấy xong nếu giấy báo hiệu đó đổi thành màu đen là dụng cụ hấp, sấy đạt được yêu cầu về nhiệt độ; dụng cụ sau khi được hấp, sấy xong phải dán nhãn ghi rõ ngày và tên của nhân viên hấp, sấy vào nắp hộp hoặc gói đồ.
Bảo quản dụng cụ đã vô khuẩn ở nơi sạch sẽ, khô ráo, có cửa đóng kín; có giá, kệ và tủ đựng dụng cụ; có sổ sách ghi chép tên dụng cụ, ngày xử lý vô khuẩn, ngày nhập và xuất dụng cụ, chú ý nguyên tắc nhập trước thì xuất trước; không được để lẫn dụng cụ đã tiệt khuẩn với dụng cụ chưa tiệt khuẩn.
Về thời gian bảo quản: không bảo quản những dụng cụ tiệt khuẩn mà không đóng gói vì loại này cần phải sử dụng ngay sau khi tiệt khuẩn; dụng cụ đã khử khuẩn cao chỉ được sử dụng trong thời gian 3 ngày, riêng dụng cụ luộc chỉ dùng trong vòng 24 giờ; những dụng cụ tiệt khuẩn được đóng gói hoặc đặt trong hộp tiệt khuẩn được bảo quản trong thời gian 1 tuần, sau 1 tuần nếu chưa dùng cần phải được hấp, sấy lại; những hộp dụng cụ đã mở ra dùng nếu dụng cụ bên trong chưa dùng hết sau 24 giờ phải đưa đi hấp, sấy lại; khi vận chuyển dụng cụ đã tiệt khuẩn từ nơi bảo quản đến phòng thủ thuật, phẫu thuật phải được che đậy kỹ để tránh nhiễm bẩn.