Vỡ hụi và những hệ lụy

25-07-2013 14:14 | Pháp luật

Gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ vỡ hụi từ các tỉnh miền núi cho đến đồng bằng. Nhiều đồng tiền mồ hôi nước mắt của bà con dân tộc dành dụm được hàng chục năm hay của các tiểu thương quanh năm ngoài chợ bỗng chốc bị mất trắng.

Gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ vỡ hụi từ các tỉnh miền núi cho đến đồng bằng. Nhiều đồng tiền mồ hôi nước mắt của bà con dân tộc dành dụm được hàng chục năm hay của các tiểu thương quanh năm ngoài chợ bỗng chốc bị mất trắng.

Sốc nặng do vỡ hụi

Thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên trở nên đìu hiu, u ám sau vụ vỡ hụi gây chấn động cả huyện và tỉnh. Nhiều gia đình tan nát vì chồng giấu vợ, vợ trốn chồng lặng lẽ cắm sổ đỏ, thế chấp nhà cửa vay nợ ngân hàng để dồn tiền đi theo “con ma hụi”. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là vụ vỡ hụi lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên khiến hàng trăm người dân rơi vào cảnh bần cùng, khó khăn chồng chất. Ông Lý Nụ Phình - Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Theo điều tra, ở huyện Mường Chà có 3 điểm tổ chức chơi phường, hụi chính, hàng trăm phường, hụi lớn nhỏ với hàng trăm người tham gia; trong đó có khoảng 20 – 30% là cán bộ công chức, còn lại chủ yếu là tiểu thương kinh doanh buôn bán. Khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra, cả 3 phường hụi chính đã có mức nợ lãi và gốc chênh lệch giữa những người đã bốc phường và người chưa được bốc lên đến trên 30 tỷ đồng. Trong số 3 chủ hụi chính tổ chức chơi hụi trên địa bàn huyện Mường Chà có đối tượng Lò Thị Ngọc (sinh năm 1959, giáo viên Trường Mầm non thị trấn Mường Chà) là chủ hụi đã tổ chức chơi hụi với số người tham gia và số tiền cao nhất trong các phường hụi ở huyện. Đến khi không còn khả năng chi trả và bị người chơi hụi đòi tiền, bà Ngọc đã tự tử. Các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện nhiều sổ đỏ của người tham gia chơi hụi được cầm cố tại một số ngân hàng trên địa bàn. Có tới 46 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thế chấp tại các ngân hàng, trong số đó có 23 trường hợp vay nợ để sử dụng vào mục đích chơi hụi. Do chủ hụi Lò Thị Ngọc đã chết nên những trường hợp này khó có khả năng trả nợ ngân hàng và do vậy, thời gian tới rất có thể sẽ có nhiều người mất nhà do bị ngân hàng phát mại. Sau khi bà Ngọc tự tử, việc vỡ hụi ở Mường Chà bắt đầu bùng phát, nhiều đối tượng tham gia phường hụi của bà Ngọc đã coi như bị mất trắng số tiền của mình, rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Những đối tượng tham gia các phường hụi khác cũng bắt đầu lo lắng, hoang mang trước tình trạng nhiều chủ hụi và con hụi không còn khả năng chi trả. Lãnh đạo huyện Mường Chà cho biết, sau sự việc vỡ hụi vừa qua, 2 đối tượng khác là Trần Quốc Toản và Điêu Thị Thọ được cho là chủ của một đường dây hụi khác tại huyện Mường Chà đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, hiện vẫn chưa tìm ra tung tích.

Vỡ hụi và những hệ lụy  1Một nạn nhân vỡ hụi ở Mường Chà trao đổi với PV.

Do lòng tham?!

Theo Nghị định 144/2006/NĐ-CP, chơi hụi chính thức được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người chơi. Thế nhưng sau đó, những cuộc lừa hụi quy mô lớn vẫn liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, đẩy bao nhiêu gia đình vào cảnh khốn cùng, cho thấy còn nhiều bất cập giữa những quy định trên giấy và hành động trên thực tế. Nhìn vào các vụ vỡ hụi cho thấy, các nạn nhân đều chung một nỗi bức xúc tột cùng. Họ dựng ảnh thắp hương tế sống chủ hụi; họ lùng sục, bao vây, gào thét, đập phá trước ngôi nhà chủ hụi. Khi cơn lãi suất lên đến đỉnh điểm, không chỉ dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được mà còn giấu gia đình cắm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, đi huy động anh em, họ hàng, người thân giúp chủ hụi. Theo kết quả điều tra của ngành công an, để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ, các chủ hụi thường có toan tính từ trước. Ban đầu là cố tình hư trương tiềm lực kinh tế để các hụi viên tin tưởng. Khi đã tin, các hụi viên tự nguyện giao tiền triệu mà không cần biên lai, thay vào đó, chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ hụi và thanh toán đầy đủ, đúng hẹn một thời gian cho đến khi ôm tiền bỏ trốn. Hoặc chủ hụi lập ra các hụi viên ảo để hốt hụi. Khi có thành viên khác muốn hốt hụi thì chủ hụi thông báo đã có thành viên khác bỏ lãi cao hơn và hốt trước. Do có toan tính từ trước nên khi tranh chấp xảy ra, thường không có chứng cứ để buộc tội và việc giải quyết hậu quả dân sự cũng rất khó khăn vì chủ hụi đã tẩu tán tài sản trước đó hoặc bỏ trốn.

Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn - Phó chánh Tòa Hình sự, TAND TP. Hà Nội, người đã từng xét xử một số vụ án hụi cho rằng: Nạn nhân các vụ lừa hụi không chỉ là dân thường mà có cả những người có trình độ, thậm chí có kiến thức chuyên ngành kinh tế vẫn bị cuốn vào vòng xoáy này, mà nguyên nhân chủ yếu là bị lòng tham làm mờ mắt.

Trong khi đó, tại BLHS có quy định về hụi, họ, biêu, phường nhưng còn rất sơ sài. Văn bản dưới luật có Nghị định 144 ngày 27/11/2006 hướng dẫn và đó cũng chỉ là các chế định về trách nhiệm dân sự trong giao dịch này. Còn văn bản quy định cụ thể cách xử lý các vụ việc liên quan đến hụi có dấu hiệu hình sự thì chưa có.

Đối với các vụ vỡ hụi lớn, người cầm đầu dây không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 BLHS, trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm đối với chủ hụi thường rất yếu. Một phần do chủ hụi và người chơi đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, không có giấy tờ, biên lai chứng minh. Chưa kể, chủ hụi thường hứa hẹn sẽ hoàn trả và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì thế, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.

Hiện nay cho dù các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay và nhu cầu vay vốn làm ăn tăng cao song không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận. Trong bối cảnh đó, người dân phải vật lộn dùng mọi cách để có thể tìm ra lợi nhuận nên sẵn sàng bấu víu vào tín dụng đen bất chấp những rủi ro vì sự tự do không kiểm soát.

Quang Thế


Ý kiến của bạn